Nghe “Khúc hát sông quê” ở Mátxcơva

(Dân trí) - …Một buổi chiều lãng đãng tuyết bay vần vũ khắp bầu trời Mátxcơva, trong lúc xe dừng lại ở ngã tư chờ đèn xanh, cô em tên Hậu người Hà Tĩnh lái chiếc xe “Esno” cũ kĩ của Nhật mở một bản nhạc Việt mà vừa nghe tôi đã giật mình thảng thốt!

Nghe “Khúc hát sông quê” ở Mátxcơva - 1
Một trung tâm thương mại của người VN ở Nga.

Trời, sao mà nhẹ nhàng man mác đến thế? Cái khung cảnh làng quê sông nước con thuyền bồng bềnh như ru như đưa ta trở về với tuổi thơ…Tôi xoay người qua khẽ hỏi em: “Bài hát của ai vậy Hậu?” -  Anh không biết sao? Lạc hậu quá ông anh ơi! Hậu cười khúc khích. Thằng cu cháu tên Lâm ngồi phía sau chen ngang ra vẻ thạo đời: -  Bác đúng là Nga “ngố”(cái danh từ mà dân Việt mình ở Nga hay ám chỉ người Nga về cái sự thật thà như đếm của họ) thật rồi, bài này là của ông nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo! Quê ở Diễn Châu! Xưa rồi diễm ơi.

 

Cái chất giọng đặc sệt “Quỳnh Lưu đất mẹ anh hùng” (Tên của một bài hát ca ngợi nhân dân Quỳnh Lưu thời kì chiến tranh chống Mĩ cứu nước những năm 60 về trước) của nó làm tôi liên tưởng đến chất giọng của một người cũng na ná…Phải rồi! Ông Tạo-Nguyễn Trọng Tạo, không sai mà. Ừ, ông Tạo quê ở huyện Diễn Châu hàng xóm láng giềng với huyện Quỳnh Lưu. Đúng là tôi “ngố” thật!

 

Bài hát đã thịnh hành lâu rồi mà tôi cứ mải miết kiếm ăn nơi xứ người nên “quên” cả những dòng sông quê, để chiều nay giữa trời tuyết vần vũ Mátxcơva nước đổ về lai láng trong tâm hồn như: “…một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng…”

 

…Lập tức kí ức năm nào đưa tôi trở về với cái buổi trưa của năm 1987. Mùa hè ở thành phố Vinh (Nghệ Tĩnh – hồi đó chưa chia tỉnh) đã nắng nóng lại thêm cái anh chàng gió Lào thổi vù vù làm bụi bay mù mịt vào tận trong mắt mũi miệng, tóc tai, áo quần đến là ngứa ngáy khó chịu. Đang lọc cọc dắt chiếc xe đạp nữ Thống nhất bị xịt lốp trên đoạn đường từ Bảo tàng tỉnh về nhà ngang qua đoạn kênh Bắc ở phường Hà Huy Tập thuộc khu vực “làng Quan” (Dân tình gọi lóng khu nhà ở của cán bộ “bự” của tỉnh về hưu!) thì gặp ngay anh Tạo.

 

Thật là “họa vô đơn chí’! Xe  đạp của anh Tạo cũng bị sang vành, vừa dắt đi vừa phát “nhạc” cót két đến là nhộn tai! Tôi biết anh từ những ngày đến công tác ở Cục Chính trị quân khu 4, bởi các vị “quan mũ mềm” (Tướng tá quân đội thường đội loại mũ lưỡi trai vải gắn sao) thi thoảng mời anh về đây đọc và bình thơ ca. Hai người tay bắt mặt mừng. Vừa dắt xe đi vừa chuyện trò rôm rả và quên ngay cái nắng nóng của trưa hè xứ Nghệ.

