Nên nhìn nhận đúng về môn giáo dục công dân

(Dân trí) - Chúng ta đang chứng kiến sự xuống cấp về đạo đức, sự vi phạm pháp luật ngày càng tăng của lứa tuổi học trò. Đó có lẽ chủ yếu do ý thức, thái độ về đạo đức, pháp luật của các em chưa cao.

Trong khi, môn giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường phổ thông có nhiệm vụ trực tiếp giáo dục cho các em những điều này. Thế nhưng  không ít người đã xem môn GDCD là môn phụ, không cần thiết lắm (?).

 

Chương trình bậc THCS quy định môn GDCD ở mỗi lớp/1 năm học có: 35 tuần x 1 tiết/tuần =  35 tiết (bao gồm các tiết học lý thuyết, ôn tập, kiểm tra, thực hành hoạt động ngoại khoá). Theo chúng tôi là quá ít. Chẳng hạn như bài "Tôn sư trọng đạo" (lớp 7) được học trong một tiết. Chỉ trong thời gian quá ngắn ấy liệu có đủ cung cấp về mặt kiến thức? Chứ chưa nói đến việc hình thành ý thức, thái độ ứng xử. Trong khi việc chuyển từ kiến thức thành ý thức, thái độ là một quá trình lâu dài đòi hỏi phải có sự nỗ lực của học sinh dưới sự hướng dẫn, sửa sai của giáo viên, người lớn. Xét về lượng, vì thời gian ít nên nó là môn phụ (?).

 

Ở nhà trường, GV phải thực hiện đúng theo chương trình quy định nên chỉ "gói gọn" một nội dung lớn vào trong một hoặc hai tiết học ngắn ngủi. Để rồi các em ra trường thấy thầy cô giáo lại ngoảnh mặt làm ngơ khi vừa học xong bài "Tôn sư trọng đạo" (1 tiết, lớp 7); vừa ra đường đã đi hàng ba, hàng năm khi vừa học xong bài "Thực hiện trật tự an toàn giao thông" (2 tiết, lớp 6). Với yêu cầu "gói gọn" đó, vô tình môn GDCD trở thành môn không cần thiết lắm (?).

 

Ở gia đình, không ít phụ huynh học sinh đã khuyên bảo các em là nên đầu tư vào các môn chính (Toán, Lý, Hoá,...) chứ không nên đầu tư nhiều vào các môn phụ (Công nghệ, GDCD...). Con cái vâng lời cha mẹ. Nhưng các bậc phụ huynh ấy có biết đâu rằng "vâng lời cha mẹ" là một phẩm chất đạo đức trong môn GDCD. Phải chăng đã có sự mâu thuẫn cần giải quyết!

 

Học sinh phải học theo quy định của chương trình, theo sự giảng dạy "gói gọn" của GV, vâng lời cha mẹ, vô tình các em đã xem môn GDCD là môn phụ. Khi được hỏi có "sợ" môn GDCD không thì các em bảo là không sợ vì nó là môn phụ, cứ học thuộc lòng vài dòng thầy cho ghi trong vở là có thể có điểm khá giỏi rồi. Từ suy nghĩ dẫn đến hành động không chú tâm đến môn GDCD, không chú tâm thì không hình thành được ý thức, thái độ ứng xử phù hợp. Vì vậy, việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật lại càng tiếp diễn.

 

Nên chăng, chương trình GDCD cần tăng thêm thời lượng; phòng giáo dục, nhà trường và cơ quan đoàn thể địa phương tạo điều kiện hơn nữa để hoạt động ngoại khoá GDCD của học sinh được tốt hơn. (Ở Singapone, trường Northlight dành cho học sinh yếu kém 50% chương trình cho môn GDCD (KH&DT ngày 18/01/2007). Ở nước ta không có học sinh yếu kém sao? Tại sao chúng ta không đi trước một bước để không cần thiết phải hình thành một "Northlight Việt Nam" trong tương lai).

Mong rằng các lực lượng giáo dục và mọi người nên nhìn thật đúng vị trí, vai trò của môn GDCD trong nhà trường đối với việc hình thành kiến thức, ý thức, thái độ cho học sinh về đạo đức, pháp luật.

 

Phạm Quốc Tuấn

(Đội 3, Nam Phước, Phổ Vinh, Đức Phổ, Quảng Ngãi)