TPHCM:

Nhiều điều cần làm sáng tỏ từ bản án sơ thẩm

(Dân trí) – Bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng có nhiều tình tiết về kết quả giám định, xác định hung khí nguy hiểm… khiến bị cáo chưa tâm phục, khẩu phục. Gia đình bị cáo thì cho rằng, cáo trạng của VKS không phản ánh đúng sự thật.

Bị hại cũng có lỗi?

TAND TPHCM đã tạm hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Vũ Đình Quý (SN 1983, quê Hải Dương, ngụ P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM) do có đơn kháng cáo của bị cáo cùng nhiều đơn tố cáo, kêu oan của gia đình.

Theo bản án sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 23/1/2013 của TAND quận Tân Bình thì Quý có chị gái là Vũ Thị Hồng Thúy, anh rể là Phạm Văn Tiến. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên giữa năm 2011, chị Thúy, anh Tiến đã thuận tình ly hôn. Theo thỏa thuận thì chị Thúy được tiếp quản nhà kho của công ty TNHH Thanh Danh thuê tại khu VK928 Cục kỹ thuật Quân khu 7 (P.13, Q.Tân Bình) để sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, theo gia đình anh Quý thì anh Tiến dù hết trách nhiệm tại công ty theo thỏa thuận nhưng vẫn nhiều lần đến đây gây mất trật tự, quậy phá.

Cụ thể, ngày 26/6, ngày 4/7 và ngày 9/7/2011, anh Tiến đến công ty của chị Thúy tại địa chỉ Đơn vị kho VK.928-QK7 bắt toàn bộ nhân viên của công ty phải dừng hết công việc đang làm để nghe Tiến họp, nếu không nghe lời sẽ bị đuổi việc. Anh Tiến còn buộc cô Linh (là nhân viên quản lý của công ty) phải rời bỏ công việc đang làm và ra khỏi công ty. Vụ việc đã được cô Linh, chị Thúy trình báo lại Công an phường 13, quận Tân Bình ngay sau đó.
Chị của bị cáo từng bị nạn nhân của vụ án đánh đập và công an đến ghi nhận vụ việc
Chị của bị cáo từng bị nạn nhân của vụ án đánh đập và công an đến ghi nhận vụ việc

Trưa 16/7/2011, anh Tiến lại đến nhà kho. Khi nghe nhân viên kho báo anh Tiến đến quậy phá nên Quý liền điều khiển xe gắn máy chở theo một thanh niên tên Văn (chưa rõ lai lịch) đến cửa kho gặp anh Tiến. Quý hỏi Tiến: “Thằng chó mày tới đây làm gì” thì anh Tiến đấm Quý. Quý ra chỗ dựng xe Nouvo mở cốp lấy 1 cây tuvit. Quý xông vào dùng tuvit đập vào đầu anh Tiến một cái. Anh Tiến chạy vào trong kho được khoảng 2m thì ngã xuống nền. Thấy đầu anh Tiến chảy máu và nhân viên can ngăn nên Quý và Văn lấy xe máy bỏ đi.

Sau đó, Quý sang Trung Quốc như lịch đã định sẵn và đến ngày 22/8/2011 mới về Việt Nam và đến cơ quan công an trình diện, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vũ Đình Quý bị VKSND Q.Tân Bình truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, b, khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự. Tại bản án sơ thẩm số 26/2013/HSST, HĐXX TAND Q.Tân Bình đã tuyên phạt Quý 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

“Nếu Tiến không đánh chị Thúy nhiều lần, không quậy phá công việc kinh doanh và không đánh trước thì Quý đâu có xảy ra hành động nông nỗi này”, người nhà bị cáo thở dài.