 

Đang định tấp xe vào quán tranh nhỏ ven đường để làm bát nước chè xanh và điếu thuốc lá cuộn Lạng sơn thì anh Tạo rủ: - Thôi, anh em mình đến chỗ Tuyết Nga chơi đi! Tôi gật đầu cái rụp. Ai chứ Tuyết Nga ở Hội Văn nghệ tỉnh thì lạ gì. Thế là ông nọ đùn, ông kia đẩy xe của mình lếch thếch vào khu nhà của Ty Văn hóa cạnh Bưu điện thành phố.

 

Tuyết Nga cười rạng rỡ khi thấy hai chúng tôi đến thăm: -  Đúng là đêm qua em mơ thấy ăn bánh bao có nhân (!) nên hôm nay được anh Tạo và anh Nam đến thăm. Cảm động quá…! - Vậy có gì mang ra chiêu đãi hai anh em tôi đi chứ! Anh Tạo vừa nói vừa cười trêu Nga. Tuyết Nga vui vẻ lăng xăng đến tội nghiệp. Nhìn em đi đi lại lại mà tôi không cầm lòng. Bởi em bị đau chân bẩm sinh. Vậy nhưng Tuyết Nga học hành rất giỏi. Năm nào ở phổ thông em cũng là học sinh giỏi văn của trường, tỉnh. Tốt nghiệp đại học là về Ty Văn hóa làm việc ở Hội văn nghệ.

 

… Không gian trưa hè nóng bức như không còn tồn tại nơi đây bởi tiếng cười lanh lảnh của Tuyết Nga tràn ngập căn phòng nhỏ bé mà giản dị…và vì được nghe anh Tạo nói “trạng” (Tiếu lâm). Tôi cũng phải phục anh Tạo vì cái tài nói “dóc” có số má này. Thảo hèn Tạo – đẹp trai đi đâu là các bóng hồng ngấp nghé đến đó! Chẳng bù cho tôi cứ ù ù cạc cạc rõ chân quê (Vậy mà cũng mang danh là “thằng Cửa Tiền” – tôi sinh ra bên dòng sông Cửa Tiền, thị xã Vinh vào một ngày tháng tám mưa to gió bão…Ba mẹ tôi kể lại)

 

Tuyết Nga đọc mấy bài thơ vừa mới sáng tác để anh Tạo bình phẩm (Cái khoản “khen và chê” này không phải là đất của tôi). Thơ của Tuyết Nga mang hơi thở cuộc sống bình dị nhưng cũng đầy trăn trở…và cũng có những bài rất lãng mạn. Ngồi im lặng ngắm em đọc thơ mà tôi cứ mong em có thật nhiều niềm vui che chở cho em…

 

Chúng tôi chuyện trời chuyện đất miên man đến mãi gần một giờ chiều mới chia tay. Tuyết Nga bịn rịn và chúng tôi hứa sẽ thi thoảng đến thăm em. Mới đó mà cũng đã ngót nghét 23 năm rồi anh Trọng Tạo và Tuyết Nga ơi!

 

“…Qua nửa đời phiêu dạt

Con lại về úp mặt vào sông quê

Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ…

Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn

…Ơi con sông quê! Con sông quê!

Sông còn nhớ chăng, nơi ta ngồi ngóng mẹ,

Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng

…Ơi con sông quê! Con sông quê!

Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Cùng một bến sông, con trâu đằm sông dưới,

bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn,

một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng,

một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng…”


…Tôi vừa lắc lư gõ phím những dòng chữ hồi tưởng nhỏ bé này, tai đeo phôn vừa ngâm nga theo giọng hát ngọt ngào của Anh Thơ qua “Khúc hát sông quê” từ trên trang web của anh Trọng Tạo giữa trời đêm ngoại ô Mátxcơva hôm nay, mà lòng cứ bâng khuâng nhớ về một miền quê nghèo xứ Nghệ với bao kỉ niệm nhớ thương ray rứt đến vô cùng…
 

(Đêm ngoại ô Mátxcơva, 17/11/2010. Thân tặng anh Nguyễn Trọng Tạo)
 

Võ Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm