Muôn kiểu phòng chống dịch "trong lỏng, ngoài chặt" tại các khu dân cư

Khả Vân

(Dân trí) - Ở một số vùng xanh không cho shipper vào, nhưng người lạ vẫn qua lại trong ngõ mà không bị hỏi han kiểm tra. Chính cách quản lý lỏng lẻo này khiến nguy cơ F0 lọt vào các khu dân cư là rất lớn.

Ngày 25/8, trong chuyến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ rõ những "lỗ hổng" rất nguy hiểm: đó là tình trạng người dân vô tư đi lại trong khu phong tỏa.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: "Ổ dịch tại Thanh Xuân Trung hiện nay là điển hình của tình trạng "ngoài xanh, trong đỏ", "trong lỏng, ngoài chặt" dẫn đến dịch lây nhiễm rất rộng và phức tạp".

Cũng theo PGS Hùng, chỉ số lây nhiễm cao - trung bình một F0 làm lây nhiễm thứ phát cho 10 - 15 người khác trong cùng khu vực - được ghi nhận ở một số vụ dịch gần đây trên địa bàn, cũng đã cho thấy "trong lỏng, ngoài chặt" không phải là tình trạng của riêng vụ dịch ở Thanh Xuân Trung.

"Trong lỏng ngoài chặt tức là chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt ở đầu mỗi ngõ phố, mỗi khu chung cư, tòa nhà nhưng ở bên trong thì vẫn còn lỏng lẻo, người dân vẫn tụ tập, chơi đùa thì chắc chắn không thể "an toàn" được", PGS Hùng phân tích.

Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp một số nơi dựng mỗi thanh chắn và treo biển "Vùng xanh an toàn", nhưng lại không kiểm soát chặt người ra vào, đặc biệt là với những người đi chợ, mua sắm ở siêu thị, thậm chí là thực hiện lén lút các dịch vụ không cho phép trong thời gian giãn cách như buôn bán, cắt tóc, gội đầu...

Muôn kiểu phòng chống dịch trong lỏng, ngoài chặt tại các khu dân cư - 1

"Trong lỏng, ngoài chặt" không phải là tình trạng của riêng vụ dịch ở Thanh Xuân Trung (Ảnh minh họa).

Như được "giải tỏa" nỗi bức xúc, gửi quan điểm cá nhân về Dân trí qua những dòng comment, nhiều bạn đọc chỉ rõ những tồn tại của thực trạng này tại địa phương nơi mình sinh sống. Là những người/hộ gia đình thực hiện rất nghiêm quy định giãn cách xã hội, những độc giả này hết sức lo lắng bởi dù 99 người/hộ thực hiện nghiêm nhưng chỉ cần một người/hộ không có ý thức là công sức của cả một tập thể sẽ bị hủy hoại.

Bạn đọc Uyen To cho rằng, thành phố cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với cư dân chung cư hoặc cư dân trong từng tổ dân phố, con phố nhỏ bởi: "Như chung cư tôi ở hiện nay vẫn nhiều người đang bán hàng, giao hàng. Cư dân ở ngoài không biết làm sao mà vẫn có thể vào trong để giao hàng được. Tôi không biết vậy có được không? Nếu được thì không biết đến khi nào mới tách được F0?".

Cùng quan điểm việc này, bạn đọc Thu Quý cho biết: "Nhà tôi ở trong khu phố nhỏ, thuộc một phường trung tâm của quận Hà Đông, thuộc diện "vùng xanh" và đầu ngõ nhà tôi cũng như nhiều ngõ khác đều có chốt kiểm soát của lực lượng chức năng. Tuy nhiên tôi thấy những chốt này có cũng như không bởi: Người ra, vào khu đều được đi thoải mái, người trực chốt chỉ hỏi anh/chị ở đâu cho có, không hề kiểm tra giấy tờ như quy định. Người ship hàng, xe tải chở hàng vô tư vào "đổ" hàng, người dân khắp nơi đến mua hàng tại một số hộ kinh doanh tại nhà trong khu…

Sau khi phản ánh với tổ dân phố và công an khu vực thì không hiểu sao, một số hộ kinh doanh này lại quay sang… gây gổ với gia đình tôi. Họ cho rằng tôi phá việc kinh doanh của họ và việc kinh doanh của họ không gây ảnh hưởng gì đến ai. Vậy có ai bao che/chống lưng cho họ thoải mái kinh doanh tại khu dân cư trong vùng xanh này không? Nếu lọt 1-2 ca F0 là khách hàng của họ vào khu dân cư này thì lúc đó ai sẽ phải gánh hậu quả? Là người dân hay chính quyền địa phương?".

"Tôi đi chợ thấy chợ rất đông, siêu thị cũng đông, không cần giấy đi chợ đi lại trong phường đến các siêu thị rất thoải mái chỉ cần ghi tên, một số siêu thị không đủ giãn cách vẫn đi lại bình thường. Ở vùng xanh một số điểm chỉ không cho shipper vào, chứ người lạ vẫn đi qua lại trong ngõ mà không bị hỏi han kiểm tra. Chính cách quản lý lỏng lẻo này khiến nguy cơ F0 lọt vào khu dân cư là rất lớn. Trong khi đặc điểm của hầu hết các khu phố, khu dân cư là ngõ nhỏ, các hộ dân ở san sát nhau, nguy cơ bùng dịch như quận Thanh Xuân rất dễ xảy ra", bạn đọc Hải Linh cho biết.

Muôn kiểu phòng chống dịch trong lỏng, ngoài chặt tại các khu dân cư - 2

Để làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh, chính quyền cơ sở (phường, xã), tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò rất quan trọng (Ảnh minh họa).

"Đây là tình trạng giống phường tôi đang sinh sống. Vùng xanh chỗ làm chặt chỗ làm lỏng, người dân đi siêu thị và chợ rất đông, không đảm bảo giãn cách. Tôi còn thấy các bà đi chợ về cởi khẩu trang ngồi tâm sự ở ghế đá mà công an ngồi gần đó cũng không có can thiệp nhắc nhở.

Trong khi vai trò của Cảnh sát khu vực trong việc này là rất lớn, họ nắm được gần như toàn bộ sinh hoạt của nhân dân. Vậy nên cần tăng cường vai trò giám sát của cảnh sát khu vực trong việc kiểm soát thực hiện giãn cách", bạn đọc Đăng Nguyên bày tỏ quan điểm.

"Bài học ở TPHCM hãy còn nguyên, cứ nhìn trên ti vi, trên báo thì tưởng ở đó đang giãn cách phong tỏa rất tốt vì ngoài đường vắng người. Nhưng lực lượng chức năng đâu có đi vào các ngõ hẻm mà kiểm tra nên đâu biết người dẫn vẫn sinh hoạt như bình thường, vẫn sang nhà nhau chơi vẫn tụ tập nhậu nhẹt. Và kết quả là như bây giờ thê thảm thế nào ai cũng biết. Không làm nghiêm, làm thực chất sẽ phải trả giá đó Hà Nội ơi", bạn đọc Hải Trung.

Bạn đọc Nguyễn Thông cho rằng: "Với số liệu: Chỉ sau 5 ngày bùng dịch, đã có hơn 100 F0 được phát hiện tại phường Thanh Xuân Trung, tập trung tại ngõ 328 và ngõ 330 Nguyễn Trãi. Ai cũng có thể đã hiểu nguyên nhân là do nơi đây chưa thực hiện giãn cách thực chất, chật kiểu gì thì kiểu nhưng cách ly nhà với nhà mà có 3-4 nguồn lây thì số ca nhiễm cũng chỉ đến 20 ca là cùng.

Vì vậy, Hà Nội nên làm chặt chẽ hơn và đặc biệt làm cho người dân nêu cao ý thức phòng chống dịch. Mỗi nhà, mỗi người, mỗi cơ quan nên là một pháo đài và cũng nên quy định rõ, ai lây nhiễm do ý thức kém, chấp hành quy định không tốt, khi nhiễm bệnh phải chịu hoàn toàn chi phí chữa cho bản thân cũng như những người mà họ làm lây nhiễm".

Chia sẻ cách làm hiệu quả của Hải Phòng, bạn đọc Phạm Linh viết: "Tôi ở Hải Phòng - thành phố có treo giải ai gọi báo trường hợp vi phạm (mà báo đúng) sẽ được thưởng một triệu đồng. Nhờ vậy mà phát hiện được nhiều trường hợp vi phạm, xử lý kịp thời".

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!