Người giám sát, quản lý Triệu Quân Sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thế Hưng

(Dân trí) - Để Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam nhiều lần, người giám sát, quản lý đối tượng này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không là thông tin được độc giả Dân trí quan tâm.

Trả lời thắc mắc của độc giả, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp đã có những phân tích cụ thể. Theo đó, hành vi của Triệu Quân sự thể hiện thái độ coi thường pháp luật, thiếu ý thức cải tạo, giáo dục trong quá trình thi hành án và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.

Vụ việc của Triệu Quân Sự cho thấy việc quản lý trại phạm nhân ở một số đơn vị còn nhiều sơ suất, thiếu sót, thậm chí có thể còn là thiếu trách nhiệm dẫn đến việc phạm nhân bỏ trốn. Đồng thời, sự việc 3 lần trốn khỏi nơi giam giữ cũng cho thấy "biệt tài" của phạm nhân này trong việc đào tẩu.

Người giám sát, quản lý Triệu Quân Sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - 1

Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Ảnh: Thế Hưng).

3 lần trốn trại, khung hình phạt dành cho Triệu Quân Sự có tăng thêm?

Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định của pháp luật Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Người trốn khỏi nơi giam giữ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định của bộ luật hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Triệu Quân Sự lại tiếp tục đối mặt với một tội danh tiếp theo là tội trốn khỏi nơi giam giữ với mức hình phạt là 3 năm tù. Nếu hành vi là có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác, người áp giải thì mới chịu khung tăng nặng có thể đến 10 năm tù.

Điều 386 bộ luật hình sự hiện hành không quy định là hành vi bỏ trốn nhiều lần là tình tiết tăng nặng, cũng không có tội danh nào quy định về hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nên đối với hành vi trốn khỏi nơi giam giữ dù nhiều lần nhưng không phải là có tổ chức, không dùng vũ lực chống lại người canh gác thì hình phạt cũng không quá 3 năm tù. Nếu có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết định khung thì hình phạt cao nhất cũng chỉ đến 10 năm tù. 

Ngoài ra, có lẽ việc đối tượng này trốn trại cũng xuất phát từ nhận thức về quy định pháp luật liên quan đến tổng hợp hình phạt. Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ chỉ có hình phạt tù có thời hạn, trong khi đó đối tượng đang chấp hành hình phạt chung của nhiều tội danh trước đó là tù chung thân nên khi tổng hợp hình phạt hình phạt cao nhất vẫn chỉ là tù chung thân, không thay đổi so với mức hình phạt trước đây. 

Đây là quy định của pháp luật để xử lý đối với người không tuân thủ quy định về giam giữ, tuy nhiên để xảy ra hành vi trốn khỏi nơi giam giữ có một phần trách nhiệm của đơn vị quản lý, giam giữ. Nên ngoài việc xem xét xử lý hình sự đối với người trốn khỏi nơi giam giữ thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ, của cơ quan tổ chức để xảy ra sự việc.

Để Triệu Quân Sự trốn trại, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Với cán bộ trực tiếp quản lý có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xem xét trách nhiệm của người bỏ trốn và trách nhiệm của đơn vị quản lý để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo điều 376, Bộ luật hình sự thì Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn như sau:

Điều 376. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn

1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;

b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm:

 a) Làm vụ án bị đình chỉ;

 b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

 c) Để từ 2-5 người bỏ trốn;

 d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;

 đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm:

a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;

c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người giám sát, quản lý Triệu Quân Sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - 2

Trước khi bị bắt Triệu Quân Sự đã di chuyển quãng đường hơn 30km để chạy trốn (Ảnh: Thanh Tùng).

Như vậy, trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người có trách nhiệm trong việc trông nom, giám sát, quản lý Triệu Quân Sự nhưng đã không thực hiện hoặc thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến việc đối tượng này bỏ trốn thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nêu trên.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy các cán bộ quản lý phạm nhân này đã thực hiện đúng và đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao, việc đối tượng bỏ trốn là do thủ đoạn tinh vi, ngoài sự kiểm soát của cán bộ và đơn vị quản lý thì sẽ không áp dụng chế tài với cán bộ quản lý. Nhưng vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong thi hành án hình sự là vấn đề cần phải đặt ra một cách nghiêm túc.

Để phạm nhân này trốn trại thành công đến 3 lần thì ở các cơ sở giam giữ khác nhau mà không xử lý cán bộ quản lý phạm nhân này bằng các chế tài nghiêm khắc thì rõ ràng quy trình quản lý, cải tạo phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù là có sơ hở, nguy cơ mất an toàn. Vấn đề này cần phải làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý cũng như làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đảm bảo cho hoạt động thi hành án hình sự đạt hiệu quả, đúng pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm