Nhịp cầu bạn đọc số 1: Giữa thủ đô, đường hàng chục tỷ làm 5 năm vẫn đang “hành dân”?

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc gửi đến, phản ánh nhiều vụ việc, vấn đề tồn tại tại các địa phương trên cả nước. Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của các bạn đọc đến các cơ quan chức năng có liên quan để được xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn phản ánh của người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đơn thư cho biết: “Dự án tuyến đường rộng 40m, dài 2,6km kết nối giữa đường vành đài II và vành đai III của TP Hà Nội được UBND quận Tây Hồ phối hợp với liên danh Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long và Tổng công ty Đầu tư phát triền hạ tầng đô thị Hà Nội khởi công xây dựng từ ngày 27/2/2014. Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai, đến nay vẫn chưa được hoàn thành dẫn đến tình trạng nhếch nhác ảnh hưởng tới bộ mặt đô thị và cuộc sống của người dân. 

Theo phản ánh của người dân khu vực tuyến đường vào thời điểm lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án an toàn, đúng tiến độ, bảo đám vệ sinh môi trường và chất lượng công trình. Nhưng hình ảnh thực tế thì dường như không đúng như vậy.

Người dân vẫn hàng ngày vẫn phải lưu thông trên con đường ngập rác thải, bùn đất… Trời nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì bùn đất lớp nhớp bẩn thỉu. 

Không chỉ rác rến, nhiều “bẫy” trên đường như các hố ga mất nắp được vùi lấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dân tham gia giao thông.

Dọc tuyến đường có đoạn trở thành nơi đổ đất từ các công trường gần đó, đoạn được người dân tập kết nguyên vật liệu trồng cây cảnh, phía cuối con đường chưa giải toả thì lại thành nơi đổ rác thải sinh hoạt. Một số đơn vị còn đổ hẳn vật liệu xây dựng thành đống lớn như thế này ra giữa đường.

Thậm chí đường thì chưa có tên, phố không ra phố, môi trường bẩn thỉu, vấn nạn các xe tải chở đất không được che chắn khiến người dân khốn khổ. Trước thực trạng hiện tại, người dân phường Phú Thượng mong mỏi các cơ quan chức năng và công ty TNHH Nam Thăng Long có trách nhiệm giải quyết sớm tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh tại Dự án tuyến đường rộng 40m, dài 2,6km kết nối giữa đường vành đài II và vành đai III của TP Hà Nội”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở GTVT TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc the quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Viết Tài, trú tại tổ 4, ấp 5 xã An Phước, Long Thành, Biên Hòa, Đồng Nai kêu cứu khẩn cấp một việc như sau:

“Ngày 10/01/2013 tôi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng tại Văn phòng công chứng Thống nhất tỉnh Đồng Nai để mua 359m2 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ 39, tọa lạc tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai của vợ chồng ông Trần Văn Hải và Phùng Thị Tố Hà.

Trước khi quyết định mua, tôi đã cẩn thận lên UBND xã xem xác nhận đủ điều kiện giao dịch, trích lục bản đồ địa chính, đã kiểm tra thực địa là đất trống, không có tranh chấp và đã được cấp sổ đỏ hợp pháp số BD 274219 do UBND huyện Long Thành cấp cho vợ chồng ông bà Hải, Hà.

Sau khi nhận chuyển nhượng, đến đầu năm 2014 tôi đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì ngày 13/01/2014 bị UBND huyện Long Thành ban hành quyết định số 189/QĐ-UBND về việc thu hồi sổ đỏ số BD 274219 do UBND huyện Long Thành cấp từ năm 2011 với lý do trước đó đã cấp sai chủ sử dụng đất.

Sau đó thửa đất của tôi không được cấp sổ đỏ và phát sinh tranh chấp vì ông Nguyễn Hữu Trí làm đơn lên huyện cho rằng đó là đất của mình vì được UBND huyện Long Thành cấp sổ đỏ số AH 422824 từ ngày 24/9/2007.

