TPHCM:

Người đàn bà 25 năm lang thang bán vé số và hành trình đi đòi công lý

(Dân trí) – Được tặng 3 căn nhà liền kề giữa trung tâm Sài Gòn nhưng người đàn bà đơn thân lại bị những người ở nhờ chiếm đoạt. Hơn 25 năm qua, bà phải lang thang đi bán vé số mưu sinh và mong đợi công lý.

Gia tài để lại của một nữ tu

Mỗi lần nhắc lại chuyện đòi quyền lợi hợp pháp 3 căn nhà mà lẽ ra mình được sở hữu, người đàn bà đơn thân Trần Ngọc Hồng (60 tuổi, thường trú tại số 14 Trương Vĩnh Ký, Phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) không giấu nỗi thất vọng. Cuộc sống đơn thân, già yếu, gần đất xa trời… nên bà không mong gì nhiều tiền lắm bạc. Bà chỉ cần đòi lại 3 căn nhà đang bị người khác chiếm dụng để làm nơi thờ tự, nuôi nấng những mảnh đời cơ nhỡ theo đúng như tâm nguyện của người mẹ nuôi của bà trăn trối với bà trước lúc lìa khỏi cõi đời.

Bà Hồng kể, vì gia cảnh khó khăn, nên khi được 4 tuổi thì bà và chị gái là Trần Tuyết Anh bị cha mẹ đem cho bà bạn tên Lý Quan nhận làm con nuôi. Bà Lý Quan cũng là phụ nữ đơn thân, tu tại gia.
Ba căn nhà đang bị tranh chấp 25 năm qua nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh
Ba căn nhà đang bị tranh chấp 25 năm qua nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh

Năm 1974, do tuổi đã già nên bà Lý Quan lập tờ tặng giữ ba căn nhà cho hai chị em bà Hồng. Nội dung “Tờ tặng giữ với điều kiện” ngày 5/12/1974 bản gốc đến nay vẫn còn được bà Hồng lưu giữ có ghi rõ: bà Lý Quan cho đứt vĩnh viễn hai chị em bà Hồng ba căn nhà 457, 459, 461 Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn, nay là 457, 459, 461 Nguyễn Chí Thanh, P.15, Q.5, và gần đây nhất đã đổi số nhà thành 435, 437, 439 Nguyễn Chí Thanh, P.15, Q.5, TPHCM. Tờ tặng giữ cũng nêu rõ khi bà Lý Quan mất đi thì chị em bà Hồng không được bán, tặng ba căn nhà cho bất cứ ai mà phải duy trì vĩnh viễn đó là ngôi chùa. Về sau này, nếu bà Hồng, Tuyết Anh già yếu thì có quyền chọn 2 nữ tu sĩ khác để cho lại 3 căn nhà với điều kiện vẫn tiếp tục duy trì là nơi thờ tự.

Sau khi bà Lý Quan mất, bà Hồng lúc đó vẫn sinh sống tại chùa ở Long An nên bà Tuyết Anh đứng ra quản lý ba căn nhà này.

Sinh thời, bà Lý Quan có nhận nuôi một số đứa trẻ có gia cảnh khó khăn trong đó có các bà như La Phụng, Phạm Thị Phụng, Huỳnh Huệ Văn, Trần Thị Dung, Ngụy Nhi và nhiều người khác. Năm 1989, bà La Phụng, đã tự ý đi khai trước bạ để hưởng di sản ba căn nhà kể trên mà không hề thông qua ý kiến của chị em bà Hồng. Việc khai trước bạ sau đó đã bị hủy bỏ khi bà Hồng khiếu kiện.

Năm 1992, bà Tuyết Anh sau một thời gian bệnh tật cũng qua đời. Sau đó, bà Hồng trông coi 3 căn nhà trên nhưng bị bà La Phụng và các chị em khác ngăn cản không cho vào ở và quản lý. Bà Hồng nhiều lần nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng vẫn chỉ đứng từ xa nhìn 3 căn nhà người khác đang chiếm dụng.

“Trần ai” 25 năm đi đòi nhà

Từ năm 1992 trở đi, sau khi chị gái Tuyết Anh qua đời, bà Hồng tiến hành các thủ tục để làm giấy chủ quyền cho ba căn nhà này. Thời gian này bà La Phụng tiếp tục có các đơn từ khiếu nại để cản trở. Năm 1993, bà Hồng phải nhờ đến tòa án Quận 5 giải quyết. Bà La Phụng cam kết không tranh chấp nữa.

Sau đó, bà Hồng tiến hành bổ sung các giấy tờ cần thiết theo qui định để hợp thức hóa quyền sở hữu ba căn nhà. Tuy nhiên, bà La Phụng lại tiếp tục tố cáo nên vụ việc từ đó được đẩy sang TAND quận 5 một lần nữa.

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng vụ kiện của bà Hồng cũng được tòa án quận 5 chuyển lên TAND TPHCM xét xử. Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 20/08/2001, tuyên án ngày 04/09/2001, thể hiện qua bản án số 1711/DSST ngày 04/09/2001, bà Hồng được tòa xác định có quyền hưởng toàn bộ 3 căn nhà này theo “Tờ tặng dữ với điều kiện” đã lập ngày 5/12/1974. Bà La Phụng phải trả cho bà Hồng các giấy tờ gốc đang nắm giữ...
Tờ tặng giữ với điều kiện của 3 căn nhà cho bà Hồng
Tờ tặng giữ với điều kiện của 3 căn nhà cho bà Hồng
Tờ tặng giữ với điều kiện của 3 căn nhà cho bà Hồng

Tuy nhiên, sau đó, hai bà Trần Thị Phụng và Huỳnh Huệ Văn lại tiếp tục kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào đầu năm 2002. Mặc dù hai bà Trần Thị Phụng và Huỳnh Huệ Văn không có bất kỳ văn bản pháp lý nào để chứng minh về việc hai bà này là con nuôi để đòi chia tài sản thừa kế theo pháp luật, nhưng bằng bản án số 21/DSPT ngày 19/02/2002, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Phụng và Văn, bác yêu cầu đòi nhà của bà Hồng. Bản án này cũng cho rằng quan hệ tranh chấp của vụ án là một vụ kiện tranh chấp tài sản, thay vì là một vụ kiện đòi hưởng thừa kế. Tòa án kết luận việc tranh chấp về quyền thừa kế sẽ được xác minh trong một vụ kiện khác sau này. Sau đó, bà Hồng nhiều lần làm các tờ tường trình, đơn khiếu nại gửi lên TAND Tối cao để xin làm thủ tục giám đốc thẩm, nhưng tất cả đã rơi vào sự im lặng.

Đồng thời, dựa theo tinh thần của bản án phúc thẩm, bà Hồng đã tiếp tục làm đơn để theo đuổi một vụ kiện khác để xin thừa kế ba căn nhà. TAND quận 5 đã thụ lý vụ kiện này vào năm 2006.

Mòn mỏi đợi chờ 6 năm qua, ngày 25/7/2012, TAND quận 5 bất ngờ ra văn bản số 161/2012/QĐST-DS-ĐC đình chỉ giải quyết vụ án này. Lý do tòa án đưa ra là quan hệ tranh chấp đã được giải quyết rồi. Trong khi đó, quan hệ tranh chấp thừa kế của của bà Hồng chưa được giải quyết và chính bản án phúc thẩm trước đây cũng nói rõ nếu tranh chấp về thừa kế sẽ được thực hiện bằng một vụ kiện khác (Theo điều 4, trang số 8 trong phần quyết định của bản án Phúc thẩm).

Niềm mong mỏi của người đàn bà đơn thân

Bà Hồng tâm sự, từ khi theo đuổi vụ kiện, kinh tế của bà khánh kiệt. Bà từng phải lặn lội đi khắp các con đường ở Mỹ Tho (Tiền Giang) bán từng tờ vé số để sống đắp đổi qua ngày. Nay tuổi đã cao, lại là một phụ nữ đơn thân, bà phải tá túc ở nhờ nhà của người cháu gái ở quận Bình Tân để mỏi mòn chờ công lý.
Người đàn bà đơn thân, bán vé số này chỉ biết đứng từ xa nhìn 3 căn nhà của mình
Người đàn bà đơn thân, bán vé số này chỉ biết đứng từ xa nhìn 3 căn nhà của mình

Trong khi đó, ba căn nhà mà người mẹ nuôi lập “Tờ tặng dữ với điều kiện” cho bà thì bị người khác mua đi bán lại. Hiện ba căn nhà ấy nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 nhưng lại xập xệ chỉ để bán bún, cơm chay… Không dám vào trong vì sợ bị xua đuổi, đánh đập, bà Hồng chỉ biết đứng từ xa mà nhìn ba căn nhà của mình đang bị người khác chiếm dụng trái phép.

“Giờ đây, sau khi trải qua bao nhiêu sóng gió và nước mắt của cuộc đời, bao nhiêu tháng năm mòn mỏi gõ cửa các cơ quan chính quyền, tòa án để đòi quyền lợi chính đáng của mình, tôi không biết liệu rằng mình có còn đủ sức, đủ lòng tin, đủ thời gian để theo đuổi sự công bằng nữa hay không”, bà Hồng tâm sự.

Công Quang