Những “hạt sạn” trong Festival Huế 2010
(Dân trí) - Festival Huế 2010 đã khép lại sau gần 10 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hoành tráng và hấp dẫn, ít nhiều để lại hài lòng cho du khách. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những “hạt sạn” cần được nêu tên để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Bài hát Trung Quốc trở thành nhạc nền chính cho nhiều lễ hội
Đoạn hòa tấu bài hát “Chiến ca” - một tác phẩm được sáng tác từ Trung Quốc không biết vì lý do gì đã trở thành nhạc nền chính trong và sau 4 buổi lễ quan trọng: Khai mạc, Đêm Phương Đông, Lễ hội áo dài và bế mạc. Khi hỏi Ban tổ chức Festival Huế 2010, thì nhận được câu trả lời là sẽ chất vấn lại đạo diễn.
Trích đoạn “sàm sỡ” của quân Thanh quá lố?
Một cảnh trong đoạn trích gây nhiều tranh cãi.
Trong lễ hội “Hành trình mở cõi” của tổng đạo diễn Lê Quý Dương có một phân đoạn diễn tả đầy đủ cảnh “sàm sỡ” của một tướng Trung Quốc, từ cảnh vuốt má, sờ mông đến ôm gọn mỹ nữ trong lòng và cười hả hê sung sướng.
Với một buổi diễn đầy tính lịch sử, là lễ hội quan trọng nhất tại Festival Huế 2010, “Hành trình mở cõi” theo ý kiến rất nhiều người, là có nên đưa phân đoạn này vào hay không?
Có nhiều giả thiết là những mỹ nữ này thuộc Trung Hoa hay Việt Nam? Nhưng nếu là người Việt, liệu có phải là “gái lầu xanh”? Còn nếu là con gái Trung Hoa, cảnh diễn đưa vào có cường điệu hóa vở diễn hay không?
Ban tổ chức Festival sau khi nghe ý kiến này sẽ hứa “trao đổi lại với tổng đạo diễn” (!)
Lượng khách và con số thực tế?
Theo thống kê từ Ban tổ chức, khách đã tăng 129,47% so với năm 2008, trong đó, khách quốc tế đã tăng 28,596%.
Tuy nhiên, tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh nhiều ngày qua, khách rất thưa thớt, nhiều doanh nghiệp “đau đầu” vì mùa Festival mà khách còn kém hơn ngày thường.
Tình nguyện viên chưa biết nhiệm vụ của mình?
Tại nhiều điểm diễn ra các chương trình lễ hội chúng tôi đã chứng kiến nhiều “áo xanh” đang ngồi tụm năm tụm bảy nhắn tin nói chuyện, than vãn hay chơi chat, chơi games trên mạng…vì “không biết việc gì để làm”.
Tình nguyện viên chẳng có việc gì để làm?!
Xin dẫn ra một tình huống khá “đặc biệt” mà chúng tôi đã gặp phải. Khi chúng tôi đang ngồi trên xe sát lề đường để chụp ảnh cầu Tràng Tiền trong tối 10/6, một nữ tình nguyện viên có đeo thẻ nhưng không mặc áo xanh đã đến và to giọng “Anh chụp ảnh nhanh lên và đi chỗ khác”. Chúng tôi bèn nhập vai để hỏi lại “Tình nguyện viên sao không hướng dẫn cho khách mà lại còn đuổi đi” thì cô sinh viên này trả lời “Anh làm cản trở giao thông đó, xin mời anh đi nhanh cho”.
Có thể kể không hết những điều mà tình nguyện viên đã làm tốt. Nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ, các bạn đã đánh mất đi hình ảnh đẹp mà tỉnh và thành phố đã giao phó. Khoảng cách giữa cái đẹp và cái xấu trong “nghề làm dâu trăm họ” rất nhỏ. Chỉ cần một lời nói phật lòng, một cử chỉ thiếu thiện cảm hay một ánh mắt lơ là thì đã làm xấu đi hình ảnh “áo xanh tình nguyện” trong Festival Huế.
Bảo vệ không cho phóng viên vào tác nghiệp?
Gần 100 phóng viên bị cấm vào vì lý do quá tải.
Tại lễ hội tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn”, trước khi lễ hội diễn ra hơn nửa tiếng, toàn bộ các lối dẫn vào khán đài đã bị lực lượng bảo vệ chặn lại. Dù có thẻ nhưng gần 100 phóng viên các báo, đài truyền hình Trung ương và địa phương đã bị công an chặn lại không cho vào với lý do là khu vực lễ hội đã quá tải.
Quá bức xúc, nhiều phóng viên đã hỏi nguyên nhân thì nhận được câu trả lời “Các anh vào mà hỏi ban tổ chức” cùng với thái độ đe dọa rất thiếu sự tôn trọng của các công an viên.
Khi lễ hội vừa bắt đầu, thì lực lượng này mới cho các PV vào và tất nhiên tại khu vực phóng viên tác nghiệp vẫn còn rất trống (?!)
Có vé vẫn không vào được khán đài?
Tại Lễ khai mạc đêm 5/6 và Lễ hội áo dài tối 8/6, hàng chục người (cả nước ngoài lẫn Việt Nam) cầm trên tay chiếc vé vào dự lễ hội đã phải “ngậm ngùi” trở ra vì sân khấu đã quá đầy. Trong khi đó, lượng vé bán ra vừa trùng với số ghế (?!)
Theo ban tổ chức, công tác bảo vệ còn hơi… lỏng lẻo nên đã diễn ra tình trạng trên. Trong khi đó, thực tế vẫn còn nhiều người không có vé vẫn được vào khán đài.
Phương án phòng trời mưa vẫn không thực hiện được
Nhiều du khách vẫn phải đội mưa như thế này để xem Festival.
Trong buổi họp báo trước lúc diễn ra Festival Huế, Ban tổ chức đã nói là sẽ có phương án đối phó với những cơn mưa bất chợt trong đêm khai mạc. Tuy nhiên, cả toàn bộ khán đài đã có một đêm “đội mưa” xem Festival khi mà chỉ có một mảnh giấy bìa che đầu.
Hậu quả, các diễn viên của đoàn Nga, Pháp đã “chụp ếch” oành oạch trên sân sân khấu khai mạc.
Đây chỉ là một trong những số nhỏ nhiều “hạt sạn” tại Festival lần này, tuy nhiên trong một kỳ đại lễ hội hoành tráng, được xem là lớn nhất trong lịch sủ Festival, điều này theo ban tổ chức là “không thể tránh khỏi”.
Đại Dương