Đồng Tháp:
Nghi phạm chém lìa đầu người liệu có thoát án tử nhờ nghi vấn tâm thần?
(Dân trí) - Nghi phạm chém lìa đầu người, chém trọng thương công an, đã được hàng xóm phát hiện là có biểu hiện tâm lý bất bình thường, tuy nhiên nếu kết luận giám định tâm thần nghi phạm có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì có cơ sở vững chắc để cơ quan tiến hành tố tụng kết luận phạm tội giết người.
Đối tượng Nguyễn Thanh Tâm (48 tuổi, ngụ phường 3, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) - nghi phạm chém lìa đầu ông Hồ Thanh Nhàn (59 tuổi, ngụ cùng địa phương) rồi vứt sang vườn hàng xóm, sau đó chém trọng thương Trung tá Trần Văn Minh - Trưởng Công an phường 3 (TP Sa Đéc) đã có những lời khai ban đầu.
Theo lời khai của Tâm, giữa nghi phạm và ông Nhàn chưa từng xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào. Tuy nhiên, do chiều 7/4, ông Nhàn vào vườn của Tâm nhưng không xin phép nên gã này dùng dao chém chết nạn nhân.
Sau đó, Tâm chém lìa đầu nạn nhân rồi ném sang vườn của ông Nguyễn Ngọc Minh (tổ trưởng khóm 3, phường 3, TP Sa Đéc) phi tang.
Tâm cũng khai một mình gã gây án, không có ai trợ giúp. Tuy nhiên đây chỉ là lời khai ban đầu của nghi phạm. Công an vẫn đang xác minh, thu nhập chứng cứ.
Theo người dân cùng xóm, trước đây Tâm rất siêng năng, có thời gian đi làm bốc vác để nuôi vợ con. Sau đó tính tình Tâm thay đổi bất thường, nghỉ ở nhà và thường xuyên nhậu nhẹt rồi đánh vợ con, gây sự với hàng xóm nên bị chính quyền đưa đi đưa đi cơ sở giáo dưỡng.
“Tôi nhớ nó bị đưa đi cơ sở giáo dưỡng 21 tháng thì được về nhà. Lúc đầu về nó cũng bình thường nhưng ít tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Thời gian gần đây có thể do nắng nóng nên thần kinh nó có không ổn định. Có lúc đang ngồi, nó tự nhiên bật dậy cười hát nghêu ngao rồi nói xàm. Tôi nghĩ thằng Tâm bị thần kinh nhưng do gia đình không có tiền nên chưa đưa đi điều trị”, bà Nguyễn Ngọc Phượng, hàng xóm của nghi phạm nói.
Bà kể: “Hôm trước có người đến nhà đòi nợ con của thằng Tâm, mới bước vào đất nhà nó đã bị nó cầm dao rượt chém, may mắn họ chạy thoát. Ở đây người nào biết tính tình của thằng Tâm thì không bao giờ dám vô vườn của nó. Vô là nó chém chết”.
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lí, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng: “Những người bệnh tâm thần sẽ không thể tự chủ về hành vi của mình trong các mối quan hệ xã hội. Họ là sự nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe, tính mạng, tài sản đối với người xung quanh. Chính vì vậy Nhà nước đã ban hành các quy định bắt buộc phải đưa những người này đi chữa bệnh nhằm quản lý, hạn chế hành động nguy hiểm của họ cho cộng đồng.
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa nhận định: "Nếu kết luận giám định tâm thần Tâm có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì có cơ sở vững chắc để cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Tâm phạm tội giết người".
Biểu hiện tâm lý bất thường của Nguyễn Thanh Tâm đã được hàng xóm phát hiện, tuy nhiên gia đình, chính quyền địa phương dường như đã không có những quan tâm, đánh giá, hành động phù hợp đối với những biểu hiện này. Nếu thực hiện đúng quy định pháp luật trong quản lý người có biểu hiện tâm thần thì Nguyễn Thanh Tâm cần phải được đưa đi khám, xác định tình trạng bệnh sau đó đưa đi chữa bệnh.
Theo điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của Bộ luật hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Khi tiến hành điều tra vụ án cơ quan tố tụng sẽ tiến hành giám định tâm thần để xác định khi Tâm thực hiện hành động giết người có đủ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình không.
Nếu kết luận giám định tâm thần Tâm có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì có cơ sở vững chắc để cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Tâm phạm tội giết người. Theo điều 123 Bộ luật hình sự Tâm sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Trường hợp Tâm bị tâm thần, không có đủ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình khi thực hiện việc giết người thì Tâm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng điều Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh : “1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.”
Ngọc Hân (thực hiện)