Nhân đọc báo Xuân lại nghĩ về văn hoá đọc

Nói về văn hoá đọc, nhiều người nghĩ đây là đề tài đã cũ lắm rồi và chẳng có gì hấp dẫn. Hay nói cách khác, đó là cánh đồng người ta đã “cày nát” rồi còn gì mà bàn nữa.

Nhân đọc mấy tờ báo Xuân, tôi có vài ý tứ nảy ra, biết đâu lại là điều đáng suy nghĩ thêm về cái sự đọc của người Việt ta.

Chắc không ít người nghĩ rằng ai biết chữ thì đọc được. Nếu hiểu như thế thì chưa đúng với nội hàm của văn hóa đọc. Chẳng thế mà khi khen một Huấn luyện viên giỏi, các nhà báo thường nhận xét là ông ấy biết “đọc” trận đấu đó sao? Hoặc có người biết chữ hẳn hoi, có tai, có mắt, có đầy đủ các giác quan; thậm chí biết ngoại ngữ vẫn bị người khác chê là “mù” đó sao? Như thế xem ra cái sự đọc còn lắm điều để chúng ta luận bàn.

Theo chúng tôi, về cách đọc, có thể có mấy cách cơ bản sau. Đọc bằng mắt, đọc thành tiếng, đọc thầm và đọc bằng ... tai. Về đại thể các cách đọc này đều ít nhiều dùng đến các giác quan nhưng “đọc” trận đấu thì chúng ta cần phải hiểu khác vì không phải ai xem trận đấu mới chỉ nửa hiệp đã có thễ ngẫm để “đọc” được trận đấu mà cần phải hiểu sâu hơn từ này. Chắc chắn sự đọc này phải ở trình độ chuyên môn cao.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tương ứng với các cách đọc, chúng ta có các loại báo nói, báo viết, báo hình. Có lẽ, phàm là người thì không ai không đọc, dù ở trình độ nào, kể cả người mù chữ (vì họ có thể đọc bằng cách nghe hoặc nhìn), và theo nghĩa này không chỉ người mù chữ mà cả người câm điếc cũng đều đọc được theo cách riêng của họ và cảm nhận theo cách của họ. Chẳng thế mà các trẻ em ở trại câm điếc hay khiếm thị vẫn “xem” được các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam đó sao? Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là có nhiều người biết chữ và có đủ các giác quan mà hình như họ rất xa lạ với sự đọc ..sách.
 
Nói như vậy, không có nghĩa là chê họ trình độ thấp, họ không đọc bằng cách này thì sẽ đọc bằng cách khác theo nghĩa rộng của khái niệm đọc nêu trên. Song cần biết rằng sách thì đối với những người bình thường nhất khi bước vào đời đều phải làm quen nó khi đến trường và từ đó đi đến tiếp nhận học thức ở trình độ cao hơn. Đây là điều sơ đẳng và phổ quát nhất mà mọi người đi học đều phải tiếp cận nên nó là điều đáng bàn nhiều. Bởi vì theo cách hiểu bình thường nhất đọc tức là đọc sách, Và từ đây chúng ta chỉ giới hạn chữ đọc trong phạm vi là đọc sách.
 
Theo các thống kê cho thấy, người Nhật là nước đọc nhiều nhất. Còn người Việt lại không thể là nới đọc sách báo nhiều. Xem qua phim ảnh, TV, báo điện tử, ta thấy học sinh Nhật đeo kính cận rất nhiều. Còn ở nước ta, học sinh có đeo kính cũng không phải là do đọc nhiều mà có thể là bàn học không đúng quy cách, hoặc thiếu ánh sáng, hoặc do xem TV và chơi gêm nhiều... Trên các phương tiện đi lại công cộng như tàu, xe... ta thấy những người đọc sách báo nhiều, song điều đó chỉ nói lên một điều là họ là người thích... đọc, chứ chưa thể nói lên họ là người trình độ cao hay thấp.
 
Song ít ra thì điều đó cùng lắm cũng chỉ nói lên một điều: họ là người biết chữ. Song chừng đó cũng chưa là gì trong xã hội hiện đại. Nếu như những thập niên 70 của thế kỷ trước, chỉ cần học xong lớp 7 đã được coi là có học, ngày nay, học xong lớp 12 vẫn chỉ là người lao động chân tay, vì họ chỉ biết làm những việc như: bưng, bê, đào, phá.. mà thôi chứ chưa có chút hàm lượng tri thức nào trong đó.
 
Trong một thế giới mà tri thức được khám phá hàng ngày và không ngừng đổi mới, cái mà chúng ta đọc được qua sách báo mới chỉ đơn thuần là những thông tin. Nếu không có sự đào sâu, phân loại để rút ra tri thức thì chúng ta có nguy cơ sa vào một biển thông tin hỗn loạn mà không có đường ra. Nói  như một nhà khoa học là chúng ta chết vì thiếu tri thức trên một biển thông tin. Và nói cách khác các thông tin trên báo chí chỉ đem lại cho chúng ta cái cần biết, còn từ biết đến hiểu, cảm nhận và để “đọc” được nó còn là quá trình lâu dài, xử lý, phân loại... chỉ có những người có học thức đầy đủ mới có thể hấp thụ được. Do sự khác biệt về trình độ nên dễ dàng nhận thấy, cùng một thông tin nhận được nhưng mỗi người có cách hiểu khác nhau và sẽ có cách xử lý khác nhau.
 
Cần biết rằng, thông tin chứa 2 cấp độ: thông báo và tri thức, người ít học chỉ tiếp nhận được thông báo, người học cao sẽ tiếp nhận thông tin ở cả 2 cấp độ trên và sẽ cảm nhận sâu sắc hơn. Chính vì vậy, đọc cái gì và cảm nhận, xử lý vận dụng như thế nào là phụ thuộc vào trình độ học thức của mỗi người. Không nên hiểu chỉ ai biết đọc, biết viết là đã có học thức đầy đủ mà cần phải nâng cao trình độ thêm nữa. Học, học nữa, học mãi, học thường xuyên, học suốt đời. Làm sao để trình độ mỗi người dân khi nghe, đọc đều có thể tiếp nhận được thông tin ở cả 2 cấp độ nêu trên, nhằm vận dụng nhuần nhuyễn nó vào cuộc sống, đó mới đúng là tri thức của người có học. Ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng: sách, báo, đài, TV...các hàm lượng thông tin- tri thức ngày càng nhiều, người tiếp nhận cần phải có một “phông” tri thức tối thiểu mới có thể hiểu và vận dụng nó có hiệu quả để phục vụ cho chính mình và đó chính là cách nâng cao chất lượng sống của mọi người dân.
 
TS. Trần Hồng Lưu
Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. 


LTS Dân trí - Đọc hiểu theo nghĩa thông thường (nghĩa đen) là dùng mắt để thu nhận thông tin qua chữ viết (trên sach báo in hoặc sách báo điện tử…). Dù đọc cùng một bài viết hoặc một tập sách nhưng tùy theo yêu cầu và trình độ người đọc mà hàm lượng thông tin thu nhận được tương tự nhau hoặc khác nhau nhiều hay ít.

Người có ý thức thường xuyên trau dồi tri thức thì thường không dừng lại ở việc đọc để giải trí hoặc để thỏa mãn trí tò mò, mà thường có thói quen phân tích, đánh gia mức độ chính xác của thông tin hoặc qua đó phát hiện những những điều mới mẻ, có những ý kiến tự bình luận về sự kiện mới xảy ra…Đọc như vậy là đọc có chiều sâu suy nghĩ. Người đọc nhiều, hiểu rộng phải là người như vậy.