Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Mai: “Điệu chèo em hát, khao khát tình xuân”

(Dân trí) - NSƯT Quỳnh Mai, Nhà hát Chèo Bắc Giang là một trong số ít nghệ sĩ thành công với cả hai loại hình nghệ thuật chèo và ca trù, đoạt nhiều giải cao tại các liên hoan sân khấu toàn quốc. Đang ở độ chín của nghề nghiệp, Quỳnh Mai luôn tâm niệm phải nỗ lực không ngừng với khao khát cống hiến nhiều hơn cho công chúng yêu nghệ thuật.

Quỳnh Mai họ tên đầy đủ là Phạm Thị Mai, sinh năm Bính Thìn 1976, là con gái út ông Phạm Hữu Bốn ở làng quan họ cổ Mật Ninh, xã Quảng Minh, gần với làng tôi. Ông Bốn vốn là cây văn nghệ của làng, rất say mê chèo. 6 người con hai trai bốn gái của ông đều yêu thích ca hát nhưng ông thấy Quỳnh Mai có chất giọng hay hơn cả. Quỳnh Mai thường được theo bố đi hát. 

Từ khi còn học vỡ lòng cứ có cơ hội là ông Bốn đẩy Quỳnh Mai lên sân khấu. Quỳnh Mai kể, lúc bé chỉ thích hát cải lương. Năm 1994, khi Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Bắc về huyện sơ tuyển mới được bố gấp rút dạy cho hai điệu chèo lới lơ và dương xuân để đi thi. Năm ấy, Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Bắc tuyển lớp diễn viên mới được hơn chục người thì Quỳnh Mai trúng tuyển với điểm cao nhất.

Từ người thầy đầu tiên là cha mình, trải qua một phần tư thế kỷ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Quỳnh Mai đúc rút thành công của người nghệ sĩ ngoài năng khiếu, đam mê, khổ luyện thì điều quan trọng nhất chính là được truyền nghề từ các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết.

Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Mai: “Điệu chèo em hát, khao khát tình xuân” - 1

NSƯT Quỳnh Mai vào vai Kiều Loan (vở Gọi đò) đoạt HCV Liên hoan chèo toàn quốc 2019.

Còn nhớ, khi học ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Quỳnh Mai thấy thật may mắn đã được NSND Trần Bảng vừa làm chủ nhiệm lớp, vừa trực tiếp giảng dạy. Quỳnh Mai nhớ mãi bài tập nhập vai nàng Xúy Vân giả dại, là hiện thân của số phận bi kịch bị giằng xé giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc đối với hoàn cảnh sống khắc nghiệt của người phụ nữ trong chế độ xưa. Hóa thân vào Xúy Vân, Quỳnh Mai khóc thật, khóc sướt mướt, không dứt được.

Khi ấy, NSND Trần Bảng bảo, nhập vai như vậy là tốt nhưng diễn khóc như thật chứ không phải khóc thật, diễn trong diễn, người diễn viên cần phải biết kiềm chế cảm xúc. Diễn chèo, Quỳnh Mai tự thấy hợp vai nữ chín (gọi là đào thương), là nhân vật nữ xưa có đủ tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), có số phận éo le, nhẫn nhịn, cam phận, hy sinh cho chồng, cho con, điển hình như các vai Châu Long, Thị Kính...

Quỳnh Mai chia sẻ, lúc diễn cần lấy nước mắt, trong khoảnh khắc ấy liên hệ với gian nan, thăng trầm của bản thân thì khóc được ngay rồi cũng thoát ra được ngay để làm chủ vai diễn. Hợp vai đào thương nhưng thành công đầu tiên của Quỳnh Mai lại là vai nữ pha - Xúy Vân. Vai nữ pha (đào pha) có tính cách tổng hợp gồm cả nữ chín và nữ lệch – vai nữ lệch, điển hình vai Thị Màu, người có tính lẳng lơ, phá bĩnh (đào lệch).

Xúy Vân là vai mẫu kinh điển nhất của nghệ thuật chèo, ai thành công vai này sẽ diễn được hầu hết các vai nữ khác. Đó là vào năm 2001, chuẩn bị cho Liên hoan chèo truyền thống tại Quảng Ninh, Nhà hát Chèo Bắc Giang quyết tâm giành giải cao nên đã giao cho ba người cùng tập vai Xúy Vân, ai xuất sắc nhất sẽ được chọn. Ba người là NSƯT Thanh Nhàn và hai diễn viên trẻ trong đó có Quỳnh Mai. Vì “màu cờ sắc áo” của Nhà hát, ba cô cháu miệt mài tập luyện. Trời nắng như đổ lửa, phòng tập không có điều hòa, tính cách vai diễn lúc thì điên thật, lúc thì điên giả, phải múa rất nhiều, ít có hôm nào được ngủ trước ba giờ sáng nên Quỳnh Mai bị sút 5 kg.

Khi Nhà hát mời NSND Trần Bảng về thẩm định thì Quỳnh Mai được chọn. Liên hoan năm ấy, ngoài HCV cho vai chính, Quỳnh Mai còn đoạt thêm giải múa đẹp nhất vai Xúy Vân. Từ thành quả này, tự tin khẳng định tài năng nghệ thuật, Quỳnh Mai nỗ lực nhiều hơn và liên tục gặt hái “mùa vàng”: HCV thi dân ca Đồng bằng và trung du Bắc Bộ năm 2002; 2 HCB vai Bà Ba (vở Đề Thám) và vai phu nhân Thân Nhân Trung (vở Danh chiếm bảng vàng) năm 2005, 2009; HCV vai Nga (vở Chuyện làng Đồi) năm 2011; HCV vai bà Ba Cẩn (vở Bà Ba Cẩn) năm 2013…

Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Mai: “Điệu chèo em hát, khao khát tình xuân” - 2

Quỳnh Mai được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2015.

Với bảng thành tích ấy Quỳnh Mai được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2015. Theo NSƯT Quỳnh Mai, nếu hát quan họ phải “vang, rền, nền, nảy” thì hát chèo cần thêm “sáng, trong, luyến láy” và “nảy hạt” nhiều hơn. Chất giọng là quan trọng nhất song hát chèo phải biết tì xuống họng, tìm được điểm nhấn, cao trào để đổ lời tạo ra nét riêng, sự độc đáo, khác biệt của người diễn. Để nhập vai thành công phải nghiên cứu kỹ kịch bản, hiểu nghĩa từng ca từ, lồng tình cảm của người diễn vào nhân vật nhằm chuyển tải cho được cảm xúc của nhân vật... Phải chăng như con tằm nhả tơ nên nghệ sĩ chèo thành công cũng là người có cá tính, có cuộc sống gai góc, thăng trầm giống như thân phận nhân vật đã vận vào họ vậy.

Là đồng nghiệp, thế hệ sau của Quỳnh Mai, nghệ sĩ Phạm Mai Lan khâm phục sự không ngừng sáng tạo trong từng vai diễn, giàu bản lĩnh, kinh nghiệm sân khấu, ứng diễn linh hoạt của Quỳnh Mai. Chị ấy luôn truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho chúng tôi, mỗi khi được diễn với chị ấy chúng tôi yên tâm và tự tin hơn. Sau những thành công với chèo, Quỳnh Mai thử sức sang ca trù cũng gặt hái nhiều thành tích nổi bật.

Chứng kiến Quỳnh Mai biểu diễn hai thể cách ca trù Tỳ bà hành và Gửi thư ở Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh, GS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc ghi nhận: Với giọng hát trong veo và truyền cảm, với tay phách nhuần nhị, điêu luyện, Quỳnh Mai đã chinh phục được Hội đồng nghệ thuật và các đồng nghiệp trong Liên hoan. Quỳnh Mai đoạt giải A phần thi Ca nương tài năng. Một bước tiến đáng kể của ca trù Bắc Giang sau nhiều thập kỷ vắng bóng trong đời sống xã hội.

