"Người có ý thức và văn minh sẽ không ra đường lúc này chỉ để tập thể dục!"
(Dân trí) - "Bất chấp lệnh cấm để ra đường không phải vì sức khỏe, họ ra vì muốn chứng tỏ không ai có thể kìm kẹp được mình và thèm cảm giác thỏa mãn được cái tôi. Ý thức với họ có lẽ là điều quá xa xỉ".
Hà Nội đã sang ngày thứ 2 thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19. Chính quyền các quận, huyện, phường, xã… cùng đài báo liên tục đăng tải thông tin đến người dân dưới nhiều hình thức để yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Vì vậy không thể nào chấp nhận được bất cứ lý do bao biện nào như: Tôi chưa/không được nghe thông tin; tôi bị huyết áp cao cần phải vận động. Và hình ảnh một số người bất chấp lao ra đường để đi bộ, đạp xe, dắt chó đi dạo, hay tụ tập câu cá… khiến nhiều người hết sức lo ngại. Phải chăng người dân không biết sợ, hay do ý thức quá kém?
Trước đó ngày 18/7, TP Hà Nội đã ra công điện số 15 yêu cầu người dân không được tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học và bệnh viện cũng phải giữ khoảng cách hai mét khi trao đổi, tiếp xúc. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chỉ thật sự cần thiết mới nên ra đường và tránh hội họp đông người để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thế nhưng, nhiều người dân vẫn tìm cách "luồn lách" để được ra đường tập thể dục bằng cách đi tập vào… nửa đêm hoặc rạng sáng. Họ cho rằng giờ này lực lượng công an không đi kiểm tra, xử phạt được nên tranh thủ, mà quên mất rằng virus không có giờ nghỉ. Thậm chí, có người còn mách nhau cách mang theo bao gạo, mớ rau theo để chống chế với lực lượng chức năng là đi mua thực phẩm.
Trong khi đó, ở tuyến đầu, đội ngũ y bác sĩ cùng lực lượng chức năng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Còn hầu hết người dân phải hy sinh những lợi ích và nhu cầu cá nhân, ở nhà để thực hiện nghiêm chỉ thị 16, nhằm hỗ trợ phần nào cho công tác chống dịch của thành phố, thì vẫn còn rất nhiều người "khôn lỏi", ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, tìm đủ lý do để chống đối, vi phạm quy định chống dịch.
Những ngày này, có ra đường tập thể dục vài vòng cũng chẳng giúp cho sức khỏe của họ tốt lên, nhưng chắc chắn sẽ làm cho công tác chống dịch thêm khó khăn, phức tạp. Nếu chẳng may một trong số họ tạo ra một chuỗi lây nhiễm mới, thì bao công sức, sự hy sinh của cả xã hội trong những ngày qua trở nên vô ích.
"Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ những kẻ khôn lỏi và ích kỷ đó, để họ biết rằng họ đang sống trong một xã hội, không phải sống trong một nơi vô tổ chức", đó là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi về Dân trí, bày tỏ thái độ bức xúc với một bộ phận người dân thiếu ý thức.
Phải chăng, ý thức đối với những người này có lẽ là một điều quá xa xỉ, như ý kiến của bạn đọc Duy Minh: "Họ ra đường không phải vì sức khỏe, họ ra vì muốn chứng tỏ không ai có thể kìm kẹp được họ, họ thèm cảm giác thỏa mãn được cái tôi của mình, được lên mặt với bạn bè kiểu như: ơ, tôi vẫn đi tập thể dục đều đều, có sao đâu!".
"Sự vô ý thức thì ở đâu cũng có, nhưng có lẽ đây không còn là ý thức mà phải gọi là "thờ ơ, vô cảm với vận mệnh của đất nước và bản thân". Đáng buồn là nó hiện hữu rất nhiều ở những TP lớn của cả nước...
Khi mình còn được ăn cơm nóng, được ở trong nhà, được uống nước 1 cách thoải mái,... thì mình đã hạnh phúc gấp nghìn lần các anh, các chị, các em đang ở những nơi chống dịch. Các anh, chị, em suốt ngày mặc những bộ đồ bảo hộ, mấy lớp khẩu trang, bao nhiêu thứ mang trên người còn phải tất bật chạy ngược chạy xuôi để lo cho những bệnh nhân, và hơn hết là họ ở trong môi trường mà khả năng lây nhiễm rất cao. Nên mỗi chúng ta hãy cố gắng giữ bản thân "sạch" nhất có thể để không thêm gánh nặng cho đội ngũ Y, Bác sĩ để đại dịch sớm qua đi và mỗi người đều đoàn tụ với gia đình", bạn đọc Tú Minh
Đồng quan điểm cảm thông, chia sẻ với sự vất vả của lực y tế, bạn đọc Hải Anh chia sẻ câu chuyện của anh trai mình: "Anh trai tôi làm ở CDC một thành phố. Hàng ngày chỉ mới 30-40 ca thôi mà anh đã phải đi làm từ 6-11h khuya mới về, về nhà vẫn cứ ôm cái điện thoại, máy tính để túc trực không kể là 3-4h sáng. Nói để mọi người biết những người đang ở tuyến đầu chống dịch rất vất vả, khổ cực. Tôi mong mọi người cố gắng hạn chế cái tôi, giảm bớt những nhu cầu và sở thích cá nhân để dịch tạm lắng xuống. Tới khi ổn rồi thì mọi người thích làm gì làm, đi đâu thì đi".
Ví việc chống dịch như chống lũ: "Dịch chỉ được chặn khi mọi người dân đều tuân thủ nghiêm chỉ thị 16. Nếu xem như nước lũ là dịch thì toàn dân là những bờ đê nối dài để chống lũ và các Y, Bác sĩ và nhân viên tuyến đầu là những người hộ đê... Chỉ cần một góc khuyết ở một góc nhỏ của bờ đê là bao nhiêu người phải tập trung lại để vá đê nhưng nếu có nhiều góc nhỏ trên toàn tuyến đê bị vỡ (do những người thiếu ý thức) thì sẽ không vá kịp và nguy cơ vỡ đê là nhìn thấy được.
Do đó, hãy ở nhà khi có thể để chung sức cùng chống lại đợt dịch khủng khiếp này, số ca nhiễm mới tăng đột biến và số người chết đã gấp mấy lần của 3 đợt dịch trước và chưa dừng lại... không nên có suy nghĩ mình là người may mắn vì con virus này không chừa một ai!", bạn đọc Hải Long.
"Nếu bạn tìm cách chống đối lại các nghị định mà địa phương đang áp dụng thì có nghĩa là bạn đang mở đường cho Covid-19 đến hại chính bản thân bạn. Và mỗi khi bạn nở nụ cười chiến thắng sau hành động qua mặt được những người làm nhiệm vụ chống dịch kia thì đồng minh Covid-19 của bạn càng cười tươi vì chúng nó có cơ hội chiến thắng được nhân loại. Vì vậy, mong mọi người hãy ở nhà, hãy chấp hành nghiêm quy định của chính quyền để sớm đẩy lùi Covid-19!", bạn đọc Hải Đăng.
Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!