Đắk Nông:
Nhiều dự án bố trí, ổn định dân cư đang bị “treo” vì thiếu vốn
(Dân trí) - Các dự án ổn định dân di cư tự do thì triển khai ì ạch, trong khi tình trạng dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh làm ăn, sinh sống vẫn diễn ra khá phức tạp, thậm chí có khu vực gần như vượt ra tầm kiểm soát. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đang còn khoảng 11.209 hộ với hơn 51.100 nhân khẩu là dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.
Thực hiện Quyết định số 1766/QĐ-TTg và 1178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do và khu rừng đặc dụng, trong những năm qua, UBND tỉnh đã lập 14 dự án để bố trí, sắp xếp dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh.
Tổng vốn đầu tư được phê duyệt các dự án nêu trên hơn 1.084 tỷ đồng với mục tiêu bố trí cho khoảng 8.733 hộ dân. Đến nay, mặc dù nhiều dự án đã hết thời hạn đầu tư nhưng vẫn đang trong tình trạng dở dang vì thiếu vốn.
Tính đến tháng 8/2015, Trung ương mới chỉ bố trí được gần 364 tỷ đồng để tỉnh triển khai các dự án, chỉ bằng 33,5% tổng vốn được phê duyệt. Với số tiền trên, tỉnh mới cơ bản hoàn thành 4 dự án gồm: Dự án phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo cho dân di cư tự do huyện Đắk Glong; dự án di cư tự do khu vực Cồn Dầu (Chư Jút); dự án ổn định dân di cư tự do khu Trảng Ba, xã Đắk Ha (Đắk Glong) và dự án ổn định dân di cư tự do Tân Thành (Krông Nô).
Tổng kinh phí thực hiện 4 dự án này khoảng hơn 75 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cơ sở, đất ở, đất sản xuất cho 2.529 hộ dân. Mặc dù đã cơ bản hoàn thành nhưng so với kế hoạch vốn phê duyệt thì 4 dự án vẫn còn thiếu trên 17 tỷ đồng để thực hiện một số hạng mục còn lại. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 7 dự án chuyển tiếp, đang đầu tư dở dang và 3 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được đầu tư.
Đơn cử như dự án ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà (Đắk Song) được triển khai từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013 để sắp xếp, ổn định cho 249 hộ dân với tổng mức đầu tư hơn 89 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là hơn 87,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Mặc dù nguồn vốn bố trí đến thời điểm hiện nay là hơn 72 tỷ đồng, còn thiếu gần 17 tỷ đồng nhưng dự án vẫn chưa bố trí, ổn định được dân cư như mục tiêu ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn phân bổ hàng năm thiếu tập trung mà theo dạng “nhỏ giọt” nên thời gian đầu tư kéo dài hơn so với kế hoạch. Từ đây, dự án đã phát sinh nhiều vấn đề như vượt tổng mức đầu tư do trượt giá; tình trạng dân cư biến động, lấn chiếm đất vùng dự án và nhiều hạng mục đầu tư trước đó chưa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp…
Dự án ổn định dân di cư tự do xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) cũng đã hết thời hạn đầu tư từ năm 2013 nhưng đến nay, mới chỉ bố trí được 12,22/56,1 tỷ đồng, còn hơn 43,8 tỷ đồng chưa được bố trí nên vẫn đang trong tình trạng “treo” để chờ kinh phí đầu tư.
Ngoài 2 dự án này, các dự án như di dời dân vùng ngập lụt thôn Nam Dao, xã Nâm N’đir (Krông Nô) và dự án ổn định dân di cư tự do thôn 7, xã Quảng Tân (Tuy Đức) mặc dù đã hết thời hạn đầu tư nhiều năm nhưng vẫn chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành.
Để tránh tình trạng đầu tư dở dang, gây lãng phí, tỉnh đã xin gia hạn thời gian thực hiện các dự án và đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí đủ vốn cho những dự án đang đầu tư dở dang theo kế hoạch vốn đã phê duyệt nhưng xem ra còn nhiều trở ngại trong thực hiện. Bởi vì thực tế, trong điều kiện thắt chặt đầu tư công cùng với việc thay đổi một số chính sách trong đầu tư khiến những dự án chuyển tiếp hoặc mở mới sau năm 2012 sẽ có những thay đổi trong cơ cấu tỷ lệ vốn.
Cụ thể, theo quy định, từ năm 2012 trở đi, ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án đã nêu chỉ ở mức 70%, 30% còn lại là ngân sách địa phương. Vì nguồn vốn đầu tư cho các dự án rất lớn nên khả năng bố trí vốn của tỉnh không thể cân đối được. Từ đây, nhiều dự án ổn định dân di cư tự do triển khai sau này tiến độ thực hiện rất chậm vì không có kinh phí.
Điển hình như dự án ổn định dân di cư xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) triển khai năm 2011 nhưng đến nay, mới chỉ bố trí được 20/122,2 tỷ đồng; dự án bố trí dân cư các xã biên giới Việt Nam-Campuchia với tổng mức đầu tư hơn 276 tỷ đồng hiện cũng mới chỉ bố trí được 20 tỷ đồng… Chưa kể đến, toàn tỉnh hiện đang có 3 dự án ổn định dân cư đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng, thời hạn kết thúc đầu tư vào cuối năm 2015 nhưng chưa thể triển khai vì không có vốn.
Các dự án ổn định dân di cư tự do thì triển khai ì ạch, trong khi tình trạng dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh làm ăn, sinh sống vẫn diễn ra khá phức tạp, thậm chí có khu vực gần như vượt ra tầm kiểm soát. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đang còn khoảng 11.209 hộ với hơn 51.100 nhân khẩu là dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.
Thậm chí, một số dự án bố trí dân cư vùng biên mang tính trọng điểm cũng triển khai rất chậm. Khi mà nguồn kinh phí đầu tư từ phía Trung ương ngày càng thắt chặt, nguồn ngân sách địa phương không thể cân đối, nếu Nhà nước không có những chính sách phù hợp, linh hoạt thì việc bố trí, sắp xếp dân di cư tự do luôn là gánh nặng cho các tỉnh có dân di cư đến.
Đức Cường