Nguy cơ tái phát “bệnh thành tích” trong giáo dục?

Vốn là người hoạt động trong ngành giáo dục, tôi đã chứng kiến nhiều “cuộc vận động” lúc đầu rất rầm rộ, khí thế, nhưng rồi cứ lắng dần, không duy trì được hiệu quả lâu dài và sau đó chìm vào lãng quên.

Tôi e rằng cuộc vận động “Hai không” nổi tiếng của ngành giáo dục cũng đang rơi vào tình trạng tương tự, nếu không có những giải pháp cần thiết để ngăn chặn những hiện tượng tái phát của “căn bệnh thành tích” dường như đã ăn sâu vào “cơ thể” giáo dục.

Lúc đầu, cuộc vận động “Hai không” được phát động trong toàn ngành với quyết tâm làm một cuộc “đại phẫu”, nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết đổi mới, tạo nên bước phát triển đột phá cho ngành giáo dục-đào tạo nước nhà.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Cuộc vận động diễn ra rất khí thế. Những kết quả bước đầu của cuộc vận động đã có ý nghĩa báo động, cảnh tỉnh to lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội: kết quả thi tốt nghiệp lần 1 năm học 2006-2007 với 400.000 học sinh (HS) trên cả nước không đạt yêu cầu, hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp” ở nhiều địa phương, kết quả xếp loại học tập của các trường kém hẳn so với những năm trước. Nhưng cho đến nay, cuộc vận động “Hai không” không còn giữ được khí thế như lúc đầu; xã hội cũng phân tâm vì thấy nhiều HS bỏ học vì phải thi lại, không lên được lớp sinh ra chán nản xin thôi học; hiện tượng tái mù chữ lại phát sinh ở những vùng khó khăn.

Xem ra những lực cản của cuộc vận động “Hai không” chỉ tạm ẩn đi khi cuộc vận động khởi đầu rầm rộ (thực ra là do tâm lí sợ kỉ luật, sợ dư luận), nay nó lại trỗi dậy dưới nhiều hình thức, làm cho khả năng tái phát “bệnh thành tích” là rất cao.

Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy một lực cản rất lớn của “bệnh thành tích” là tâm lí “làm công ăn lương” của một bộ phận không nhỏ giáo viên, vì vậy họ luôn thụ động, đối phó, thiếu trách nhiệm với HS, làm việc theo kiểu “chỉ đâu đánh đó”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, thậm chí lợi dụng các chính sách mới để trục lợi. Trường THPT nọ tổ chức thực hiện thi trắc nghiệm đã thu một khoản phí phôtô đề trắc nghiệm lớn hơn chi phí thực hàng chục triệu đồng. Sở GD-ĐT nọ cũng tổ chức thi khảo sát chất lượng như thi tốt nghiệp: đề thi do Sở ra, ngày thi thống nhất, tổ chức các phòng thi theo số báo danh và thu từ HS hàng trăm triệu đồng tiền ra đề, phô tô đề…

Hiện tượng giáo viên “đứng nhầm lớp” rất phổ biến từ phổ thông cho đến đại học nhưng nhiều năm qua chưa được quan tâm đúng mức và chưa tìm ra biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Các nhà quản lí giáo dục, lãnh đạo các địa phương cũng không muốn làm gay gắt, thêm rắc rối, nên dễ hài lòng với những con số “đẹp”, tỷ lệ “đẹp”mà cấp dưới báo cáo lên. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có qui chế qui định bỏ hẳn kì thi HS giỏi các lớp 6, 7, 8 và 10, 11 nhưng một số Sở, Phòng GD-ĐT vẫn “gia hạn” thực hiện, bởi vì họ đã quá quen với những thành tích, với kiểu thi đua từ những con số, tỉ lệ HS giỏi, nay không còn thì cảm thấy “hụt hẫng”.

Những cuộc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thưa dần, bản báo cáo thành tích của các trường đã dần dần trở lại với những con số “hoành tráng” của những năm trước khi chưa có cuộc vận động “Hai không”, đây đó lại tái diễn tình trạng “cơ cấu tỷ lệ” cho đạt chỉ tiêu, tình trạng xin điểm, chạy điểm, nâng điểm khống vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Nội bộ ngành giáo dục hình như đang tồn tại một sức ỳ ghê gớm mà thắng được nó không phải là chuyện một sớm một chiều. Sức ỳ đó khiến cho mọi chủ trương, biện pháp cải cách nhanh chóng bị “chuyển hoá” trở nên hình thức “bình mới rượu cũ”, không phát huy được tác dụng. Ví dụ: Khi Bộ phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, thi cử, đánh giá thì giáo viên cũng hưởng ứng khá nhanh, phong trào soạn giáo án điện tử, thi trắc nghiệm diễn ra rất “khí thế”. Nhưng tính chất sự việc không thay đổi: giáo án viết tay hay giáo án điện tử thì cũng là nhồi nhét, áp đặt, thuyết giảng một chiều; thi trắc nghiệm hay thi viết thì HS cũng trao đổi, xem tài liệu, tìm mọi cách đối phó… Chỉ có các chủ quán photocopy là tha hồ hốt bạc. Phải gọi đúng bản chất của sức ỳ đó là sự tha hóa, suy thoái do không có một cơ chế kiểm soát, thi đua, sàng lọc, cạnh tranh lành mạnh đúng nghĩa.

