Nền giáo dục chạy theo “thành tích”?

Tình trạng “chạy theo thành tích” không chỉ thể hiện ở giáo dục phổ thông, mà còn bộc lộ có phần mạnh mẽ hơn ở bậc đại học, cao đẳng.

Gần đây, những thông tin từ bài báo: “Nền giáo dục thành tích làm vấn đề đạo đức xã hội trầm trọng hơn” đăng trên NNVN (7-6-2010) đã được dư luận quan tâm. Đó là bài báo ghi lại lời phát biểu của 2 đại biểu quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) và Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận).

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đọc được bài báo, tôi rất hoan nghênh, và bày tỏ ngay những bức xúc bấy lâu về tình trạng sút giảm của GD& ĐT nước nhà. Tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh khi đại biểu đặt câu hỏi hoài nghi: “.. phải chăng Chính phủ mong muốn ngành giáo dục phấn đấu để chạy theo thành tích, phấn đấu để đạt 200 sinh viên/1vạn dân vào năm 2010?”. Phải công nhận với nhau rằng, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang chạy theo thành tích. Nếu không chạy theo thành tích thì làm sao chỉ trong thời gian 11 năm từ 1998 đến 2009 đã có 304 trường ĐH - CĐ được thành lập và năm học 2008-2009 tổng quy mô đào tạo ĐH,CĐ là 1.719.499 sinh viên, tăng gấp 13 lần so với năm 1987? Và, nếu không chạy theo thành tích thì làm sao tỷ lệ sinh viên/số dân (1 vạn dân) năm 1997 mới 80, năm 2009 đã lên 197, gấp 2,44 (số liệu này lấy theo báo Nhân Dân số ra ngày 13/6/2010)? Quả là những con số đáng kinh ngạc. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trên thế giới chưa có một quốc gia nào có tốc độ giáo dục tăng nhanh như vậy. Ngày xưa một gia đình, một làng có một cậu học trò đậu ĐH, CĐ đã là chuyện trọng đại; ngày nay một gia đình 2-3 con học ĐH, một làng có mươi người học ĐH đã là chuyện không hiếm. Có thể nói không sai rằng ĐH, CĐ đang mở cửa cho tất cả mọi học sinh tốt nghiệp THPT, dĩ nhiên ở đây có những trường chất lượng đào tạo cao, nhưng cũng có những trường chỉ cần có tiền nộp đủ là được học.

Nguy hiểm của nạn giáo dục ĐH, CĐ hiện nay là đào tạo tràn lan, số lượng trường không đi đôi với chất lượng đào tạo (chỉ tính riêng số giảng viên, từ năm 1987 đến năm 2009 tăng 3 lần, trong lúc số sinh viên tăng 13 lần). Không chỉ dừng ở đó, đào tạo tràn lan còn chứng tỏ một điều là mối quan hệ giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng của xã hội là mối quan hệ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, đào tạo thì cứ đào tạo, việc nhu cầu xã hội thì phận ai nấy lo. Tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm ngày càng tăng, một bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi ra trường đã không làm đúng nghề nghiệp theo chuyên môn đào tạo, hoặc lao động chân tay, bỏ phí kiến thức học được. Quả đúng như lời đại biểu Ngô Thị Minh “Việc chạy theo thành tích ấy đã gây ra hậu quả là chất lượng đào tạo giảm sút và đa số thanh niên đang phải gánh chịu”.

Đào tạo tràn lan còn dẫn đến tình trạng đánh đồng trình độ, năng lực của các sinh viên, bởi tất cả các sinh viên đều có cùng một bằng cấp (cử nhân), cùng một thời gian đào tạo. Tôi cho rằng điều này rất nguy hiểm, bất cập trong tuyển dụng (lối tuyển dụng không căn cứ chủ yếu vào năng lực thực tiễn), không tận dụng được nhân lực, bỏ phí những người tâm huyết, gây sự thiệt thòi, gây hoài nghi trong xã hội. Mà, đối tượng chịu thiệt thòi nhất, chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong vấn đề này là người nông dân và con em của họ. Một gia đình nông dân phải cố gắng rất lớn mới nuôi nổi một người con học đại học. Con em nông dân đi học cũng hết sức khốn khổ. Họ thiếu mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ học tập, nhưng đa phần họ là những học trò cố gắng, học bằng năng lực thực sự, bởi đó là con đường duy nhất giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh (khác với các đối tượng khác). Nhưng, ra trường, họ không có việc làm, không đủ sức cạnh tranh đối với những cô chiêu, cậu ấm (nhất là trong vấn đề cạnh tranh vào công tác tại cơ quan nhà nước). Tôi cho rằng đây là biểu hiện của sự phân hoá giàu nghèo, và về lâu dài tình trạng phân hoá này càng trầm trọng, kinh tế càng đi lên sự phân hoá càng không thể giải quyết vì có nhiều mối ràng buộc. Nhìn về bản chất, thì đó là do kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, lối tiêu thụ vật chất đang tác động, chi phối mạnh mẽ lên mọi mặt. Hãy đặt một giả thiết, mọi người, nhất là những ông thầy, những nhà quản lí làm đúng lương tâm của mình, không tham lam, luôn trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp,… thì có lẽ giáo dục Việt Nam vẫn xứng với truyền thống lịch sử.

