Tây Ninh:
Người dân nhức tai vì hai doanh nghiệp “chém gió, nói xấu qua lại”
(Dân trí) – Không những tố công ty trà Tâm Lan sử dụng tư liệu, hình ảnh của đối thủ làm minh họa khi trả lời phỏng vấn, chủ công ty trà Hoàn ngọc 7 Nga còn “bật mí” những nghi ngờ về nguồn nguyên liệu làm trà của Tâm Lan.
“Bức râu ông nọ, cắm cằm bà kia”
Vừa qua, bà Bùi Kim Nga, Giám đốc DNTN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh (37 Nguyễn Trọng Cát, Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã gửi đơn kiến nghị đến báo Dân trí phản ánh về việc bị xâm hại về nhãn hiệu, hình ảnh…
Chủ doanh nghiệp trà Hoàn ngọc cho rằng, việc Tâm Lan làm như vậy chẳng khác nào “lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Phía Hoàn Ngọc cũng “tố” Tâm Lan trước đây từng sử dụng cúp vàng, giải thưởng lấy từ nguồn thông tin điện tử của mình để quảng cáo trên website của Tâm Lan chứ thực ra lúc đó Tâm Lan chưa có giải thưởng nào.
Thời gian qua, dư luận vẫn “râm ran” về thông tin cây trà hoàn ngọc. Bà Nga cho biết, tại Việt Nam, cây trà này được trồng rải rác trong các hộ dân để làm cảnh. Còn trồng trà hoàn ngọc bài bản, quy mô được nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và được các nhà khoa học hỗ trợ về kỹ thuật để cho ra một vùng trồng có thành phần hóa học cao thì chỉ có công ty của bà Nga làm được. Trải qua thời gian khá dài, gần 10 năm, nhân giống liên tục, bà Nga mới có được vùng trà rộng hơn 20ha như hiện nay. Trên cơ sở này, bà Nga nghi ngờ về nguồn nguyên liệu làm trà của “đối thủ” khi Tâm Lan công bố công thức trà có 40% hoàn ngọc. “Nếu Tâm Lan có vùng nguyên liệu thì sao không quay tư liệu để sử dụng mà lấy tư liệu của doanh nghiệp khác?”, bà Nga đặt nghi ngờ.
Tâm Lan “phản pháo”
Ngày 16/10, công ty TNHH MTV Tâm Lan đã có văn bản trả lời PV Dân trí về những phản ánh của công ty Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh. Đại diện công ty Tâm Lan cho rằng, những thông tin mà 7 Nga phản ánh đến báo chí về Tâm Lan là sự áp đặt chủ quan, vu khống, ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của Tâm Lan.
Buổi tọa đàm: “Thực phẩm Việt vì sức khỏe người Việt” tổ chức ngày 16/9, Tâm Lan chỉ là một trong những khách mời. Đoạn video phỏng vấn bà Võ Thị Lấn – Giám đốc Tâm Lan và phát sóng là do người của truyền hình thực hiện chứ không phải Tâm Lan. “Đoạn phim do phóng viên thực hiện, là tài sản của truyền hình chứ không phải của Tâm Lan. Chúng tôi không sử dụng tư liệu của ai”, ông Nguyễn Thế Tân, trợ lý Giám đốc đồng thời là con trai bà Lấn khẳng định. Ông Tân cũng bác bỏ việc Tâm Lan bị quy chụp từng sử dụng cúp vàng, giải thưởng lấy từ nguồn trang thông tin điện tử của doanh nghiệp 7 Nga.
Ông Tân cũng đưa chúng tôi đi thực địa một vườn cây hoàn ngọc rộng chừng 3ha gần trụ sở của Tâm Lan. Vườn cây chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích bị úng nước, lá vàng úa, xơ xác. Cạnh đó còn có chuồng bò và những sân phơi xây dang dở. Rõ ràng vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu của Tâm Lan đang gặp khó khăn nhất định về mặt kỹ thuật, quy trình sản xuất, chăm bón. Vùng nguyên liệu Tâm Lan nằm rải rác, phần lớn thổ nhưỡng không thích hợp trồng cây hoàn ngọc do thường xuyên ngập nước, năng suất thấp.
Ông Tân cho biết, nguyên liệu đầu vào đang là bài toán khó đối với Tâm Lan. Cây hoàn ngọc, lược vàng là 2 thành phần chính nhưng được trồng với số lượng còn khá khiêm tốn, khoảng 6-7 tháng tuổi đã đem chế biến. “Vừa qua, một thương hiệu trà có tiếng ở địa phương “tố” Tâm Lan không có vùng trồng nguyên liệu để chế biến trà là thiếu trung thực. Cách lập luận này hết sức vô lý bởi một doanh nghiệp sản xuất đường thì đâu nhất thiết phải trồng mía hay sản xuất nệm cao su thì phải trồng cây cao su?”, ông Tân bức xúc.
Ông Nguyễn Thế Tân thừa nhận, hiện công ty đã trồng được cây hoàn ngọc và cây lược vàng nhưng mới đáp ứng khoảng 10-20% nguyên liệu đầu vào. 80% còn lại Tâm Lan phải thu mua từ nông dân và các công ty đủ chức năng kinh doanh loại dược thảo này. Để chứng minh, ông Tân đã đưa ra các hợp đồng mua bán cây hoàn ngọc giữa Tâm Lan với một cửa hàng kinh doanh dược liệu ở TPHCM, công ty đông dược ở Bắc Giang…
Chiều 9/11, trao đổi qua điện thoại với Dân trí, bà Thân Thị Minh Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông dược Hải Thượng (Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang) xác nhận có thực hiện việc bán 48 tấn hoàn ngọc/năm (trà đã được sấy khô với giá 28.000 đồng/kg) cho công ty Tâm Lan.
Trong khi đó, dư luận ở Tây Ninh cho biết họ đang “nhức tai” bởi những thông tin “chém gió, nói xấu qua lại” giữa hai doanh nghiệp trà có tiếng tại địa phương. Đúng sai chưa biết thế nào nhưng việc “choảng” nhau, cạnh tranh không lành mạnh… vô hình kéo doanh nghiệp cùng tụt dốc.
Công Quang