Những vấn đề pháp lý vụ chủ tịch tư lợi tiền tỷ nhờ cầm cố sổ đỏ của dân

PV

(Dân trí) - "Việc ông Quyết nhận sổ đỏ của dân rồi mang đi cầm cố thay vì thực hiện công việc có đầy đủ dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, trách nhiệm của chủ tiệm cầm đồ cũng cần được làm rõ".

Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Huỳnh Văn Quyết (nguyên huyện ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan chức năng, ông Quyết lợi dụng danh nghĩa cán bộ để nói dối nhiều người dân về việc có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, bị can còn nhận sổ đỏ của người dân, hứa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi mang đi cầm cố, thế chấp để vay tiền. Tới nay, tổng số tiền ông Quyết chiếm đoạt là hơn một tỷ đồng.

Những vấn đề pháp lý vụ chủ tịch tư lợi tiền tỷ nhờ cầm cố sổ đỏ của dân - 1

Đối tượng Huỳnh Văn Quyết (Ảnh: chinhphu.vn).

Liên quan vụ án, với việc tài sản được ông Quyết cầm cố là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, nhiều người đặt vấn đề về việc giao dịch cầm cố, thế chấp tài sản giữa ông Quyết và tiệm cầm đồ có vi phạm pháp luật không? Và chủ tiệm cầm đồ có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trong trường hợp này?

Theo dõi sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận, đối với trường hợp này, cần bóc tách rõ ràng mối quan hệ giữa các chủ thể mà cụ thể là giữa người dân với ông Quyết và giữa ông Quyết với chủ tiệm cầm đồ. Đây sẽ là cơ sở để phân tích, đánh giá chính xác về sự liên quan giữa từng chủ thể trong bức tranh tổng thể của vụ án.

Đối với mối quan hệ giữa ông Quyết và người dân, theo thông tin hiện có, ông Quyết nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân và hứa hẹn chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho họ. Tuy nhiên, vị cán bộ này thực chất không có chức năng, nhiệm vụ và cũng không đủ khả năng thực hiện công việc này.

Bởi vậy, có thể đánh giá đây là hành vi, thủ đoạn gian dối của bị can nhằm tạo lòng tin để người dân tin tưởng, giao sổ đỏ rồi sử dụng cầm cố, thế chấp nhằm tư lợi trái phép. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 và việc cơ quan điều tra bước đầu khởi tố ông Quyết về tội danh này là có cơ sở, phù hợp quy định của pháp luật.

"Trên thực tế, việc sử dụng sổ đỏ của người khác để thực hiện các hoạt động cầm cố, thế chấp vẫn có thể xảy ra, song phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Trường hợp này, người dân giao sổ đỏ để ông Quyết làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng đất, không phải để cầm cố hay thế chấp. Bởi vậy, không có sự ủy quyền hợp lệ trong vụ án này", luật sư Hùng phân tích thêm.

Đối với mối quan hệ giữa ông Quyết và chủ tiệm cầm đồ, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là chủ tiệm cầm đồ có biết về việc ông Quyết chiếm hữu, sử dụng sổ đỏ của người dân sai mục đích, mà cụ thể trong trường hợp này là cầm cố, thế chấp nhằm tư lợi cá nhân hay không.

Trong trường hợp chủ tiệm cầm đồ hoàn toàn bị lừa dối và không biết về hành vi vi phạm pháp luật của ông Quyết, giao dịch giữa các bên chỉ dừng lại ở mức độ dân sự và thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, các bên phải khôi phục lại tình trạng tài sản ban đầu và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Còn nếu chủ tiệm cầm đồ biết rõ hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ này mà vẫn tiếp tay thì cơ quan chức năng sẽ xem xét vai trò đồng phạm giúp sức cho vị cán bộ này của chủ tiệm. Trong trường hợp bị cơ quan chức năng quy kết hành vi phạm tội, người vi phạm cũng có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm