Nhịp cầu bạn đọc số 17: Người dân kêu cứu khi bị thu hồi sổ đỏ tại Thanh Hoá!

(Dân trí) - Trong tuần qua báo điện tử Dân trí nhận được đơn, thư của bạn đọc trên mọi miền tổ quốc, phản ánh nhiều vấn đề bất cập liên quan đến công tác thi hành án; việc xử lý thu hồi đất đai còn tồn tại nhiều bức xúc với người dân; mâu thuẫn tranh chấp đất đai... báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Toan, trú tại xã Nga An - huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Ngày 07/3/2016, giữa tôi với vợ chồng ông Lường Văn Lọc (sinh năm 1954) và bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1954), trú tại Quảng Cư, Sầm Sơn, Thanh Hóa đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 400,2 m2 đất tại thửa đất số 586; 587 và 588 tờ bản đồ 29 tại thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư.

Diện tích đất nêu trên có nguồn gốc là do UBND thành phố Sầm Sơn giao cho ông Lường Văn Lọc theo quyết định số 520/QĐ-UBND và biên bản bàn giao đất cho gia đình ông Lọc ký cùng ngày 1/3/2016. Hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện tại Văn phòng công chứng Tín Việt trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Sau chuyển nhượng, tôi và gia đình ông Lọc đã hoàn tất các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí với nhà nước và được UBND thành phố Sầm Sơn cấp giấy chứng nhận quyến sử dụng đất số CĐ 204307 mang tên tôi vào ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ diện tích đất nêu trên.

Hai tháng sau, bà Vũ Thị Tờ tự ý xây dựng trái phép trên đất của tôi, ngay khi bắt đầu xây dựng tôi đã gặp bà Tờ và bà này cho biết đất này em trai bà đã mua đe doạ xử lý ai đến ngăn cản việc xây dựng. Ngay sau đó, tôi đã có đơn tố cáo gửi UBND thành phố Sầm Sơn can thiệp buộc dừng thi công và tháo dỡ công trình. Trong quá trình giải quyết đơn thì được biết diện tích đất nêu trên trước kia ông Lọc đã bán cho ông Vũ Như Định (em trai bà Tờ) có giấy tờ mua bán viết tay. Tuy nhiên ông Lọc không nhận việc mua bán này, nên các bên đã tiến hành giám định chữ ký trong hợp đồng mua bán.

Kết luận giám định số 919/KLGĐ -PC 45 ngày 12/7/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận vân tay của ông Lọc và bà Mùi trùng khớp với các mẫu giám định nhưng chữ ký thì chưa đủ cơ sở kết luận là chữ ký của cùng một người. Hơn nữa, đây chỉ là bản hợp đồng viết tay và nó được xác lập trước thời điểm ông Lọc có quyết định giao đất.

Nhưng thật bất ngờ, ngày 02/8/2016 UBND thành phố Sầm Sơn lại ban hành kết luận số 1809/KL-UBND với nội dung: Căn cứ khoản 1 điều 168 Luật đất đai khẳng định hợp đồng chuyển nhượng giữa tôi và vợ chồng ông Lọc tại Văn phòng công chứng là sai do ông Lọc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện công chứng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Không dừng lại ở đó, UBND thành phố Sầm Sơn công nhận hợp đồng mua bán đất viết tay giữa ông Lọc và ông Định là có thật. Trên cơ sở nội dung này UBND thành phố Sầm Sơn đề xuất hủy sổ đỏ đã cấp và chuyển hồ sơ liên quan đến việc mua bán giữa ông Lọc và ông Định sang cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự.

Tiếp đó ngày 13/9/2016 UBND thành phố Sầm Sơn ban hành quyết định số 5596/QĐ-UBND hủy một phần nội dung kết luận và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thành phố Sầm Sơn cấp cho ông tôi. Lý do thu hồi, hủy bỏ là trái quy định tại khoản 1 điều 168 luật đất đai năm 2013. Tôi cho rằng lý do trên hoàn toàn phi lý bởi theo quy định tại khoản 2 điều điều 106 Luật đất đai thì gia đình tôi không thuộc một trong các trường hợp phải thu hồi đất nêu trên nhưng UBND thành phố Sầm Sơn vẫn tiến hành thu hổi giấy chứng nhận để hủy là trái quy định của Luật đất đai.

Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến gia đình tôi rơi vào tình trạng mất tiền mà không được sử dụng đất. Vì vậy, tôi đã làm đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của công dân đến Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Thanh Hoá; Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá; Thành uỷ - UBND TP Sầm Sơn xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận đươc đơn của ông Thân Văn Khanh, trú tại thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang phản ánh việc thu hồi diện tích Hồ Bờ Tân thuộc xã Tiền Phong để phục vụ dự án xây dựng sân Golf gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân thôn Bình An, cùng với đó là việc bắt giữ người trái pháp luật của công an huyện Yên Dũng.

Đơn có nội dung: “Hồ Bờ Tân được hình thành từ năm 1969, thực hiện theo lời kêu gọi của Chi bộ Đảng và Chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình trong thôn Bình An tự bỏ ra một số ruộng để đào hồ chứa nước phục vụ tưới têu, sản xuất nông nghiệp của thôn, do thôn Bình An cùng nhân dân trong thô tự quản lý, sử dụng và bỏ kinh phí tôn tạo hàng năm. Chính quyền xã và cấp trên chưa bao giờ hỗ trợ kinh phí xây dựng và tôn tạo hồ cũng như chưa bao giờ có văn bản về việc quản lý và sử dụng hồ.

Năm 2015, dự án xây dựng sân golf tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng do Công ty CP QNK Bắc Giang làm chủ đầu tư khởi công, UBND huyện Yên Dũng đã ra quyết định thu hồi đất của nhân dân thôn Bình An để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, trong đó có diện tích Hồ Bờ Tân.

Việc thu hồi này ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp duy nhất sẽ bị chặn, đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân trong thôn vốn dĩ chỉ sống bằng sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, nhân dân thôn Bình An không đồng ý về việc thu hồi Hồ Bờ Tân và hiện vẫn đang có đơn kêu cứu khắp nơi.

Trong khi việc khiếu nại chưa được giải quyết thì Công ty CP QNK đã ngang nhiên sử dụng tấm bê tông chắn bờ đập khiến cho nhân dân không có nguồn nước để phục vụ sản xuất, ngăn cản việc đi lại của nhân dân.

Ngày 27/10/2016, mẹ tôi là bà Lương Thị Liệu (sinh năm 1948) đang ăn cơm cùng với người dân trong làng tại bờ Hồ Bờ Tân thì bị công an huyện Yên Dũng bắt và đưa để điều tra hành vi hủy hoại tài sản. Khi bắt mẹ tôi, Công an huyện không có lệnh bắt, không mời đại diện chính quyền xã chứng kiến, không có biên bản bắt giữ mà tự ý đi mẹ tôi đi luôn. Mẹ tôi đã gần 70 tuổi làm gì có sức mà thực hiện hành vi đập phá rào bê tông?

Từ khi mẹ tôi bị bắt đến nay đã hơn 7 tháng nhưng cơ quan CSĐT vẫn không chứng minh được mẹ tôi phạm tội, vẫn tiếp tục giam giữ mẹ tôi, từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa với lý do mẹ tôi từ chối luật sư. Tôi và luật sư có đề nghị được gặp mẹ tôi thì bị Cơ quan CSĐT từ chối không cho gặp.

Tôi nhận thấy việc giải quyết vụ án của cơ quan công an huyện Yên Dũng có dấu hiệu không khách quan, vi phạm tố tụng nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ tôi”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Bắc Giang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng, Công an huyện Yên Dũng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Võ Hoàng Ngân, trú tại Phường Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ - là người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thái Bình, khiếu nại việc Chấp hành viên Phạm Văn Bửu, công tác tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre.

Đơn có nội dung: “Theo quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 05/2012/QĐST-KDTM ngày 25/10/2012 của TAND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thì nếu Công ty CP Thủy sản An Phát (cty An Phát) không thỏa thuận được thời gian và phương thức trả nợ tại cơ quan THADS huyện Bình Đại thì Cty An Phát và ông Nguyễn Thanh Hùng đồng ý phát mãi toàn bộ tài sản đã thế chấp cho Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Bình (Cty Thái Bình) theo các hợp đồng mà 2 bên đã ký kết để thanh toán nợ cho Cty Thái Bình.

Thực hiện theo QĐ trên, Cục THADS tỉnh Bến Tre đã ra QĐ cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án số 05/QĐ-CTHADS ngày 08/5/2015 đã kê biên 33 thửa đất và tài sản công trình, vật kiến trúc, cây trồng trên đất của ông Nguyễn Thanh Hùng tại tờ bản đồ số 01, tọa lạc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ngày 30/6/2017 tôi được mời làm việc với chấp hành viên Phạm Văn Bửu để được thông báo kết quả thẩm định giá các tài sản kê biên của ông Hùng tại xã An Hóa, An Hiệp và thông báo sẽ tiến hành xác minh thành viên hộ gia đình của ông Hùng nên không đồng ý tiến hành đấu giá ngay. Đối với tài sản chung phải thực hiện nghiêm khoản 3 điều 74 Luật thi hành án dân sự.

Hành vi trên của CHV Phạm Văn Bửu là trái với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2012/QĐST-KDTM ngày 25/10/2012 của TAND huyện Bình Đại và QĐ số 05/QĐ-CTHADS ngày 08/5/2015 của Cục THADS tỉnh Bến Tre nhằm kéo dài việc thi hành án, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của Cty Thái Bình. Việc trì hoãn thi hành án này trái với bản án của TAND huyện Bình Đại và trái quy định của pháp luật.

Hiện ông Nguyễn Thanh Hùng còn tự ý thay đổi hiện trạng tài sản gắn liền với thửa đất mà Cục THADS tỉnh Bến Tre đã kê biên, xử lý tài sản để thi hành án số 06/QĐ/CTHDS ngày 08/5/2015. Ông Hùng đã cho người khác thuê quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với thửa đất nêu trên mà chấp hành viên không áp dụng biện pháp chế tài với ông Hùng là trái pháp luật”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc tới Tổng Cục Thi hành án dân sự, Chi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre, xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của các ông Dương Văn Bình, Phạm Quang Cường, Nghiêm Danh Chính trú tại thôn Mạnh Tân, xã Thụy Lâm, huyện Đông anh, TP.Hà Nội về việc không đồng ý phương án dồn điền đổi thửa của thôn Mạnh Tân vì bất công bằng, những việc sai trái của lãnh đạo xã và thôn.

Đơn có nội dung như sau: “Căn cứ vào nguyên tắc thứ 2 của kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 27/6/2012 của UBND huyện Đông anh thì chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là tự nguyện. Chúng tôi không đồng ý DĐĐT mà ông chủ tịch UBND xã Thụy Lâm và ông Đào Văn Chiêu (Bí thư Chi bộ, trưởng Tiểu ban DĐĐT thôn cũ), ông Kim Văn Huy trưởng thôn, bà Trịnh Thị Phương phó thôn đã tự ý thu hồi đất của chúng tôi là vi phạm pháp luật, trái với chủ trương DĐĐT.

Ngoài việc tự ý thu hồi đất trái pháp luật, sai chủ trương lại ra thông báo số 72/TB-UBND ngày 18/7/2017 yêu cầu gia đình chúng tôi làm đơn gửi ban lãnh đạo thôn để nhận ruộng số là vô lý, trái pháp luật.

Chúng tôi nhận thấy cán bộ thôn Mạnh Tân còn làm một số việc coi thường pháp luật như sau:

Lợi dụng chủ trương DĐĐT thu tiền của một số hộ dân trái pháp luật, rồi chia đất vòng 1 cho các hộ nộp tiền. Các hộ nộp tiền này đã nhận tiền đền bù đất của dự án cây xăng Thụy Lâm ở khu đất cổng chùa rồi;

Việc giao ruộng của Tiểu ban DĐĐT thôn Mạnh Tân không đúng theo kế hoạch 105/KH-UBND ngày 27/6/2012 của UBND huyện Đông Anh, không đúng quy chế được nhân dân thông qua;

Việc thu tiền của nhân dân để chia đất và tự ý chuyển diện tích đất cuả trang trại bà Vân (Chi) là vi phạm pháp luật, liệu UBND có cho phép thôn Mạnh Tân chuyển đổi như vậy không?”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc tới UBND TP.Hà Nội, Sở Tài Nguyên môi trường TP.Hà Nội, UBND huyện Đông Anh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Khả Vân (tổng hợp)