Nhiều bất cập, hệ lụy trong công tác phòng chống cháy rừng tại Nghệ An
(Dân trí) - Trung bình mỗi năm ở Nghệ An xảy ra hàng chục vụ cháy rừng lớn nhỏ, nhiều vụ cháy không chỉ mất rừng mà còn gây thiệt hại về người. Bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng đang là hệ lụy chưa bao giờ giải quyết được.
Ám ảnh những vụ cháy rừng
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2018, toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 21 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 80ha rừng các loại. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy 13,95 ha; trong đó đất có rừng 6,45 ha; Đất chưa có rừng: 7,5 ha; Diện tích rừng thiệt hại: 5,6 ha; Điều động 2.125 lượt người tham gia chữa cháy.
Được biết, Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên là 1.648.997,2 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 1.166.109,31 ha (chiếm 70,7%), theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2018, diện tích đất có rừng: 956.703,33 ha (rừng tự nhiên 783.699,87 ha; rừng trồng 173.055,36 ha); đất chưa có rừng 279.206,77 ha; độ che phủ rừng đạt 58%. Rừng giàu và rừng trung bình 243.547 ha (chiếm 25,8%); ước tính có hơn 91 triệu m3 gỗ các loại, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại lâm sản, động thực vật rừng quý hiếm. Rừng phân bố trên địa bàn 376 xã thuộc 21 huyện, thành, thị.
Rừng thông cổ thụ 15 năm bị cháy tại huyện Yên Thành Nghệ An.
Trong tổng số hơn 16.000ha rừng dễ cháy, mỗi năm toàn tỉnh chỉ phát dọn thực bì dưới tán 5.000ha rừng thông nhựa, đạt tỷ lệ 31%; số còn lại chưa có kinh phí để phát dọn, nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa.
Hiện tại, hệ thống đường băng cản lửa quá ít so với yêu cầu thực tế và được xây dựng từ những năm trước đây, hiện đã bị thực bì phủ kín, kích thước đường băng nhỏ, không đủ để ngăn cách đám cháy. Năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương khảo sát, xây dựng tuyến đường băng trắng cản lửa vùng giáp ranh giữa huyện Nam Đàn với huyện Thanh Chương và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng để phục vụ công tác PCCCR.
Một thực tế rất đáng lo ngại, phương án chữa cháy rừng ở một số xã còn sơ sài, chưa sát với thực tiễn; kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR cấp xã chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến hiệu quảPCCCR còn hạn chế. Điều đáng nói, nhiều vụ cháy do đốt thực bì gây cháy lan hoặc do người dân sơ ý đưa lửa vào rừng.
Từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy 13,95 ha.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: “Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên trong những ngày qua tình trạng cháy rừng liên tiếp xảy ra trên địa bàn. Mặc dù công tácPCCCR được các cơ quan chức năng chủ động, bám sát nhưng vẫn không tránh được hệ lụy”.
Bên cạnh đó, việc thực hiện phương án “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng tại một số cơ sở chưa tốt, nhận định thiếu chính xác, điều động lực lượng chữa cháy chậm, thiếu tính cấp bách. Hoạt động ở các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng nhiều nơi còn mang tính hình thức, do không có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Hiện nguồn kinh phí phục vụ công tác PCCCR còn hạn hẹp nên dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ thiếu và đa số là dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, bình bơm nước cỡ nhỏ, hiệu quả chữa cháy không cao. Một số chủ rừng, cá nhân còn thiếu sự đầu tư cần thiết cho công tác PCCCR. Cấp ủy một số địa phương cấp xã chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCCCR, coi đó là nhiệm vụ của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm và lực lượng quân sự.
Trong khi đó, một số vụ cháy rừng trước đây kết thúc nhưng địa phương họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan theo kiểu “hình thức”, đối phó dẫn đến thiếu răn đe.
Chưa có các giải pháp tối ưu?
Công tác phòng cháy, dập lửa còn nhiều sơ sài.
Là tỉnh có tiềm năng, trữ lượng rừng lớn với độ che phủ rừng đạt 58%. Rừng giàu và rừng trung bình đạt 243.547ha (chiếm 25,8%), ước tính có hơn 91 triệu m3 gỗ các loại. Rừng phân bố trên địa bàn 376 xã thuộc 21 huyện, thành, thị. Tuy nhiên, cuộc sống người dân sống trong rừng và ven rừng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm, thiếu đất canh tác nông nghiệp... Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, chia cắt, gây khó khăn trong công tác QLBV&PTR, nhất là công tác quản lý lâm sản.
Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất đai cho hoạt động sản xuất lâm, nông nghiệp, vấn đề tái định cư của các dự án thủy điện... là những nguyên nhân dẫn đến việc khai thác, chặt phá rừng tự nhiên nghèo.
Diện tích có rừng lớn, thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị, ý thức người dân nhiều nơi chưa cao… đang là những bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng ở Nghệ An khi nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm.
Diện tích có rừng lớn, thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị, ý thức người dân nhiều nơi chưa cao… đang là những bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng ở Nghệ An.
Hàng năm, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trái phép; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các phương án bảo vệ rừng của cơ sở… Nhưng số vụ cháy rừng vẫn còn lớn, diện tích rừng bị mất hàng năm vẫn chiếm số lượng đáng kể.
Nhận định năm 2019, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài nên công tác PCCCR sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tại hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2018 mới đây, Phó Chủ tịchUBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng yêu cầu các ngành, địa phương, chủ rừng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhận định: “Nguy cơ cháy rừng năm 2019 là rất lớn và đã đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương chủ động công tác PCCCR, hoàn tất công tác xử lý thực bì trước mùa nắng, làm tốt công tác hiệp đồng lực lượng trong PCCCR. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; giảm đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và diện tích rừng trong mùa nắng nóng”.
Nguyễn Tú