"Người có văn hóa và ý thức sẽ không dùng điện thoại khi đang lái xe!"

Khả Vân

(Dân trí) - "Người có văn hóa, tử tế, có ý thức, thì sẽ cực kỳ hạn chế dùng điện thoại khi đang lái xe, vì họ tôn trọng pháp luật, coi trọng tính mạng người khác cũng như chính mình", độc giả Dân trí bình luận.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Tại Nghị định, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi "Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". 

"Hoan nghênh và ủng hộ mạnh, đây là việc làm hết sức cần thiết" - đây là quan điểm chung của hầu hết độc giả khi gửi ý kiến bình luận về báo Dân trí.

Thực trạng phổ biến

Độc giả Hung Hoang cho rằng hiện nay tình trạng vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại là khá phổ biến, đề nghị cần xử lý nghiêm để tránh tai nạn đáng tiếc.

Độc giả này dẫn chứng một sự việc vừa mới xảy ra ngày 7/8 được cho là ở Đông Anh, Hà Nội. Hình ảnh do camera an ninh ghi lại cho thấy thanh niên đi xe máy chở thùng hàng lớn phía sau đã mải nhìn điện thoại nên không nhìn thấy công trình thi công phía trước, dẫn tới tình huống bị ngã lộn nhào cả người và xe xuống hố khá nguy hiểm.

Mải nhìn điện thoại, người đi xe máy lao xuống hố công trình

Đồng quan điểm, độc giả doxuantuan nhận định hành vi này chẳng khác nào uống rượu khi lái xe, phổ biến nhất là các cô cậu thanh niên và mấy anh shipper (người giao hàng) đường không nhìn mà toàn nhìn điện thoại.

Độc giả Phạm Bảo Minh Tâm viết: "Đồng ý với đề xuất này vì tình hình người điều khiển giao thông sử dụng điện thoại hiện nay rất đáng báo động và gây bức xúc, tay thì lái xe mắt thì dán vào điện thoại không cần nhìn đường vừa cản trở giao thông vừa gây nguy hiểm cho bản thân người lái và người đi đường. 1m đường giao thông chỗ thì lái xe grab mải check đơn đường hoặc dò đường trên xe, bên kia đường là mấy bạn trẻ bấm nhoay nhoáy tin nhắn thậm chí còn video call... chế tài phạt 2-3 triệu một lần vi phạm tôi thấy cũng đủ cao rồi, nếu thêm quy định là bất kỳ ai có video của người vi phạm gửi về cơ quan công an sẽ bị phạt nguội thì chắc chắn sẽ giảm hẳn được tình trạng này. Cũng giống như mũ bảo hiểm vậy, ngày xưa mọi người còn đội đối phó chứ bây giờ ra đường không có cái mũ cũng thấy trống vắng cái đầu: vừa che nắng che mưa vừa bảo hiểm cái đầu lợi đủ đường".

Độc giả Haiphongly: "Rất nhiều lần tôi đi xe khách mà lái xe buôn điện thoại cả tiếng trên đường cao tốc và một số tuyến khác. Lái xe con thì thôi rồi, buôn chuyện và nhắn tin thật khủng khiếp! Tai nạn luôn rình rập cho ai tham gia giao thông mà gặp mấy ông lái này! Xin hãy đưa ra luật phạt nặng và tước giấy phép lái xe mới đủ răn đe. Hãy đưa ra hình phạt sớm nhất có thể để bảo vệ cho những người tham gia giao thông an toàn!".

Độc giả Duy Hiệp kể tình huống mình thường xuyên gặp phải, cũng là nỗi bức xúc của nhiều tài xế nghiêm túc khi tham gia giao thông: "Nhiều bác tài vừa tham gia giao thông vừa nhắn tin rất mất tập trung, đi đường rất ức chế khi thấy họ lái ô tô đi chậm rồi nhắn tin điện thoại, trong khi đằng sau cả hàng xe đang đi chậm theo.

Theo tôi thấy người sử dụng xe máy sử dụng điện thoại khi chạy xe còn nhiều hơn gấp nhiều lần xe hơi (các bác tài xe hơi ít ra còn trang bị tai nghe không dây). Xe máy vừa chạy vừa nhắn tin rất mất thời gian, rước thêm nguy hiểm tại sao họ không chú ý vấn đề đó nhỉ? Chỉ cần dừng lại giải quyết dứt điểm cuộc gọi sau đó là đi tiếp nhưng không bao nhiêu người như thế. Đôi khi tôi muốn nổi khùng lao lên giật và đập vỡ cái phone xem thử họ phản ứng ra sao vì họ gây sự khó chịu cho người khác nhưng bình tĩnh nên thôi, tôi sợ họ lu loa mình cướp thì khổ".

Người có văn hóa và ý thức sẽ không dùng điện thoại khi đang lái xe! - 1

Chỉ một giây tài xế xao nhãng, rời mắt nhìn đường phía trước cũng có thể để lại hậu quả khủng khiếp (Ảnh: Getty).

Ít bị xử phạt nên "nhờn"?

Độc giả Chieucuong cho biết, có lần còn gặp một thanh niên vừa điều khiển xe máy vừa xem tiktok, các video ngắn trên mạng xã hội.

"Khi sử dụng điện thoại, tài xế bị cuốn vào những thông tin trên màn hình mà không để ý tới luồng xe cộ xung quanh, do đó không thể làm chủ tình hình. Ví dụ nếu đang chạy xe ở tốc độ 100 km/h, tài xế cúi đầu gửi tin nhắn mất 10 giây thì xe đã chạy gần 300 m mà không hề biết có gì trước mặt. Kể cả khi nhận biết được tình hình, thời gian để kịp đọc tình huống và xử lý cũng giảm đi nhiều".

Độc giả này cũng cho rằng hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe bị xử phạt rất ít so với vi phạm thực tế, bởi đây là hành vi phải được kiểm tra quả tang mới có thể xử lý vi phạm. Cũng chính vì thế, khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, hầu hết người vi phạm đều dùng mọi cách để né tránh.

Độc giả Đức Khôi đồng quan điểm: "Ðây là hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vì cho rằng không thể bị phát hiện và xử lý kịp thời, nên một bộ phận người khi tham gia giao thông vẫn cứ vi phạm".

Độc giả Khánh Huyền: "Dùng điện thoại khi lái xe là cực kỳ nguy hiểm, nó nguy hiểm bởi thứ nhất là do nó không xảy ra ngay nhưng nó lại luôn rình rập; thứ 2 là thường hậu quả rất nặng nề, khi nhận ra thì đã muộn, phản ứng thường là vặn ga, đạp ga, đánh lái mạnh. Lỗi này đang rất phổ biến. Luật đã có nhưng không thể có lực lượng thực thi được. Nên chăng, CSGT khuyến khích người dân cung cấp bằng chứng và được một khoản thưởng phù hợp, chỉ cần vậy thôi, con mắt của CSGT nhân lên gấp triệu lần, một thời gian người ta sẽ quen thì mới qua trang mới được".

Độc giả Minh Anh: "Nhiều tài xế xe tải, ô tô, xe máy đều quan niệm và cho rằng thời giờ là tiền bạc, không để lãng phí, nên phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Biết rằng chỉ tích tắc, có thể lấy đi vài mạng người, nhưng các bác tài không thể bỏ lỡ một cuộc gọi hoặc tin nhắn, vì nó quan trọng hơn mạng người?.

Người có văn hóa, tử tế, có ý thức, thì sẽ cực kỳ hạn chế dùng điện thoại khi đang lái xe, vì họ tôn trọng pháp luật, coi trọng tính mạng người khác cũng như chính mình. Họ hiểu rằng cần thượng tôn pháp luật để tránh việc khi xảy ra chuyện thì hối hận quá muộn, khóc lóc, than thân, trách phận!".