Nhìn sâu vào hiện tượng công chức nghỉ việc

Những khuyết tật của môi trường làm việc trong khu vực công là một trong những điều dễ làm nản lòng con người ta.

Theo một kết quả thống kê chính thức, trong 5 năm qua đã có hơn 16.000 công chức đương chức, cả ở cấp trung ương và các địa phương, chủ động xin nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng số công chức trong toàn bộ hệ thống hành chính. TP.HCM “dẫn đầu” về số lượng công chức rời bỏ chức vụ với gần 6.500 người, tức hơn 1/3 tổng số công chức nghỉ việc của cả nước.

Tỷ lệ số người ra đi so với số người ở lại, thực ra, rất nhỏ. Song, vấn đề là hầu hết những người ra đi là những công chức có trình độ cao, kinh nghiệm chuyên môn dồi dào, phẩm chất tốt.

Ra đi, họ không về hưu, mà gia nhập khu vực tư, nên phải ghi nhận đang có xu hướng di chuyển chất xám ra khỏi khu vực công.

Nhiều người nghỉ việc vì lý do kinh tế. Với đồng lương khiêm tốn, họ thường xuyên chịu sức ép nặng nề trong vấn đề cân đối thu - chi và hầu như không có điều kiện để tích luỹ. Viễn cảnh ảm đạm của cá nhân và gia đình sau ngày về hưu trở thành động cơ đẩy (hay kéo) họ về phía khu vực có những lời chào mời hấp dẫn hơn.

Một số khác nghỉ việc vì nhận thấy không có cơ may thăng tiến trong môi trường công vụ. Cơ chế quy hoạch và đề bạt cán bộ đang vận hành vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể của tư tưởng phân biệt đối xử theo lý lịch. Điều đó, cộng với tình trạng bè phái thường thấy trong các thiết chế tập thể, khiến cho nhiều công chức ưu tú trở thành “người thứ ba” trong các cuộc xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của bộ máy.

Những khuyết tật của môi trường làm việc trong khu vực công cũng là điều dễ làm nản lòng con người ta. Các mối quan hệ công tác nghiệp vụ, đặc biệt là quan hệ thượng cấp - thuộc quyền, thoạt trông có vẻ không khác bất kỳ bộ máy hành chính nào; nhưng trên thực tế, chúng lại rất phức tạp do sự can thiệp, tác động của nhiều yếu tố đặc trưng cho cơ chế quản lý tập thể.

Chẳng hạn, trong một số trường hợp, người đứng đầu cơ quan hành chính về mặt pháp lý không có quyền quyết định. Cấp thừa hành thì có thể phải nhận lệnh từ những nơi không thể được mô tả, nhận dạng bằng các công cụ pháp lý. Chủ thể ra lệnh mập mờ về lai lịch, người thừa hành luôn đứng trước nguy cơ phải nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm do hành vi mà mình chỉ thực hiện theo lệnh, nhất là khi nó gây thiệt hại cho xã hội. Trái lại, nếu tạo ra những kết quả tích cực, thì không chắc người trực tiếp thừa hành sẽ được khen thưởng, khích lệ.

Một số ý kiến cho rằng không nên cường điệu ý nghĩa tiêu cực của hiện tượng công chức nghỉ việc: khu vực công vẫn là vùng đất ao ước đối với mọi người và vẫn có sức hút đặc biệt; còn các công chức giỏi ra đi chủ yếu là vì các lý do cá nhân.

Không ai chối cãi rằng xã hội luôn coi trọng người nắm giữ quyền lực công, theo đúng quan niệm truyền thống “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện chế độ đãi ngộ vật chất dành cho công chức; cần thay đổi cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm dựa vào nguyên tắc trọng dụng hiền tài; đặc biệt, phải xây dựng môi trường hoạt động công vụ thông thoáng và minh bạch. Nếu không, khu vực công có thể vẫn hấp dẫn, nhưng đó chủ yếu là đối với những người không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp: thất bại trong các cuộc cạnh tranh giành vị trí trong khu vực tư, họ chỉ đến cơ quan nhà nước trong tư thế của người tìm kiếm chiếc phao mưu sinh cuối cùng.

TS. Nguyễn Ngọc Điện
Sài gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm