Kiên Giang:
Ngân hàng MHB giải quyết vụ giám đốc xin nghỉ việc lại nhận quyết định hạ lương, giáng chức
(Dân trí) - Ngày 02/12, trao đổi với PV Dân trí, chị Cao Thanh Tâm - GĐ phòng giao dịch Rạch Gía, Ngân hàng phát tiển nhà ĐBSCL (MHB) Chi nhánh Kiên Giang cho biết, trong buổi hòa giải lần 2, phía ngân hàng MHB đã giải quyết cho chị nghỉ việc.
Theo chị Tâm cho biết, tại buổi làm việc lần 2 (ngày 28/11- ngày thực tế còn giấy mời hòa giải là ngày 24/11 - PV) đại diện phía ngân hàng MHB đã chấp nhận những yêu cầu của chị, cụ thể: Ngân hàng đã ra 01 quyết định thu hồi 02 quyết định hạ lương, giáng chức của chị Tâm; đồng thời ngân hàng MHB chi trả toàn bộ số tiền trong thời gian phía ngân hàng chậm ra quyết định cho chị Tâm nghỉ việc.
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, để đi đến thỏa thuận này, tại buổi hòa giải ngân hàng MHB đã buộc chị Tâm ký một biên bản cam kết không cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc cho báo chí.
Xung quanh vụ việc của mình, chị Tâm cho biết: “Do gia đình khó khăn, tôi định xin nghỉ việc để thu xếp công việc gia đình rồi tìm việc mới. Do vậy tôi cố gắng chịu đựng, chờ đợi ngân hàng MHB giải quyết theo đúng luật lao động nên không muốn đưa vụ việc lên báo chí. Vì làm như vậy, người ta nghĩ mình là một cán bộ “thích gây chuyện”… thì có ngân hàng nào dám nhận mình vào làm. Nhưng ngân hàng không tôn trọng luật lao động, xem nhẹ quyền lợi của tôi… nên tôi mới nhờ đến tòa án và báo chí can thiệp. Rất may, ngân hàng MHB kịp nhìn nhận ra vấn đề nên đã giải quyết những yêu cầu thỏa đáng cho tôi.”
Trước đó như Dân trí thông tin, tháng 10/2013, chị Cao Thanh Tâm - GĐ phòng giao dịch Rạch Giá, Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL Chi nhánh Kiên Giang đã làm đơn xin nghỉ việc. Thay vì nhận quyết định nghỉ việc, chị Tâm nhận quyết định hạ bậc lương và quyết định giáng chức thành nhân viên xử lí nợ.
Chị Tâm trình bày do hoàn cảnh gia đình, vào ngày 9/10/2013 chị Tâm làm đơn xin nghỉ việc gửi đến BGĐ ngân hàng MHB sau hơn 11 năm công tác tại đây. 43 ngày sau, ngày 21/11/2013, Ngân hàng MHB Kiên Giang ra quyết định yêu cầu chị Tâm bàn giao công việc, chờ làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.
Trong thời gian 45 ngày, Ngân hàng MHB Kiên Giang đã tổ chức đối chiếu và xác minh toàn bộ công nợ trong thời gian chị Tâm điều hành Phòng Giao dịch. Trong biên bản bàn giao cũng đã thể hiện đầy đủ các số liệu, nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Cụ thể nợ quá hạn 13.5%, trong đó nợ xấu là 1,06% (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức cho phép nợ xấu là 3%). Khi làm thủ tục bàn giao công việc, lãnh đạo ngân hàng cũng không có ý kiến gì.
Ngày 22/11/2013 chị Tâm đã bàn giao toàn bộ công việc cho người kế nhiệm dưới sự chứng kiến của Giám đốc Nguyễn Thiện Hải. Tuy nhiên, sau đó ngày 17/12/2013 ngân hàng không ra quyết định cho nghỉ việc theo nguyện vọng mà lại ban hành quyết định hạ bậc lương không lý do với ngạch 8, bậc 3, 480 điểm. Chưa dừng lại, ngày 24/04/2014 Giám đốc Ngân hàng MHB ban hành quyết định số 147 tiếp tục hạ lương chị Tâm xuống ngạch 5 bậc 1 - 350 điểm, đồng thời phân công công việc là nhân viên xử lý nợ.
Ngoài ra, cũng tại quyết định 147, MHB nêu ra lí do chưa thể chấm dứt hợp đồng với chị Tâm, vì ngân hàng MHB cho rằng chị Tâm phải có trách nhiệm xử lí nợ xấu, nợ quá hạn do chị Tâm đề xuất, phê duyệt các khoản cho vay trước đây.
Sau khi chị Tâm làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng thì đến tháng 6/2014 Giám đốc Ngân hàng mới ra quyết định cho nghỉ việc nhưng lại ghi chức danh là nhân viên xử lý nợ. Trong thời gian từ đầu năm 2014 đến ngày ra quyết định cho nghỉ việc, ngân hàng không trả lương hay bất kỳ khoản phụ cấp nào cho chị Tâm.
Được biết, sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Xin nghỉ việc, giám đốc lại nhận được quyết định hạ lương, giáng chức” có nhiều cán bộ của MHB ở miền Tây, miền Bắc gọi điện thoại đến "giãi bày" vì các nhân viên này cũng bị ngân hàng “giằng co” không cho nghỉ việc theo pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Hành