Nói về thực trạng giáo dục đào tạo tràn lan, Báo Nhân Dân số ra ngày 13/6/2010, trích lời của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh tỉnh Ninh Thuận: “tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay các trung tâm giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục và đào tạo, các trường cao đẳng, trường chính trị, trường dạy nghề, kể cả trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đoàn thể đều được phép liên kết với các trường đại học để tổ chức các cơ sở giáo dục đại học tại chức rất dễ dàng, thu hút số lượng khá lớn các học viên theo học. Các cơ sở đào tạo này không theo một tiêu chuẩn nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp… Việc tổ chức thi tốt nghiệp hết sức sơ sài, dễ dàng, và tỉ lệ tốt nghiệp phổ biến là 100%”.

Đây là một vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội. Đáng lưu ý hơn đây là “hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận”, giáo dục chạy theo bằng cấp (học giả bằng thật) còn leo thang sang cả lĩnh vực đào tạo sau đại học. Ngày xưa nếu một sinh viên tốt nghiệp đại học lọai giỏi, thật sự có năng lực, thì mới  được đào tạo tiếp bậc sau đại học, còn ngày nay gần như quá dễ dàng tham dự đào tạo thạc sĩ. Quan tâm trước tiên là “tiền đâu”, còn không cần băn khoăn “trình độ ở đâu để học”. Bởi, có cao học tập trung, chính quy, có cao học tại các trung tâm liên kết, không tập trung, không khó để lựa chọn nơi học thích hợp với trình độ, miễn là có tiền. Vậy kết quả sẽ thế nào? Mọi người ai ai cũng đàng hoàng nhận học vị thạc sĩ. Có thể cả xã hội biết chất lượng giáo dục có phân hoá giữa người được đào tạo chính quy và người không được đào tạo chính quy, nhưng Nhà nước đã có cách gì để phân biệt? Có thể phân biệt được giữa một học viên cặm cụi học tập, nghiên cứu, viết được hàng chục bài báo cho các tạp chí, hoàn thành luận văn loại giỏi với một học viên làng nhàng nhưng cũng hoàn thành khoá học, nếu chỉ nhìn vào hai chữ “thạc sĩ” ghi ở danh mục hồ sơ? Nhà nước có lúc nào nghĩ đến cần phải phân biệt và đối xử (tương xứng với chế độ) với những người khác nhau này không hay là cũng … “bánh đúc một mẹt”? Chính vì vậy mà vô số kẻ đầu cơ, lợi dụng các trung tâm liên kết để “chuẩn hoá”, “nâng cao trình độ” của mình, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiến thân. (Tôi cũng cung cấp thêm một ý nhỏ thế này: chẳng biết tại sao lại chỉ có ở Việt Nam mới có các GS, PGS không tham gia giảng dạy, không tham gia các trung tâm nghiên cứu). Nếu tình trạng này kéo dài thì bản chất thực sự của giáo dục sẽ bị đi ngược lại. Không ít người nhận định  rằng, chưa bao giờ GD&ĐT xuống cấp đến vậy, bởi mọi bằng cấp đều có thể dùng tiền để mua được dưới nhiều hình thức và cũng có thể dùng tiền để mua được chỗ làm việc béo bở.

Chính phủ phải làm gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm gì để ngăn chặn thực trạng và những hệ luỵ đáng buồn này? Nếu không, hậu quả, trên mọi mặt, càng về sau càng không lường trước được.

 

Ths. Nguyễn Mạnh Hà

Văn phòng tổng hợp – Huyện uỷ Thạch Hà – Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí- Qua thực tế mắt thấy tai nghe, mọi người có lương tri đều trăn trở vì nền giáo dục của chúng ta đang chạy theo số lượng, mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng. Chính vì vậy mà đại học, cao đẳng tăng lên thật nhanh, hòan tòan không tương xứng với đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất cần thiết bảo đảm cho chất lượng đào tạo. Việc đào tạo sau đại học cũng đang trong tình trạng buông lỏng, không bảo đảm chất lượng chuẩn mực cần thiết.

Hệ lụy của tình trạng này, bài viết trên đã nêu lên khá rõ. Các cấp lãnh đạo và quản lý ngành giáo dục cũng đã thấy rõ mặt trái của tình trạng phát triển ồ ạt đại học và cao đẳng, đã đề ra kế họach chấn chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng.

Tuy nhiên, giữa nói và làm, giữa kế hoạch và thực hiện thường còn khoảng cách khá xa. Thực tế cuộc vận động “hai không” trong ngành giáo dục đã cho thấy rõ điều đó.

Bao giờ nền giáo dục nước ta mới hết chạy theo thành tích, mới đạt tới những mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế và đáp ứng đúng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước nhà? Trả lời câu hỏi này, trước hết thuộc về trách nhiệm thuộc của những người có nhiệm vụ quản lý ở tầm vĩ mô của ngành giáo dục-đào tạo.

       

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm