Muốn đón con nhỏ từ tỉnh, thành khác vào TPHCM cần thủ tục gì?
(Dân trí) - TPHCM sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài cùng những trường hợp cấp thiết khác.
Từ sau ngày 30/9, TPHCM đã từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Song song với việc quay trở lại làm việc, học tập, sinh sống, nhu cầu đi lại của người dân thành phố cũng tăng cao, đặc biệt là di chuyển liên tỉnh.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu cấp thiết di chuyển giữa TPHCM đến các tỉnh, thành phố và ngược lại, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi chính quyền các địa phương bạn về việc phối hợp, hỗ trợ người dân có nhu cầu lưu thông trong trường hợp cấp thiết. Theo phương án của thành phố, những nhu cầu đưa đón con nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh hiểm nghèo... đã được tính đến.
Cần sự cho phép của cơ quan chức năng
Theo phương án của TPHCM, trong trường hợp người dân cần di chuyển từ địa bàn đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác và chiều ngược lại đều cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Các hoạt động đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài cùng những trường hợp cấp thiết đều được tạo điều kiện.
Cụ thể, người đi từ TPHCM đến các tỉnh, thành khác cần được sự cho phép của văn phòng UBND địa phương là nơi đến, hoặc văn bản của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.
Những điều kiện để di chuyển ra khỏi TPHCM là đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 ít nhất một mũi sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian 6 tháng trở lại. Người di chuyển cần có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định.
Ngoài ra, người rời khỏi thành phố cần có giấy tờ liên quan như thư mời, giấy hẹn...
Bên cạnh các loại hình vận tải hành khách, người dân có thể đi bằng ô tô cá nhân, tuy nhiên, phải đáp ứng quy tắc 5K trong suốt quá trình di chuyển.
Người từ các địa phương khác đến thành phố cần được UBND tỉnh, thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận. Người đến thành phố chỉ cần đáp ứng việc có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực và tuân thủ quy tắc 5K suốt thời gian di chuyển.
Người lao động được chạy xe máy liên tỉnh
Theo phương án được TPHCM gửi đến 4 tỉnh, thành giáp ranh gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, thành phố đề nghị các địa phương cùng hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn. Từ ngày 4/10, người lao động di chuyển từ 4 tỉnh, thành trên sẽ được TPHCM tổ chức vận chuyển hoặc tạo điều kiện thuận lợi nhất để quay lại làm việc, sản xuất.
Đối với người lao động, chuyên gia từ các tỉnh, thành trên về TPHCM làm việc, thành phố đề nghị người di chuyển cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 âm tính.
Các phương tiện vận chuyển người lao động cần tuân thủ các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của TPHCM. Những đơn vị có nhu cầu gửi phương án vận chuyển đến cơ quan đầu mối là UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ban quản lý dự án, tổng công ty. Đơn vị đầu mối sẽ tổng hợp gửi Sở GTVT TPHCM để xem xét, tổ chức triển khai.
Ngoài ra, người lao động tự di chuyển bằng xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) cũng cần tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 âm tính.
Người tham gia lưu thông phải dùng mã QR khai báo di chuyển trên ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có mã QR, người lao động có thể sử dụng các giấy tờ chứng nhận liên quan đến việc tiêm vaccine Covid-19, chứng minh đã khỏi Covid-19.