Ngày Luật sư Việt Nam 10/10: Những buồn vui, trăn trở về nghề
(Dân trí) - Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, mỗi năm đến ngày này, ông lại lắng mình trong suy nghĩ, nghĩ về chặng đường hành nghề, những buồn vui những trăn trở về sự phát triển và vị thế nghề luật sư ở nước ta.
Ngày 10/10/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 46/SL quy định về việc duy trì tổ chức đoàn thể luật sư, song do chiến tranh và nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp một thời gian dài nên hoạt động hành nghề luật sư không như mong muốn. Mãi đến ngày 12/5/2009 Liên đoàn Luật sư mới được thành lập và các địa phương mới quan tâm thành lập các Đoàn luật sư của tỉnh (Trước đó luật sư chủ yếu ở đoàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo pháp lệnh luật sư năm 1987; Pháp lệnh luật sư năm 2001 và Luật luật sư năm 2006).
Bốn năm sau, vào ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam.
Nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp Trị và Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có những chia sẻ cởi mở cùng bạn đọc Dân trí về những góc khuất trong nghề.
Những buồn vui, trăn trở về nghề
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, mỗi năm đến ngày này, ông lại lắng mình trong suy nghĩ, nghĩ về chặng đường hành nghề, những buồn vui những trăn trở về cuộc sống, công việc, về nghề về đời, về sự phát triển và vị thế của nghề luật sư ở nước ta.
Hàng năm có hàng ngàn cử nhân luật tốt nghiệp và không ít trong số đó đi theo con đường trở thành luật sư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Luật sư Tiền cho rằng thực tiễn hành nghề của các luật sư cũng gặp không ít vướng mắc, ông chỉ ra 5 vấn đề sau.
Thứ nhất, đối với các trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài đòi hỏi trình độ ngoại ngữ thì luật sư Việt Nam còn hạn chế, nhiều trường hợp phải có người phiên dịch dẫn đến tốn kém chi phí và kéo dài thời gian tố tụng.
Thứ hai, số lượng luật sư hiện có so với dân số còn thấp, mất cân đối giữa các vùng miền. Thứ ba, phương pháp quản lý các tổ chức hành nghề luật sư đa dạng nhưng chưa có sự thống nhất. Thứ tư, là sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật, sự gia tăng số lượng luật sư cũng như việc phân bố không đều dẫn đến sự mâu thuẫn về lợi ích, tạo thành những rào cản vô hình cho việc hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân hành nghề luật.
Thứ năm, về việc bảo vệ luật sư và bảo vệ quyền hành nghề luật sư chưa thực sự hữu hiệu, trên thực tế có rất nhiều luật sư đành phải chấp nhận những rủi ro ngoài mong muốn, thậm chí còn bị đe dọa về tính mạng và sức khỏe.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, để khắc phục những vướng mắc trên cần có sự nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ luật sư khi tham gia hành nghề; cần có phương pháp điều hành chặt chẽ về cơ cấu tổ chức của văn phòng luật sư và công ty luật; cần nâng cao hiệu lực các quy định về cạnh tranh bình đẳng trong quá trình hành nghề; cần nâng cao năng lực quản trị tổ chức hành nghề luật sư, cần nâng cao tính tự quản, tính năng động sáng tạo của luật sư (Doanh nhân) trong sự quản lý của nhà nước, cần phải hoàn thiện các quy định pháp lý về chế độ bảo hiểm trách nhiệm luật sư đảm bảo không gây tổn hại đến danh dự, tính mạng, sức khỏe của luật sư. Và đặc biệt đối với mỗi cá nhân mong muốn theo đuổi con đường trở thành luật sư cần có tinh thần tự học, tự đào tạo, nắm vững các kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, và hơn hết cần nâng cao giá trị đạo đức.
Trải qua 77 năm hình thành, đội ngũ luật sư Việt Nam ngày nay đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trong những năm qua, hoạt động hành nghề luật sư đã có nhiều thành tích đáng khích lệ như: Tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật; Mở rộng các mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức pháp lý, tổ chức luật sư trong và ngoài nước; Đảm bảo cho việc tất cả các vụ án đều có luật sư bào chữa, minh oan cho một số vụ án oan sai, khôi phục lợi ích hợp pháp của người bị oan; ngoài ra còn tham gia đấu tranh bảo vệ công lý trong các vụ tranh chấp quốc tế…
Luật sư đã có những tiếng nói riêng mạnh mẽ thường xuyên có mặt trên mặt trận báo chí truyền hình, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, luôn có nhiều ý kiến góp ý kiến phản biện xã hội chất lượng.
"Nhân ngày truyền thống luật sư, một lần nữa tôi muốn nhắn nhủ những bạn trẻ có mong muốn theo đuổi con trường trở thành luật sư thì hãy kiên trì. Sự phát triển và thành công của nghề luật sư rất cần sự phấn đấu, nỗ lực đóng góp của các bạn trẻ.
Nghề luật sư không ai nói mạnh được, hãy tự tin và đào sâu từng lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Xin cảm ơn những người đã luôn yêu thương, tin tưởng tôi, cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời mà chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ có được nếu không làm luật sư.
Chúc các luật sư đồng nghiệp luôn mạnh khỏe (Luật sư không có khái niệm nghỉ hưu), trí tuệ để tiếp tục trên con đường bảo vệ công lý, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.
"Danh dự, uy tín phải được đánh đổi, đong đếm bằng trí tuệ, tâm huyết..."
Theo Luật sư Quách Thành Lực, Luật sư hành nghề người được sự coi trọng trong xã hội và có danh giá trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Tuy vậy, danh đó không chỉ là cái danh hão. Danh dự, uy tín phải được đánh đổi, đong đếm bằng trí tuệ, tâm huyết, sự dũng cảm, sẵn sàng dấn thân cho công bằng, lẽ phải.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay vai trò của luật sư đã được ghi nhận từ người dân, được sự tôn trọng đánh giá đúng đắn từ cơ quan, tổ chức. Tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu, cản trở hoạt động hành nghề luật sư đã trở thành cá biệt.
Sự chuyển biến nhận thức trên có kết quả từ hoạt động hành nghề nghiêm cẩn, chuẩn mực, tranh đấu của nhiều thế hệ luật sự đi trước. Để bảo vệ uy tín nghề nghiệp, duy trì sự tôn trọng của xã hội thì các lớp luật sư tiếp nối cần tiếp tục bảo vệ thành quả và nâng tầm ảnh hưởng nghề nghiệp thông qua việc cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho một xã hội thượng tôn pháp luật.
Trong một xã hội phát triển đa dạng, dân trí về pháp luật chưa thực sự cao, hệ thống quản lý hành chính, hoạt động tư pháp chưa thực sự chuẩn mực; có nhiều yếu tố tác động ngoài luật pháp đến sự nhận định đúng sai một sự kiện pháp lý. Điều này ngoài yếu tố bất lợi thì đó cũng là cơ hội tốt cho hoạt động nghề nghiệp của Luật sư.
Luật sư Lực trải lòng: trong hành nghề, chúng ta cần có thái độ tích cực, phối hợp với cơ quan chức năng nhưng vẫn đấu tranh đến tận cùng với hành vi sai trái, bảo vệ các quy định pháp luật. Với người dân chúng ta cần sự trung thực, không lợi dụng sự thiếu hiểu biết để tư lợi cá nhân, cũng không hạ thấp tự trọng nghề nghiệp để coi "khách hàng là thượng đế" mà đứng, ngồi, nói năng theo sai bảo. Nghề luật là một nghề khó trong xã hội- Người làm việc khó là người quan trọng, luôn được đánh giá cao.
Xin gửi lời chúc mừng ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam. Kính chúc sức khỏe, sự mẫn tiệp, trí tuệ, đạo đức luôn song hành cùng giới Luật sư để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho một xã hội thương tôn pháp luật, công bằng, văn minh, hạnh phúc.