Có cùng đam mê, khát vọng vươn lên trong nghề nghiệp, “trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài”, Quỳnh Mai kết hôn với bạn diễn, đạo diễn NSƯT Tạ Quang Lẫm. Anh Lẫm bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật khi đầu quân vào Đoàn Nghệ thuật Tuồng Hà Bắc. Đoàn tuồng giải thể anh về Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Bắc (tiền thân của Nhà hát Chèo Bắc Giang hiện nay). Khán giả yêu chèo biết đến Quang Lẫm với nhiều vai diễn đoạt HCV tại các liên hoan chèo toàn quốc như: vai Thân Cảnh Phúc (vở Phò mã Thân Cảnh Phúc), vai Tổng đốc Lê Hoan (vở Đề Thám), vai quan Phủ Doãn (vở Danh chiếm bảng vàng)…

Hai vợ chồng diễn viên có điều kiện hỗ trợ và chia sẻ về nghề nhưng nay NSƯT Tạ Quang Lẫm là Giám đốc Nhà hát, là đạo diễn nên chẳng còn mấy thời gian dành cho gia đình. Hai vợ chồng đi lưu diễn suốt nên ba con nhỏ đành phải gửi cho anh chị của Quỳnh Mai ở quê trông giúp. “Điệu chèo em hát, khao khát tình xuân” như đã vận vào NSƯT Quỳnh Mai. Tình yêu nghệ thuật vẫn thanh xuân như ngày nào, vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn người nghệ sĩ. Với nhiều gian khổ, hy sinh song Quỳnh Mai cảm thấy vui vì sự trở lại ngày càng nhiều của công chúng yêu mến nghệ thuật truyền thống.

Vào dịp cuối năm hay lễ hội đầu xuân, Nhà hát chèo Bắc Giang luôn kín lịch diễn ở khắp các làng quê trong và ngoài tỉnh. Tại Liên hoan chèo toàn quốc 2019 mới đây, khi chứng kiến khán giả Bắc Giang "ăn cùng chèo, ngủ cùng chèo, nói chuyện chèo", nhiều nghệ sĩ đã thốt lên: Chèo đang quay trở lại thời kỳ vàng son như những năm 90 của thế kỷ trước khi mà người dân phải xếp hàng, thậm chí đi thật sớm may ra mới "chiếm" được một chỗ đứng để xem chèo! Quỳnh Mai trăn trở, nghệ thuật không có điểm dừng, không đam mê, khổ luyện sẽ mai một.

Nghề nào cũng thế, “không thầy đố mày làm nên”. Từ kinh nghiệm của mình, Quỳnh Mai chia sẻ nếu không được các thầy, cô là NSND Trần Bảng, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Diễm Lộc, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận…, các thế hệ nghệ sĩ đi trước và nhiều thầy cô khác tâm huyết trao truyền thì không thể có NSƯT Quỳnh Mai như hôm nay. Trong những người thầy ấy, Quỳnh Mai không quên nhắc đến người thầy đầu tiên là cha mình – ông Phạm Hữu Bốn.

Năm nay ông Bốn đã hơn 80 tuổi, tuy sức khỏe yếu nhưng ông theo dõi rất sát Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019. Ông rất vui khi Nhà hát Chèo Bắc Giang có vở diễn đoạt giải xuất sắc, NSƯT Quỳnh Mai giành HCV vai Kiều Loan (vở Gọi đò) và cháu gái ông là nghệ sĩ Phạm Mai Lan giành HCV cho vai nữ chính vở Người con gái Kinh Bắc.

Nhà báo Trần Đức

Phó TBT Báo Bắc Giang