Qua quá trình giải quyết tranh chấp giữa tôi với ông Nguyễn Hữu Trí, thì tôi vẫn chưa được biết rõ ràng rằng cùng một thửa đất mà UBND huyện Long Thành đã cấp 02 sổ đỏ cho 2 chủ thể khác nhau? Đối với sổ đỏ mà tôi đã mua của ông bà Hải, Hà thì hồ sơ và quy trình đều tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Sau khi hòa giải không thành, ông Trí đã làm đơn kiện gia đình tôi ra tòa án huyện Long Thành để đòi thửa đất tôi đã mua và đang ở hợp pháp. Ngày 17/9/2019 Tòa đã tuyên buộc tôi phải trả đất cho ông Trí mà không xem xét rằng lỗi này là do UBND huyện Long Thành gây ra.

Sau khi tôi làm đơn kháng cáo, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên y bản án sơ thẩm mà cũng không xem xét trách nhiệm của những người có nghĩa vụ liên quan cũng như không lắng nghe ý kiến nguyện vọng của gia đình chúng tôi”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Đồng Nai, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa, Chủ tịch UBND huyện Long Thành xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân sinh sống tại ngõ 124 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, đại diện là bà Vũ Thị Bạch Nga, kiến nghị ý kiến của UBND phường Thụy Khuê về việc hộ ông Hoàng Biền có địa chỉ tại số 1/114 Thụy Khuê xâm phạm di tích lịch sử cấp thành phố, chiếm dụng diện tích chung của ngõ 124 Thụy Khuê.

Theo đó, “từ tháng 9/2019 đến nay chúng tôi – các hộ dân tại ngõ 124 Thụy Khuê đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của ông Hoàng Biền nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hộ ông Biền đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ 1/114 Thụy Khuê, từ xưa tới nay vẫn ở địa chỉ đó và sử dụng lối đi ra ngõ 114 một cách bình thường. Trước đây một thời gian hộ ông Biền có xin mở cửa ra ngõ 124, tuy nhiên các hộ dân ở ngõ 124 không đồng ý nhưng ông này vẫn tự ý làm. Ngõ 124 là lối đi chung và cũng là một phần của di tích Đền Cố Lê, ông Biền lấn chiếm làm sân nhà.

Việc làm của UBND phường Thụy Khuê tại văn bản số 375/UBND-QLTTXD ngày 12/12/2019 là đã vi phạm quyền quản lý đối với ngõ 124 phố Thụy Khuê và vi phạm văn bản số 165/QLĐT ngày 26/8/2019 của Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ làm phát sinh tranh chấp khiếu kiện”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND quận Tây Hồ, Phòng quản lý đô thị quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khuê xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của tập thể cư dân khu nhà ở liền kề sông Đà và Five star tại thôn Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, HN với nội dung như sau:

“Ông Nguyễn Văn Gia là người làng Đình Thôn đã sử dụng từ rất lâu khu đất quy hoạch là khuôn viên cây xanh chung cho khu vực cạnh nghĩa trang Đình Thôn làm điểm tập kết và kinh doanh vật liệu xây dựng, gây bụi bẩn, hư hỏng mặt đường và nguy cơ tai nạn thông ảnh hưởng đến tính mạng người dân trong khu vực.

Các xe trọng tải lớn vẫn thường xuyên chở vật liệu xây dựng đi qua tuyến đường của khu, còn ngang nghiên đi vào khu đô thị trong giờ hành chính. Chúng tôi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng của quận đề nghị di dời điểm kinh doanh gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường này, nhưng không hiểu sao đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động”.

 Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND quận Nam Từ Liêm, Công an quận Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn việc trả tiền công cho người có công lao động, do đại diện của 108 hộ gia đình là công dân xã Cấp Dãn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đồng kiến nghị.

Đơn có nội dung: “ông Đinh Công Bình là công dân thường trú khu 2 xóm Kiến thiết, xã Cấp Dẫn. Là Đảng viên ĐCSVN, đối tượng người có công với cách mạng, người trực tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ đập, phục vụ sản xuất không được trả công lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì đảm nhận công việc của tập thể gây ra cho ông.

Năm 2000 ông Bình được Đảng ủy, UBND xã giao nhiệm vụ bảo vệ đập, phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp cho toàn xã. Từ năm 2000-2019 tuy đập Dồng Thìn xây dựng cách rất xa nơi xử dân ở, nơi “rừng thiêng nước độc” không có cán bộ nào dám nhận làm việc này, ông đảm nhận phải đưa cả vợ con vào đây cùng làm, trong 21 năm không để xảy ra sự cố vỡ hoặc bị kẻ gian phá hoại đập; nhận lệnh chỉ đạo của xã đống mở cống đúng lịch cho dân tôi có đủ nước sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản; việc làm của ông là bảo vệ 24/24h mỗi ngày trong cả 21 năm.

Tuy vậy, UBND xã Cấp Dẫn, UBND huyện Cẩm Khê không cơ quan nào trả tiền công lao động cho ông Đinh Công Bình gây ra cuộc sống của ông gặp nhiều thiệt hại.

Tập thể gồm 108 gia đình đại diện cho nhân dân trong xã Cấp Dẫn kiến nghị lên các cơ quan chức năng quan tâm xem xét trả công lao động chính đáng cho ông Đinh Công Bình đã lao động, tránh gây thiệt hại đến quyền lợi cho người lao động”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Cẩm Khê, UBND xã Cấp Dẫn xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Văn Chấp, vợ là Nguyễn Thị Hoa, trú tại xóm Thái Thịnh, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Nội dung đơn như sau: “Năm 1994 gia đình tôi được UBND xã Nghi Kim bán cho một thửa đất, ngày 04/5/1994 UBND huyện Nghi Lộc đã có quyết định số 2270 cấp cho tôi 150m2 diện tích đất ở tại xóm 15, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc. Giấy CNQSDĐ mang tên vợ tôi là Nguyễn Thị Hoa.

Ngày 15/4/2002, vợ tôi đánh rơi mất quyết định này, sau đó tôi đã làm đơn trình báo lên UBND xã Nghi Kim và phòng TNMT huyện Nghi Lộc. Sau khi được kiểm tra và thẩm định lại, ngày 07/1/2002 gia đình tôi đã được huyện cấp lại Quyết định mới (có giấy báo mất, quyết định cấp đất và sơ đồ kèm theo).

Vì lý do sức khỏe, gia đình tôi chưa chuyển giấy CNQSDĐ từ huyện Nghi Lộc sang TP Vinh được. Năm 2018 tôi trực tiếp tới Địa chính xã Nghi Kim, TP Vinh để làm thủ tục chuyển đổi thì địa chính xã cho biết đất của gia đình tôi đã được chuyển đổi sang tên người khác.

Sau đó tôi được biết có người đã giả mạo vợ tôi ủy quyền vay tiền cho bà Nguyễn Thị Lan ở TP.Vinh, Nghệ An để vay tiền và tự nguyện giao đất cho Ngân hàng Công thương xử lý thu hồi nợ; sau đó hồ sơ đã được chuyển sang Sở Tư pháp để đấu giá bán lại thửa đất của tôi cho ông Phạm Viết Tạo.

Như vậy, sau khi lấy được Giấy CNQSDĐ bị mất của gia đình tôi thì Nguyễn Thị Lan và Phạm Viết Tạo đã giả mạo đơn xin tự nguyện, chữ ký, chữ viết của tôi để thế chấp tại Ngân hàng Công thương tỉnh nhằm chiếm đoạt thửa đất trên của gia đình tôi.

Sau đó tôi đã làm đơn trình báo đến Công an tỉnh Nghệ An, ngày 12/7/2019 Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố giác của gia đình tôi. Việc này theo tôi là không đúng quy định pháp luật, bởi: việc cho vay tiền của ngân hàng công thương, trung tâm dịch vụ bán đấu giá Sở Tư pháp bán đấu gía đất của gia đình tôi mà gia đình không biết và hiện không có hồ sơ gốc tại Trung tâm có đúng với quy định của pháp luật không?

Việc cấp Giấy CNQSDĐ cho Phạm Viết Tạo có đúng với quy định của pháp luật không?...”

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An xem xét giải quyết nội dung đơn bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm