Nguyên nhân rối nhiễu tâm lý ở tuổi mới lớn
Nước ta có cấu trúc dân số trẻ, với khoảng trên 60% đang ở tuổi vị thành niên, là vốn quý để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đang bị rối nhiễu tâm lý cần có biện pháp khắc phục.
Trong khi điều kiện vật chất của các gia đinh Việt Nam đang được cải thiện và nâng cao thì xuất hiện tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em rối loạn tâm lý, rối loạn nhân cách và hành vi. Biểu hiện của tình trạng trên là hiện tượng học sinh chán học, hay gây gổ đánh nhau, nghiện ngập, đua xe, trầm cảm, … Vấn đề rối nhiễu tâm lý ở tuổi học đường nổi lên những năm gần đây khiến cho dư luận xã hội hết sức băn khoăn, lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Trước hết về phía gia đình, hiện nay, xu hướng gia đình hạt nhân tức gia đình có hai thế hệ đang dần chiếm ưu thế. Sợi dây liên kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bấy lâu nay đang trở nên lỏng lẻo hơn. Nhịp sống hiện đại, hối hả, xô bồ đã cuốn các bậc phụ huynh vào những lo toan bận rộn khiến họ không có nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm con cái. Ở thành thị, có nhiều gia đình khá giả sợ con hư mắc vào các tệ nạn xã hội đã chọn giải pháp mà họ cho rằng an toàn, đó là bắt trẻ suốt ngày ở trong nhà. Họ không biết được rằng làm như vậy, trẻ chỉ có thể an toàn phần nào về mặt cơ thể mà rất không an toàn về đời sống tâm lý, tinh thần. Đặc thù lứa tuổi của trẻ rất cần sự tiếp xúc giao lưu tích cực để bổ sung và hoàn thiện nhân cách.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Những biến đổi của xã hội cũng là tác nhân dẫn đến sự thay đổi, rối nhiễu trong hành vi, nhân cách học sinh. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận học sinh dẫn đến lối sống ích kỷ, buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ. Trước sự phát triển của nền kinh tế và làn sóng đô thị hoá đang lan nhanh, số lượng nhà cửa, công trình được xây dựng đang có chiều hướng tỉ lệ nghịch vơí số lượng sân chơi bãi tập của học sinh. Thiếu sân chơi, nhiều em chỉ còn biết vùi đầu vào internet, vào thế giới ảo đầy các trò chơi điện tử kích khích bạo lực và lối sống buông thả mà từ đó phát sinh những hiện tương lệch lạc trong suy nghĩ và hành động của giới trẻ.
Để khắc phục hiện tượng rối nhiễu tâm lý đang có xu hướng lan rộng, gia tăng trong học sinh, nhân tố gia đình đóng vai trò quyết định. Gia đình phải là chỗ dựa thực sự vững chắc trong đời sống tinh thần của trẻ. Các bậc phụ huynh cần giúp các em hình thành bản lĩnh và ổn định nhân cách ngay từ khi tuổi mói lớn để khi gặp vướng mắc, khó khăn, trong điều kiện nhất định, các em có thể tự ứng phó. Cha mẹ cần nghiêm khắc với con nhưng tránh khắt khe, xét nét quá đáng. Cần tránh áp đặt thái quá những suy nghĩ của minh mà cần khuyến khích khả năng độc lập, sáng tạo tích cực trong tư duy, suy nghĩ của trẻ. Đặc biệt cần tránh những lời lẽ, hành vi xúc phạm đến nhân cách của các em bởi đây là lứa tuổi rất dễ bị tổn thương. Trái lại, mỗi ngày, các bậc phụ huynh cần tranh thủ tối đa những khoảng thời gian thích hợp để trao đổi, gần gũi, tâm sự với con cái nhằm nắm bắt đời sống nội tâm của trẻ, từ đó có những uốn nắn, điều chỉnh phù hợp.
Nhằm can thiệp và phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý của học sinh, ngành giáo dục cần có chương trình giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong các nhà trường từ bậc học mần non. Bộ phân y tế học đường cần có đội ngũ có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn làm công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh, Bên cạnh đó, việc cải tiến chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải cần được tiến hành song song với việc giảm áp lực, căng thẳng trong học tập của học sinh. Các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường cần tạo ra những sân chơi sôi nổi, bổ ích nhằm giúp học sinh gần gũi và đòan kết với nhau hơn, đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh.
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần là điều kiện nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Có thể khẳng định, việc chăm lo đời sống tinh thần, tâm lý của học sinh là khá phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, khéo léo, sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Cần nhận thức đầy đủ về tác hại trước mắt và lâu dài của hiện tượng rối nhiễu tâm lý trong học sinh và có biện pháp khắc phục kịp thời bởi đây chính là những chủ nhân thực sự của đất nước trong một tương lai không xa.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)
LTS Dân trí - Tình trạng rối nhiễu tâm lý, nhân cách và hành vi là khá phổ biến trong một bộ phận không nhỏ của lứa tuổi học đường. Tác giả viết bài trên phân tích khá đầy đủ những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đáng lưu ý đó.
Giáo dục trẻ em và tạo điều phát triển bình thường cho lứa tuổi học đường là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó có vai trò quan trọng của các đoàn thể xã hội.
Tiếc rằng, trong thời gian qua, cả ba bộ phận có vai trò quyết định trong việc tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh đối với trẻ em chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ và nhất quán trong việc giáo dục trẻ em.
Mong rằng các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng như ngành giáo dục và mọi gia đình quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục thanh thiếu niên, thực hiện những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh giúp trẻ em có điều kiện học tập, rèn luyện thân thể, và được vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi của mình. Chỉ trên cở sở đó, trẻ em mới phát triển bình thường và có đời sống tinh thần lành mạnh.