Người không biết chữ có được thi lấy bằng lái xe không?

Hải Hà

(Dân trí) - Cục Đường bộ Việt Nam đang xác minh việc "giả mù chữ để né thi lý thuyết lái xe" ở tỉnh Lào Cai khiến nhiều người thắc mắc, với người không biết chữ, thi lấy bằng lái xe được thực hiện thế nào?

Như đã đưa tin, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai xác minh vụ việc giả mù chữ để "ăn bớt" phần thi lý thuyết lái xe hạng A1.

Theo đó, ngày 31/1, Sở GTVT-XD Lào Cai đã đề nghị xác minh 127 hồ sơ lái xe mô tô hạng A1 được UBND các xã trong tỉnh Lào Cai xác nhận học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết đọc, viết tiếng Việt.

Kết quả xác minh cho thấy có 77/127 học viên biết đọc, viết chữ tiếng Việt; 4 người không xác minh được do không có dữ liệu dân cư hoặc không có thông tin cư trú tại địa phương được xác minh.

Người không biết chữ có được thi lấy bằng lái xe không? - 1

Pháp luật quy định chỉ đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt mới có thể được thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp. Đối với các trường hợp không phải đồng bào dân tộc thiểu số mà không biết chữ sẽ không được thi bằng lái (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Có ý kiến cho rằng, không học lý thuyết, ra đường vi phạm luật giao thông ai chịu trách nhiệm? Quy định pháp luật hiện nay về việc không biết chữ thi để lấy giấy phép lái xe như thế nào? Việc sát hạch lái xe dành cho những người mù chữ được tiến hành ra sao?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định chỉ đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt mới có thể được thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp do Sở giao thông vận tải trình ủy ban nhân dân các cấp quyết định. Đối với các trường hợp không phải đồng bào dân tộc thiểu số mà không biết chữ sẽ không được thi bằng lái.

Luật sư Xuyến lý giải, thông tin trên được căn cứ vào khoản 4 Điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT:

"Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt: Sở Giao thông vận tải xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương".

Việc sát hạch lái xe để lấy giấy phép lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết được căn cứ khoản 4 Điều 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT:

"Sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt do Sở Giao thông vận tải căn cứ nội dung và quy trình sát hạch đã được ban hành, xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch phù hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định".

Như vậy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt thì Sở giao thông vận tải địa phương sẽ căn cứ nội dung, quy trình để trình cho Ủy ban nhân dân xem xét.

Người dân tộc thiểu số không biết chữ học và thi lấy bằng lái xe thế nào?

Học viên tham gia học và sát hạch ngoài các quy định hiện hành phải được UBND cấp xã xác nhận là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết. Các học viên phải trải qua quá trình học lý thuyết và thực hành với chương trình được xây dựng phù hợp với khả năng nhận biết của họ.

Để đảm bảo việc dạy và học đáp ứng được yêu cầu, giáo viên tại các Trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 phải có khả năng truyền đạt bằng tiếng phù hợp với đa số đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học. Nếu cơ sở đào tạo không có giáo viên biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số có thể hợp đồng với người biết tiếng dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp trở lên phiên dịch để cùng tham gia giảng dạy, sát hạch.

Theo quy định này, thời gian đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1 là 12 giờ (lý thuyết 10 giờ, thực hành lái xe 2 giờ). Các học viên phải hoàn thành các môn học gồm: Pháp luật giao thông đường bộ; Kỹ thuật lái xe; Thực hành lái xe. 

Giáo trình, giáo án đào tạo dựa trên cơ sở giáo trình đã được Bộ GTVT ban hành có điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp nhận của học viên và phải được Sở GTVT Nghệ An phê duyệt. Việc đào tạo phải linh hoạt, giảng dạy chủ yếu bằng hình ảnh trực quan và hỏi - đáp là chính.

Quy trình sát hạch lý thuyết được thực hiện bằng phương pháp hỏi - đáp. Sát hạch viên ghi lại nội dung đáp án của học viên vào bài thi. Học viên phải điểm chỉ vào bài thi này sau khi kết thúc thời gian thi.

Phần sát hạch thực hành lái xe phải thực hiện theo đúng quy trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

Luật sư Xuyến cũng thông tin thêm, thấu hiểu khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận kiến thức học, thi phần lý thuyết lái xe máy thầy giáo Lê Thành Long, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) Điện Biên đã hướng dẫn nhóm học sinh của mình xây dựng Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt.

Website có video giới thiệu toàn bộ tính năng; 4 menu chính học 200 câu lý thuyết, các loại biển báo giao thông đường bộ, mẹo thi, đề thi thử sát hạch… Tất cả đều gồm có file tiếng Mông và chữ Việt để đáp ứng nhiều đối tượng có thể luyện thi, bao gồm cả bà con người Mông không thành thạo tiếng phổ thông.

Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần sử dụng chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet và thao tác trực tiếp trên website. Giao diện thiết kế phù hợp, tiện dụng trên các thiết bị thông minh sẽ giúp ích cho người học ôn thi lý thuyết lái xe một cách dễ dàng và ở bất cứ đâu cũng có thể vào học được. Đặc biệt các chức năng hiển thị trên giao diện đều hiển thị file âm thanh tiếng Mông đính kèm giúp người học có thể ôn luyện dễ dàng nhất.