Nhân, Trí, Dũng - mục tiêu của Giáo dục và Đào tạo
Giáo dục đào tạo (GD-ĐT) là một bài toán đa mục tiêu nếu nhìn dưới góc độ ngắn hạn và trung hạn theo từng giai đoạn phát triển của xã hội. Ở góc độ khác - dài hạn, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thể chế chính trị nào, GD-ĐT chỉ có một mục tiêu duy nhất, lớn nhất đó là tạo ra một lớp người có Nhân, Trí, Dũng cần thiết cho sự trường tồn của một đất nước, dân tộc.
Bài viết nhỏ này là sự suy tư, trăn trở về sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà, xin được chia sẻ với độc giả nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2007.
Tròn 1 năm Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, dĩ nhiên cái mà các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp cần vẫn là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và tay nghề, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao cho nền kinh tế số hóa thời gian tới. Do đó, hơn lúc nào hết, cả nước chăm lo, quan tâm với cả sự lo lắng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT đã làm đổi thay nhiều giá trị, nhiều quan niệm, đồng thời cũng làm thay đổi nhiều phương pháp, cách thức hoạt động của con người, trong đó có việc dạy và học. Việc chúng ta lúng túng, bị động trong GD-ĐT hiện nay là một thực tế khách quan. Nhu cầu cải cách trong GD-ĐT để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh đã luôn thôi thúc các nhà làm công tác giáo dục trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Có lẽ, cái lo lắng nhất của xã hội và của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo hiện nay là lo lắng về đội ngũ các thầy các cô, những người quyết định chất lượng sản phẩm của ngành giáo dục quốc gia. Phải làm sao đây khi sống trong thế giới phẳng, thầy, trò cũng như mọi người dân đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận thông tin, tri thức nhân loại, cơ hội sử dụng, làm quen với môi trường kỹ thuật số, với Internet và thiết bị, công cụ đa phương tiện. Nói cách khác, cơ hội tiếp cận với lý thuyết, với kho tàng tri thức nhân loại là như nhau, nhưng trình độ nhận thức, mức độ tiếp thu và kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống là khác nhau ở mỗi người, đó chính là sự phân công “tự nhiên” trong xã hội.
Một thực tế là: những học sinh ở thành phố thậm chí ở nhiều vùng nông thôn lại có điều kiện tiếp xúc với máy tính và sử dụng mạng Internet nhiều hơn các thầy cô. Giờ đây, việc một học sinh lớp 10, 11 thành thạo hơn một giáo viên phổ thông trong việc sử dụng máy tính, mạng Internet, gửi thư điện tử hay chuẩn bị một bài trình diễn trên PowerPoint lại là chuyện bình thường, không hiếm. Việc học sinh, sinh viên tự nghiên cứu, tìm kiếm thông tin đủ kiểu để tìm tòi, thoả mãn trí tò mò, để khám phá thế giới cũng vậy, lắm khi nhanh hơn, nhiều hơn ở các thầy cô.
Trong giáo dục đại học, các trường đã chú trọng hơn đến việc đào tạo kỹ năng chuẩn bị báo cáo, làm tiểu luận và thuyết trình của sinh viên. Bản thân sinh viên cũng đã có ý thức và sử dụng mạng Internet một cách tự giác, chủ động phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập của mình. Nếu phát huy được yếu tố tích cực về công nghệ và đổi mới nhanh phương pháp giảng dạy và học tập thì trong vòng 2-3 năm tới, chất lượng sinh viên ra trường chắc chắn sẽ khá hơn.
Như vậy, phải làm thế nào để các thầy cô phải luôn là người đi trước, phải là “người hướng đạo” cho học sinh, sinh viên trên mọi lĩnh vực, người thầy phải là người có kinh nghiệm, có kỹ năng thực hành hơn học sinh, điều này thật khó trong thế giới số, thế giới mà dường như thích hợp hơn với những người trẻ tuổi. Đối với các thầy, cô (ở độ tuổi 40-60) hiện nay, việc tiếp cận, học tập, sử dụng máy tính, ngoại ngữ khó khăn thì học sinh, sinh viên lại tiếp thu rất nhanh. Việc đào tạo, đào tạo lại để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước quả là một bài toán lớn mà chúng ta phải giải quyết.
Sẽ khó có thể chỉ ra được hoặc xây dựng được một mô hình giáo dục, đào tạo cụ thể, hoàn chỉnh, thích hợp, năng động vừa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo cho lợi ích lâu dài “trăm năm trồng người” vì thế giới ngày nay thay đổi quá nhanh, những gì đúng của ngày hôm nay có thể không còn thích hợp cho ngày mai.
Tuy nhiên, đối với giáo dục, từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều nhắm vào mục tiêu cao cả đó là giáo dục, đào tạo để sản sinh ra những lớp người có Nhân cách, có Trí tuệ và có lòng Dũng cảm (Nhân, Trí, Dũng). Ở đây, có lẽ không cần thiết phải giải thích ý nghĩa của mục tiêu lớn lao đó vì điều này không mới, tôi chỉ là người nhắc lại. Bám sát mục tiêu trên theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách giáo dục cũng như ngành giáo dục có định hướng rõ ràng hơn, tự tin hơn để bước vào giai đoạn mới cùng với sự phát triển đi lên của cả nước.
Ngô Sỹ Thuyết
(GĐ Công ty CP Minh Ngọc Việt Nam)
LTS Dân trí - Suy cho cùng thì giáo dục thời nào cũng phải chăm lo đào tạo những con người có những phẩm chất cơ bản “Nhân, Trí, Dũng” và tùy theo giai đoạn lịch sử khác nhau, những phẩm chất cơ bản đó được cụ thể hóa thành những tiêu chí, những chuẩn mực mà các cấp học, bậc học, ngành học cần đạt tới.
Cũng như các lĩnh vực hoạt động khác, nền giáo dục đào tạo của chúng ta đang đứng trước những thời cơ lớn cũng như những thách thức lớn. Chất lượng giáo dục còn nhiều yếu kém; quy mô phát triển giáo dục cũng như cơ cấu bậc học và ngành nghề đào tạo cũng còn nhiều điều đáng bàn.
Với quyết tâm của Bộ trưởng mới và toàn ngành giáo dục, cuộc vận động “hai không” đã đem lại kết quả bước đầu, việc “dạy thật” “học thật” đang là xu thế phát triển của nền giáo dục nước ta.
Tuy nhiên, lòng dân vẫn còn nhiều trăn trở về sự “chậm chân” của nền giáo dục nước nhà do thiếu nhạy bén trước những thuận lợi có tính thời đại. Đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của Internet; tri thức nhân loại ngày nay đã được số hóa và toàn cầu hóa qua mạng Internet.
Vậy thì muốn tạo ra bước tiển vượt bậc trong giáo dục không thể không quan tâm đặc biệt đến việc trang bị kiến thức tin học và ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) cho cả đội ngũ thầy và trò đi đôi với việc phát triển mạnh giáo dục từ xa nhằm từng bước xây dựng xã hội học tập.
Phải chăng đấy cũng là điều mà tác giả bài viết trên đây đã trăn trở và quan tâm đề cập?