Phong trào thao giảng, thi giáo viên giỏi cũng rất “hoành tráng”, nhưng mang tính biểu diễn, nhằm phục vụ cho những toan tính cá nhân nhiều hơn là thực sự nâng cao chất lượng giáo dục, và tiêu cực cũng không “buông tha” một hoạt động đầy tính nghiêm túc và trí tuệ là thi giáo viên giỏi. Trước kì thi, có trường THPT đã phát hẳn cho mỗi giáo viên 1 triệu đồng để “quan hệ”, “mời giám khảo uống nước”. Có những giáo viên đạt giải cao trong kì thi giáo viên giỏi tỉnh, nhưng về bị tổ chuyên môn tẩy chay bởi họ biết rõ năng lực thực của giáo viên này. Việc anh ta đạt giải là do “thông minh đột xuất” hay vì một lí do nào đó!

Trong điều kiện chương trình quá tải và tình trạng học lệch phổ biến như hiện nay, hầu hết số HS xếp loại học lực giỏi là do “cơ cấu”, nhiều con điểm chỉ là số ảo. Thực ra những HS ấy chỉ giỏi một môn hay một số môn (do được luyện theo kiểu “gà chọi”), hoặc là con em giáo viên, lãnh đạo nên được “cơ cấu giỏi”.

Một HS thi khảo sát chỉ được 1 điểm nhưng giáo viên chủ nhiệm lại xin nâng lên 5 điểm để đạt điểm giỏi tổng kết. Cuối học kì, giáo viên chủ nhiệm các lớp chọn phô tô một danh sách HS gửi cho các giáo viên để “nhờ giúp đỡ”. Kì quái là có cả những HS cá biệt, học yếu, thường xuyên bỏ học nhưng vì có những lí do “tế nhị” nên vẫn được đưa vào danh sách “xin điểm giỏi”.

Tâm lí nể nang, dễ dãi, thoả hiệp của một số giáo viên đã vô hình trung giúp “bệnh thành tích” tái phát. Một biểu hiện nhức nhối của bệnh thành tích, dối trá của ngành giáo dục là tổ chức học nghề phổ thông một cách chiếu lệ để đổi lấy điểm khuyến khích. Hiện tượng này vẫn chưa được ngành giáo dục khắc phục, hàng chục năm qua vẫn “hồn nhiên” tồn tại như một sự “phản biện” gay gắt đối với cuộc vận động “Hai không”.

Nhìn rộng ra, những hiện tượng được xem là “vấn nạn” của bệnh thành tích vẫn thế: các lớp đại học tại chức, hệ mở, từ xa, các lớp học liên thông, liên kết mở ra như nấm sau mưa; chỉ tiêu cao học được mở rộng tối đa, những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ biến thành những cuộc liên hoan vui vẻ, những chuyến đi dạy tại chức, cao học của các giáo sư, tiến sĩ trở thành những chuyến du lịch, “đổi gió” phương xa…

Tất cả vẫn “tuần tự nhi tiến” như “không hề có cuộc vận động” nào cả!

Để chống “bệnh thành tích” (thực chất là dối trá, kém cỏi) của ngành giáo dục cần phải có một chiến lược lâu dài với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, mạnh mẽ, không nóng vội, không nản lòng. Chúng ta kiên trì mục tiêu nhưng phương pháp phải mềm dẻo, linh hoạt. Phải có một cuộc điều tra, khảo sát kĩ lưỡng để nhìn rõ thực trạng giáo dục và “điểm mặt chỉ tên” tất cả những lực cản của cuộc vận động. Có nhiều ý kiến cần thành lập một tổ chức giám sát, kiểm tra chất lượng giáo dục độc lập với Bộ GD-ĐT.

Trước mắt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có những chế tài đủ mạnh để xử lí những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm, đề cao trách nhiệm cá nhân của nguời đứng đầu các cấp quản lí giáo dục, hiệu trưởng các nhà trường. Đồng thời có những giải pháp giảm tải, “mềm hóa” chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Một khi chất lượng giáo dục được nâng cao về căn bản thì bệnh thành tích sẽ tự nhiên bị đẩy lùi. Theo chúng tôi, cần tạo ra và gia tăng “sức ép”, tạo động lực để các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên phải phấn đấu, nỗ lực, thi đua mạnh mẽ và liên tục để thắng được sức ỳ ghê gớm nói trên. Đó là cả một quá trình phấn đấu lâu dài của ngành giáo dục và của toàn xã hội. Cần hạn chế hiện tượng đề ra những chỉ tiêu không thực tế, dẫn đến bắt buộc các cơ sở phải làm dối, làm ẩu như các tiêu chuẩn về học lực của trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục THPT… và những con số 100% của các cuộc thi, các phong trào…

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí –Ý kiến nêu lên trong bài viết trên đây của một “người trong cuộc” biết khá rõ tình hình thực tế giáo dục ở địa phương mình, nhưng đây lại là một nơi vốn có truyền thống coi trọng sự học.Đấy là điều đáng suy nghĩ về thực trạng các cuộc “thi đua” hay những “cuộc vận động” đã bị bóp méo đi như thế nào bởi “căn bệnh thành tích”, bởi cách làm “phô trương, hình thức” mà thiếu sự kiểm tra, giám sát và đánh giá công bằng, cho nên kết quả thực tế chẳng đáng là bao, thậm chí còn phản tác dụng. Điều đó có đúng sự thật không?

Xin mời các nhà giáo tâm huyết cùng tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục tham gia ý kiến về vấn đề rất đáng quan tâm này.