Nhiều điều cần làm rõ

Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bị cáo và gia đình bị cáo nhiều lần kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND xem xét lại tính chất, mức độ của hành vi mà bị cáo gây ra. Tuy nhiên, những đơn thư phản ánh của bị cáo đều bị bác như: phản ánh về kết luận của Cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình chưa phản ánh đúng sự thực; cáo trạng của VKS và công văn trả lời của Viện trưởng VKS quận Tân Bình chưa thuyết phục; án sơ thẩm của Tòa án quận Tân Bình là thiếu cơ sở; và quá trình tố tụng của các cơ quan trên thường xuyên kéo dài quá thời gian theo quy định của pháp luật mà không thông báo cho bị cáo biết lý do.
Chị của bị cáo từng bị nạn nhân của vụ án đánh đập và công an đến ghi nhận vụ việc
Bị cáo cho rằng chỉ đánh ở đỉnh đầu (ảnh 1) nhưng không hiểu sao, khi giám định có thêm vết thương ở lưng (ảnh 2)

Trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bên cạnh việc không thừa nhận vết thương ở lưng và yêu cầu giám định lại vết thương trên đầu nạn nhân, phía bị cáo đã đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ những uẩn khúc của vụ án.

Thứ nhất, trong kết luận điều tra số 16/KLĐT ngày 23/12/2011 và kết luận điều tra bổ sung số 22/KLĐT ngày 07/06/2012, Công an Q.Tân Bình kết luận bị cáo Quý phạm tội “Cố ý gây thương tích” dựa vào hai nhận định: thương tích để lại cố tật nhẹ, tỷ lệ thương tật toàn bộ 4% vĩnh viễn và Tuốc nơ vít (dài 32cm, có đầu tuốt 4 cạnh) là hung khí nguy hiểm.

Tuy nhiên, phía bị cáo khẳng định cái Tuốc nơ vít trong trường hợp này không phải là hung khí nguy hiểm. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cho rằng Quý bỏ trốn sau khi gây án nhưng Quý đã cung cấp đầy đủ giấy tờ về chuyến công tác theo kế hoạch đã có trước đó và khi quay về Quý đã chủ động đến trình báo cơ quan công an.

Thứ hai, trong cáo trạng số 213A/CT-VKS ngày 09/06/2012 của VKS quận Tân Bình ghi: kho hàng tại khu VK928- Cục kỹ thuật Quân khu 7 thuộc địa bàn Phường 13 Quận Tân Bình là do đương sự làm chủ và thương tích có để lại cố tật nhẹ, tỷ lệ thương tật toàn bộ 4% vĩnh viễn cho đương sự. Trong quyết định giải quyết khiếu nại số 08/QĐ-VKS của Viện trưởng VKS có trả lời các nhân chứng đều xác định anh Tiến là chủ kho hàng. Thế nhưng, sự thực các bằng chứng đều cho thấy đương sự không còn là chủ kho hàng nữa. Hơn nữa, thương tích 4% trên cơ thể anh Tiến chỉ là thương tích tạm thời chứ không thể gọi là thương tích vĩnh viễn.

Người nhà của bị cáo cũng cho rằng, trong quá trình xét xử sơ thẩm, TAND Q.Tân Bình đã không tìm hiểu tường tận, áp dụng đầy đủ các chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; không xem xét rõ ràng, áp dụng đầy đủ các tình tiết quan trọng trước khi tuyên án: đã bác bỏ tất cả các tình tiết, chứng cứ do bị cáo trình bày và cung cấp nhằm chứng minh rằng Cáo trạng của VKSND quận Tân Bình không phản ánh đúng sự thật…

“Tôi biết tôi đã sai vì nóng nảy, thiếu suy nghĩ và để xảy ra sự việc đánh nhau. Sai phạm của tôi đến đâu, như thế nào tôi sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật. Các cơ quan tố tụng cũng phải xem xét lại hồ sơ vụ án, thực hiện theo đúng tinh thần pháp luật để tránh xét xử oan sai và kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi”, trong đơn phản ánh, anh Vũ Đình Quý trình bày bức xúc.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm