Bạn đọc viết:

Nghĩ về thành ngữ "Chiếc áo không làm nên thầy tu" qua việc tăng giá sách

Hải Hà

(Dân trí) - Dân gian ta có câu: "Chiếc áo không làm nên thầy tu", đó chính là lời nhắc nhở chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng vội đánh giá người khác thông qua hình thức bề ngoài.

 Vậy tiêu chí để đánh giá chất lượng về một bộ sách mới đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục chúng ta cần đánh giá về khổ sách, giấy in sách hay là nội dung bên trong cuốn sách?

Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo cho rằng, "Sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ". Còn chúng tôi lại băn khoăn rằng, nội dung bên trong sách mới liệu có vượt trội hơn sách cũ? tương xứng với tăng giá bán không? hay là nội dung nổi bật, vượt trội... chỉ dừng lại ở sự gây tranh cãi cho mọi người như cuốn sách "Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều (tập 1)" phát hành năm 2020!?

Chất lượng giấy tốt hơn nhưng dùng một lần thì để làm gì? Khổ lớn hơn để làm gì khi nhìn các con mang cặp không nổi?... Phụ huynh chúng tôi muốn chất lượng giảng dạy, đào tạo con em chúng tôi tăng lên chứ không phải tăng chất lượng hình thức sách giáo khoa. Tăng giá trước mắt là ảnh hưởng đến kinh tế cho những gia đình có con em đến trường nhưng nhìn xa hơn đây là lãng phí rất lớn cho xã hội.

Nghĩ về thành ngữ Chiếc áo không làm nên thầy tu qua việc tăng giá sách - 1

Các bài học trong Bộ sách Cánh Diều từng gây dư luận không tốt.

Tôi nghĩ người dân sẽ chấp nhận giá sách mới tăng hơn nhiều lần so với giá sách cũ khi nội dung của nó vượt trội tương xứng. Tôi rất băn khoăn, khi mà giá trị sách giáo khoa đắt hay rẻ là do chúng ta căn cứ từ vẻ bề ngoài của cuốn sách to hơn, dày hơn, đẹp hơn... và xem chúng như một công cụ để định giá thì có đi ngược lại với quan điểm bấy lâu nay chúng ta giáo dục học sinh đánh giá con người về phẩm chất, thay vì đánh giá qua vẻ bề ngoài? bởi điều các em nhìn thấy chưa chắc đúng về con người của họ mà mỗi khi phân tích câu thành ngữ "chiếc áo không làm nên thầy tu" giáo viên vẫn thường truyền dạy.

Gần đây, một số người thích xây dựng cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, nhìn bên ngoài cứ tưởng như họ là "Doanh nhân BĐS thành đạt"  giúp đời và xã hội. Thế nhưng, đến khi mọi chuyện vỡ lở thì thật khiến cho nhiều người bất ngờ, bàng hoàng. Vì thế với sách giáo khoa mới, chúng ta nên cần chú trọng nội dung bên trong hơn vỏ bọc bên ngoài.

 Độc giả Trà Đoàn Trần