Những trạm điện thoại dùng thẻ bị… bỏ quên!

(Dân trí) - Khoảng hơn 10 năm trước, loại hình điện thoại thẻ công cộng ra đời đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc tiện lợi cho người dân vì điện thoại di động lúc đó còn bị xem là loại đồ “xa xỉ”. Còn nay thì đã khác xưa…

Hết thời "vàng son"
 
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là lĩnh vực viễn thông, thông tin và công nghệ số, điện thoại không dây, điện thoại di động (ĐTDĐ) ra đời và đã nhanh chóng chiếm ưu thế áp đảo. Đồng thời, chấm dứt thời kỳ “vàng son” của các trạm điện thoại dùng thẻ công cộng. Chỉ trong một vài năm vừa qua, sự phát triển “bùng nổ” của các mạng điện thoại di động đã dẫn tới việc ngày càng có nhiều người tiếp cận được với loại hình liên lạc một thời vẫn được xem là “xa xỉ’” này.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong khi giá cả của nhiều mặt hàng trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng, thì giá cước liên lạc của ĐTDĐ lại được các nhà mạng điều chỉnh theo hướng giảm dần để phát triển số lượng thuê bao và “giữ chân” người sử dụng. Điều này càng khiến cho ĐTDĐ đang trở nên rất thông dụng với nhiều người, từ học sinh, sinh viên đến những người lao động bình thường. Việc “người người dùng ĐTDĐ, nhà nhà dùng di động” càng khiến cho “số phận” của những chiếc cabin điện thoại công cộng thêm phần hẩm hiu, quạnh vắng.

 

Khi ĐTDĐ đã trở thành “vật bất ly thân”, nhiều người  “quên” đi sự tồn tại của các trạm điện thoại thẻ công cộng. Không còn mấy ai quan tâm đến việc các trạm điện thoại thẻ nằm ở vị trí nào, có gần nhà hay chỗ làm của mình hay không, có còn hoạt động hay đã không còn tín hiệu?
 
Những trạm điện thoại dùng thẻ bị… bỏ quên! - 1

Trạm điện thoại "biến" thành nơi dán tờ rơi quảng cáo...

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Tp. Vinh hiện nay có hơn 80% các trạm điện thoại thẻ công cộng đang bị “bỏ quên”, trở thành nơi dán quảng cáo, rao vặt. Rất nhiều trạm điện thoại thẻ lâu ngày không có người sử dụng cũng như không được đơn vị chủ quản duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nên bị hư hỏng nặng. Một số trạm đặt ở các trục đường Quang Trung, Trần Phú, Ngư Hải, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Du, Lê Duẩn… khi nhấc ống nghe ra thử, đa phần đều không có bất cứ tín hiệu nào thể hiện dịch vụ điện thoại này vẫn còn sử dụng được.

 
Bỏ thì thương, vương thì... tội 
 
Ở nhiều nơi, trạm điện thoại công cộng nghiễm nhiên trở thành điểm tập kết rác của các bà đồng nát, nơi ngăn cách của những người trông giữ xe trên vỉa hè, nơi tờ rơi quảng cáo, rao vặt cứ dán, xé nham nhở trông rất nhếch nhác. Không ít cabin còn bị những người thiếu ý thức vặt mất ống nghe, phá hỏng các phím số, làm hỏng màn hình, làm tắc khe dắt thẻ.
 
Những trạm điện thoại dùng thẻ bị… bỏ quên! - 2

...và thành kho chứa đồ

 

Theo nhận định của nhiều người, nguyên nhân quan trọng khiến cho các trạm điện thoại thẻ công cộng ít được sử dụng là do nó đã không còn mang lại nhiều tiện ích.
 
Bạn Nguyễn Văn Tùng, sinh viên trường ĐH Vinh cho hay: “Trước đây em có sử dụng điện thoại thẻ vì trước cổng trường và gần chỗ em trọ đều có cabin điện thoại. Nhưng hiện tại, em sử dụng ĐTDĐ vì thấy tiện lợi hơn rất nhiều, chỉ cần mấy trăm nghìn đồng là đã có thể mua được máy, sim và cước phí lại rẻ. Trong khi đó, điện thoại thẻ có cước phí đắt hơn và không có hình thức khuyến mãi nào”.
 
Phần lớn các trạm điện thoại thẻ thường nằm trên vỉa hè, khách hàng muốn gọi điện phải dừng và dắt xe lên vỉa hè gây bất tiện. Đó là chưa kể đến việc khách hàng phải tìm “mỏi mắt”, đến tận các điểm giao dịch lớn của bưu điện may ra mới có thể mua được một chiếc thẻ điện thoại, bởi hầu hết các đại lý bưu điện nhỏ dọc đường hiện chỉ bán các loại sim, thẻ dành cho các thuê bao ĐTDĐ.

 

Nhằm phát triển lượng người sử dụng dịch vụ điện thoại thẻ công cộng và để phù hợp với xu hướng giảm giá chung của các loại dịch vụ điện thoại, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đã giảm 15% mức cước liên lạc đường dài liên tỉnh của dịch vụ điện thoại thẻ từ ngày 1/11/2008. Mặc dầu vậy, chính sách này xem ra cũng không mấy hấp dẫn đối với khách hàng.
 
Người dân vẫn không mấy mặn mà với loại hình dịch vụ điện thoại thẻ công cộng khi mà dịch vụ ĐTDĐ đã tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường. Những trạm điện thoại thẻ công cộng bị “bỏ quên” đứng chơ vơ ở các vỉa hè, không được duy tu, bảo dưỡng, không phát huy tác dụng, hiệu quả đồng nghĩa với một sự lãng phí lớn khiến những người quan tâm không khỏi xót xa.
 
Nên chăng, ngành viên thông nên tiến hành xem xét, đánh giá lại tính hữu dụng của các trạm điện thoại thẻ công cộng. Từ đó có thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với “số phận” những cabin điện thoại thẻ này. Nên chấm dứt hoạt động hay để cho các trạm điện thoại thẻ công cộng tiếp tục tồn tại?
 
Nếu để loại hình dịch vụ này tiếp tục tồn tại thì cần có những chính sách thực sự khả thi, có sức hấp dẫn nhằm khuyến khích lượng người dùng. Đồng thời, ngành viễn thông cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, phối hợp với chính quyền các khối phố, tổ dân cư trong việc đảm bảo an toàn, mỹ quan cho các trạm điện thoại thẻ công cộng. Đây cũng là biện pháp góp phần tạo nên nét văn minh trong đô thị.

 

Bùi Minh Tuấn

 (Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Với đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và ĐTDĐ nói riêng, các trạm điện thoại cố định dùng thẻ hầu như trở thành vô dụng không chỉ ở TP Vinh mà còn ở hầu hết các thành phố khác. Đấy cũng là quy luật bình thường của cuộc sống, nhưng điều nói đáng nói ở đây là những “chủ nhân” của nó hầu như cũng lãng quên mà không có biện pháp xử lý để tránh lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị.

 

Mong rằng ngành bưu điện ở các thành phố quan tâm đến sự phản ảnh của nhân dân về tình trạng nói trên và sớm có biện pháp khắc phục, đừng để kéo dài việc nhiều trạm điện thoại dùng thẻ rơi vào tình trạng vô chủ!