Nhận diện “thủ phạm” làm hại tư duy học sinh

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý trong nền giáo dục của chúng ta: trong khi xã hội ngày càng phát triển, điều kiện vật chất đầy đủ hơn thì dường như học sinh lười suy nghĩ hơn…

Sách tham khảo quá nhiều làm thui chột tư duy học sinh

Khoảng chục năm trở lại đây, các loại sách tham khảo dành cho đối tượng học sinh tràn ngập trên thị trường. Tâm lí phụ huynh nào cũng muốn mua thêm cho con em mình một số loại sách tham khảo, ngoài bộ sách giáo khoa, để con em có điều kiện học tập tốt hơn. Bản thân, mỗi học sinh cũng rất thích được sở hữu nhiều loại sách tham khảo hay, tốt hơn chúng bạn. Hơn nữa, chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi bộ môn còn có thêm sách giải bài tập đi kèm, cũng do nhóm tác giả làm sách giáo khoa biên soạn. Dạng sách bài tập này vừa giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa vừa có mở rộng, bổ sung thêm một số dạng bài tập mới. Có thể nói, học sinh thời nay về vấn đề sách vở, tài liệu học tập đã được các người lớn trang bị cho đến tận “răng”. Không đề cập đến chất lượng sách tham khảo ở đây. Xét ở góc độ nào đó, sách tham khảo cần thiết cho đối tượng học sinh. Nó bổ trợ kiến thức, củng cố, nâng cao nhận thức, tư duy học tập bộ môn cho các em biết sử dụng sách tham khảo. Không có các loại sách tham khảo, việc học tập, tiếp thu của nhiều em sẽ gặp khó khăn, trở ngại.

Nhưng tiếc rằng, trong thực tế, nhiều học sinh chưa biết học cái hay, cái bổ ích từ sách tham khảo, chỉ biết sao chép, sử dụng một cách máy móc. Tạo ra lối học lười nhác, ỷ lại vào sách tham khảo, rất lười  suy nghĩ, thiếu tinh thần cầu tiến, ham muốn học hỏi thấu đáo, sâu sắc, có ý thức phản biện, truy tìm đến ngọn nguồn.

Có em coi sách tham khảo như vật bảo bối, cứu cánh cho mình khi thầy kiểm tra học bài, khi thi cử. Nhiều khi đủ đầy quá, dễ tạo nếp hư cố hữu cho con trẻ-khi nhận thức của chúng còn non nớt, đơn giản. Nói cách khác, học sinh của chúng ta đã bị  tha hóa, bị lệ thuộc quá nhiều vào lời giải sẵn của sách tham khảo. Mọi sự can thiệp của thầy cô, phụ huynh đối với số đông là học sinh học yếu kém, trung bình về cách các em, các con nên sử dụng sách tham khảo như thế này, như thế nọ, dường như ít tác dụng dài lâu. Nói thì  nghe đấy nhưng chỉ mang tính tạm thời, sau đó mọi chuyện vẫn cứ thế. Như vậy, cả rừng sách tham khảo nhiều khi là “thủ phạm”, kẻ có tội trong việc làm thui chột tính chủ động, tích cực học tập của học sinh.

 

Mọi nguời từng lo ngại về mặt trái, mặt tiêu cực của các loại sách tham khảo, sách giải sẵn là hoàn toàn có cơ sở. Cái mất mát, xói mòn, vơi cạn về tư duy, suy nghĩ độc lập, tự chủ của học sinh ta, do sách tham khảo gây ra, lắm lúc còn lớn hơn, quan trọng hơn rất nhiều so với chuyện chất lượng sách tham khảo hạn chế, về chuyện gây lãng phí tiền của Nhà nước và phụ huynh.


Dạy- học thêm tràn lan: khiến học sinh ít tự học

Nạn dạy-học tràn lên từng là vấn đề gây bức bối nhất. Bộ giáo dục đã có những nỗ lực nhất định để chỉnh đốn nó, như người dạy phải có giấy phép, chịu sự quản lí của nhà trường, địa phương, chỉ dạy học thêm cho đối tượng khá, giởi, yếu kém... Nhưng các biện pháp hành chính đó vẫn chưa đủ sức mạnh, hiệu lực để ngăn cản làn sóng dạy học thêm diễn ra tràn lan. Trừ học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu sâu, vùng xa là không đi học thêm, còn mọi học sinh khác đều đi hết, từ lớp 1đến lớp 12, càng lên lớp cao, học càng nhiều. Đi học thêm, học quanh năm. Học bù đầu, bù cổ.  Dường như, phần đông học sinh phổ thông Việt Nam không có khái niệm nghỉ hè theo đúng nghĩa.

 

Học thêm cũng là một phong trào giống như nhiều phong trào khác “ếch đua thì cóc cũng đua”, con họ đi học thêm thì con mình ngồi nhà sao yên được? Dạy học thêm đủ kiểu: học trước chương trình, học củng cố kiến thức, học nâng cao, học luyện thi... Không phủ nhận yếu tố tích cực của dạy học thêm. Nhờ có thầy cô giáo chỉ dạy mà nhiều em học hành có  tiến bộ, từ yếu vươn lên trung bình, từ chỗ kiến thức còn lõng lẻo thành chắc chắn hơn. Song cũng cái “lợi bất cập hại” thấy khá rõ. Vì vùi đầu học ở trường, ở nhà các thầy, cho nên đa số học sinh bị đờ đẫn, bị “cụ non hóa” một cách toàn diện và trầm trọng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Những tháng hè là tháng hồn nhiên, trong sáng, sôi nổi, khỏe khoắn của lứa tuổi học trò,  vô tình hay hữu ý bị người lớn thi nhau đánh cắp đi mất. Phần lớn dạy thêm là đi trước chương trình, thầy cô hóa giải, làm sẵn hết mọi bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa, ngồi dưới  các em có nhiệm vụ ráng nghe và ráng ghi chép thật đầy vào vở. Mặt trái của nó, làm nhiều em đâm ra lười học, thụ động, chẳng cần suy nghĩ gì mấy, cho đau đầu, nhọc tâm. Tưởng như biết hết, biết trước cả rồi, nên  khi đến trường, lớp, giờ học không còn cái háo hức, sôi nổi phát biểu bài, trao đổi nhóm... vốn thường thấy trong lứa tuổi học sinh nữa. Chương trình mới mà không khí lớp học vẫn buồn hiu. Giáo viên cảm thấy nao lòng. Thực tế, đang nảy sinh một nghịch lý đáng buồn là, học sinh ta càng có nhiều sách tham khảo, càng đi học thêm nhiều ,thì chất lượng học tập, thi cử lại không khá lên mà càng sa sút đi. Kết quả, thi Tuyển sinh vào 10, Tốt nghiệp THPT, Tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa rồi là những minh chứng xác đáng. Tất nhiên, có nhiều nguyên do dẫn đến thực trạng ấy. Nhưng không thể không nói tới nguyên nhân dạy học thêm tràn lan đã đẩy các em đến chỗ bị bội thực kiến  thức, đi học thì nhiều- tự học lại rất ít. Không còn "đủ sức" để đáp ứng các mùa thi. Đi học thêm nhiều, liên tục, hết cua này, tới cua khác, thì còn đâu thời gian để tự học ở nhà?

Tự học là vô cùng cần thiết và quan trọng, nó luôn được coi là chìa khóa của thành công. Chúng tôi đưa ra đây so một so sánh, giữa học sinh tỉnh Quảng Ngãi với học sinh tỉnh Bình Định, để chúng ta cùng suy ngẫm. Về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa giữa Bình Định và Quảng Ngãi là ngang ngửa nhau, về đội ngũ giáo viên hai tỉnh liền kề này đều từ những lò: trường Cao đẳng Quảng Ngãi và Đại học sư phạm Qui Nhơn mà ra cả. Coi như trình độ giáo viên tương đương nhau. Thế mà tại sao, trong nhiều năm liền kết quả học tập, và kết quả thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng, đem ra đọ,  thì bao giờ Bình Định cũng bỏ xa Quảng Ngãi đến mấy chục bậc ( Qua bảng so sánh thống kê của Bộ giáo dục). Học sinh Bình Định học hơn  học sinh Quảng Ngãi, bởi học sinh có ý thức tự học, tự rèn luyện tốt hơn, bởi công tác quản lí dạy học thêm của giáo dục Bình Định nghiêm túc, chặt chẽ hơn giáo dục Quảng Ngãi. Học sinh Bình Định ít đi học thêm, học kèm hơn và có điều kiện tự học cao hơn và họ hơn Quảng Ngãi là lẽ hợp lôgic. Có nhiều người trong ngành, ủng hộ quyết định cấm dạy học thêm trên mọi hình thức, sẽ chấm dứt được nhiều hệ lụy, chất lượng giáo dục sẽ khá lên, học sinh đỡ áp lực về thời gian, công sức, vừa có điều kiện tự học ở nhà. Chúng tôi cũng có niềm tin như thế.

Tâm lí thực dụng gây ra nhiều tác động tiêu cực

Vâng, tâm lí thực dụng của xã hội đang chế ngự, chi phối chất lượng giáo dục nhà trường, ảnh hưởng đến hình thành nhân cách và tri thức toàn diện cho đối tượng học sinh phổ thông. Nhiều phụ huynh bây giờ không còn mấy phấn khởi, tự hào khi biết con em mình làm cán bộ lớp, hoạt động đội, đoàn, văn thể, đi tham gia hoạt động ngoài ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp nghề.... Họ nghĩ rất “thiết thực” rằng những công việc, hoạt động ấy là thứ vô tích sự, mất thời gian, ảnh hưởng đến chuyện học hành của con em. Thật sự, nhiều em rất thích tham gia, đóng góp cho hoạt động, phong trào mang tính tập thể, xã hội. Nhưng lại bị cha mẹ cấm đoán, đành tháo lui trong niềm ấm ức, tiếc nuối.

 

Mong mỏi con em mình chăm chỉ học tập, thi đậu, đỗ đạt, đấy là điều tốt. Song giáo dục nhà trường, đâu chỉ có học văn hóa không, mà còn có  nhiều hình thức, hoạt động giáo dục khác, rất cần cho hành trang của trẻ khi học lên cấp  trên và bước vào đời. Tâm lí  thực dụng của phụ huynh, của xã hội là tác nhân xô đẩy các em đến chỗ có lối sống khép kín, ít giao tiếp, thiếu quan tâm đến đời sống cộng đồng, thiếu những giá trị nhân văn, chỉ thiên về vui chơi, hưởng thụ... Hình thành những lớp học sinh, sinh viên, thanh niên nghèo nàn, phiến diện về những hiểu biết xã hội, về kĩ năng, thái độ sống tích cực, đúng đắn.

 

Đợt khảo sát mới nhất do Bộ GD & ĐT phối hợp với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, trong 59 trường ĐH được khảo sát,    cuộc điều tra của Bộ LĐ - TB & XH về khả năng vận dụng kiến thức vào công việc nghề nghiệp, môi trường lao động của sinh viên, học sinh ta, thì cho ngay những con số, kết quả không mấy khả quan, hạn chế nhiều thứ. Kể cả việc học tập các môn văn hóa ở nhà trường phổ thông hiện nay, nhất là bậc THPT, nhiều học sinh đã có biểu hiện, thái độ, tư tưởng học lệch lạc, phiến diện. Các em cho hay, vì tính thực dụng, chủ yếu tập trung vào các môn tự nhiên để thi đại học, mà xếp các môn xã hội: văn, sử, địa, các môn không bao giờ liên quan đến thi cử như: giáo dục công dân, công nghệ, kỹ thuật... vào hàng thứ yếu, không để tâm học hành nghiêm túc, chỉ học với tính chất đối phó, đến giờ đó thì đem bài tập Toán, Lý ra làm, khi “nước đến chân” mới nháo nhào tìm kiếm tài liệu, để chép, ôn thi. Học theo kiểu “mì ăn liền” thì làm sao có kiến thức vững chắc, thi cử làm sao có được điểm tốt?

 

Chương trình phân ban, mục tiêu của nó là tạo điều kiện cho học sinh phát huy sở trường, thế mạnh của các em ở những môn có khả năng học tốt, học giỏi. Thời gian, số tiết các môn chọn theo ban có phần được tăng cường, nhiều lên. Chứ không có nghĩa là học phân ban, là bỏ luôn các môn khác, không thuộc ban mình như nhiều học sinh đang thực hiện. Làm méo mó, biến dạng đi mục tiêu của Chương trình phân ban.

Tình trạng học sinh yếu kém, tù mù, hụt hẫng trầm trọng về kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cái chính là do lỗi các em, lỗi phụ huynh. Là hệ quả tất yếu của tính thực dụng đã lan rộng, ăn sâu, bám chặt. Để thay đổi được nó không thể một sớm, một chiều, đòi hỏi có quá trình, với các biện pháp đồng bộ, phối kết hợp từ xã hội, đến nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh. Chống học lệch, khuyến khích phong trào học toàn diện, hiểu biết sâu rộng cần được cổ súy, tuyên truyền, tác động mạnh mẽ trong học sinh, trong phụ huynh.Mục tiêu “học để thi đại học” tồn tại lâu nay trong giáo dục, phụ huynh, học sinh ta, cần được thay thế bằng mục tiêu “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình”, mang tính toàn diện, sâu sắc hơn mà nhiều nền giáo dục trên thế giới đang hướng tới.

 

 

                                         Thanh Bình

                                          Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Tình trạng nói chung của học sinh ngày nay là lười suy nghĩ, không hào hứng đào sâu những kiến thức được học và hầu như không biết phản biện. Đấy là dấu hiệu sa sút nghiêm trọng về chất lượng học tập, nó hoàn toàn trái với xu thế phát triển của thời đại đòi hỏi nhiều ở sự năng động và sáng tạo của lớp người mới.

Vốn là một thầy giáo lâu năm và có ý thức trách nhiệm với nghề, tác giả bài viết trên đây nêu lên những nguyên nhân rất đáng quan tâm, có thể coi đó là những “thủ phạm” dẫn tới tình trạng suy giảm chất lượng học tập của học sinh hiện nay.

Cần phải kiên quyết lọai trừ những “thủ phạm” đó ra khỏi nền giáo dục của chúng ta, đấy trước hết là trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục, nhất là quản lý việc dạy thêm và xuất bản sách tham khảo cũng như quản lý nội dung giáo dục toàn diện trong nhà trường. Cha mẹ học sinh cũng cần giáo dục cho con em mình có động cơ học tập đúng đắn, khắc phục lối học vẹt, học lệch theo mục tiêu thực dụng.