Bạc Liêu:
Mượn đất của dân, 17 năm sau tuyên bố không trả: "Vừa thất hứa với dân, vừa phạm luật"
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Chính quyền lập biên bản mượn đất của dân, 17 năm sau tuyên bố không trả” xảy ra tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), Luật sư Hồ Nguyên Lễ nêu quan điểm: “Người dân đã cho chính quyền địa phương mượn đất nhưng nay không trả lại, mà còn nại ra lý do phần đất thuộc Nhà nước quản lý chưa xác định kỹ nên làm biên bản nhầm là không thỏa đáng, là không tôn trọng và nói ngược với những gì đã hứa với dân”.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, nguồn gốc 480m2 đất ông Lê Hưởng quản lý sử dụng là do ông Bùi Văn Rẹt khai hoang sử dụng từ năm 1977. Sau đó, đất được chuyển giao cho Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Gành Hào quản lý. Đến năm 1989, xí nghiệp bị giải thể nên ông Rẹt đã tiếp tục bàn giao cho ông Hưởng quản lý sử dụng, mặc dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ.
Theo Luật sư Lễ, việc quản lý 480m2 đất của ông Lê Hưởng không có ai tranh chấp, chính quyền cũng không có ý kiến bởi người dân địa phương cũng như chính quyền đều muốn đất được khai thác sử dụng làm lợi cho địa phương theo như quy định của Luật Đất đai năm 1987, tại Điều 2: "Nhà nước khuyến khích đầu tư lao động, vật tư ... vào việc khai hoang, vỡ hóa... nâng cao hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất... để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối".
Do đó, việc ông Lê Hưởng tiếp tục quản lý khai thác 480m2 đất do ông Rẹt khai hoang làm muối là phù hợp và đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 18 của Luật Đất đai năm 1987: “Khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép chuyển quyền sử dụng, thay đổi mục đích sử dụng hoặc đang sử dụng đất hợp pháp mà chưa đăng ký thì người sử dụng phải xin đăng ký đất đai tại cơ quan Nhà nước. Sau khi đăng ký, người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Vì vậy, khi UBND thị trấn Gành Hào có kế hoạch di dời 6 hộ dân trong khu vực trường cấp IB để xây dựng phòng học và bố trí chỗ ở cho 6 hộ dân thì ngày 27/4/1999, UBND thị trấn Gành Hào chủ động bàn bạc với ông Lê Hưởng về việc mượn đất của dân đang sử dụng để 2 bên lập biên bản “về việc mượn đất” là phù hợp theo quy định pháp luật.
Bởi lẽ, ông Lê Hưởng sử dụng đất ổn định từ năm 1989 đến năm 1999 là đối tượng đủ điều kiện được Nhà nước giao đất theo quy định tại Điều 22, Luật Đất đai năm 1993 và sửa đổi bổ sung năm 1998: "Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận, sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối trong hạn mức đất được Nhà nước giao".
“Mặt khác, 480m2 đất của ông Lê Hưởng cũng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất theo Điều 26 và 27 của Luật Đất đai năm 1993 hoặc nếu có thu hồi vì vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất cũng được đền bù thiệt hại”, Luật sư Lễ nêu rõ.
Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ, nếu việc UBND thị trấn Gành Hào là bên mượn đất của dân, việc mượn đất để tạm thời bố trí chỗ ở cho người bị di dời thì sau khi công việc xây dựng hoàn thành thì cần trả lại đất cho dân là phù hợp với thông lệ “có mượn, có trả” và theo đúng quy định của Bộ Luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực vào thời điểm năm 1999 tại Điều 515 Hợp đồng mượn tài sản: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Do đó, vào các ngày 26/1/2016 và 16/3/2017, UBND huyện Đông Hải ban hành các văn bản trả lời đơn yêu cầu của ông Lê Hưởng, với nội dung: “Không thừa nhận biên bản lập ngày 27/4/1999 về việc mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào; Không thừa nhận yêu cầu bồi thường 480m2 đất của ông Lê Hưởng” là không phù hợp quy định pháp luật như đã nêu trên.
“Mặt khác, đó là hành vi không tôn trọng những việc làm trước đây của lãnh đạo chính quyền địa phương khi có hành động hợp pháp với dân khi cùng dân thỏa thuận việc mượn đất là đúng quy định pháp luật”, Luật sư Lễ nêu quan điểm.
Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa cho rằng, hơn 17 năm qua, ông Lê Hưởng không thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của người sử dụng đất vì đã cho chính quyền địa phương mượn đất. Tuy nhiên, nay chính quyền địa phương không trả lại cho dân mà còn nại ra lý do “phần đất thuộc Nhà nước quản lý chưa xác định kỹ nên làm biên bản nhầm và biên bản được lập ngày 27/4/1999 là không phù hợp” là không thỏa đáng, là nói ngược với những gì đã hứa với dân khi mượn đất.
“Ông Lê Hưởng không phải là đối tượng phải bị quản lý và cải tạo trưng dụng, tịch thu đất nên việc ông Hưởng yêu cầu được trả lại đất hoặc bồi thường thiệt hại giá trị quyền sử dụng đất trong 17 năm qua là hợp tình, hợp lý”, Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh.
Như Dân trí đã phản ánh, trước năm 1977, gia đình ông Bùi Văn Rẹt có khai phá sử dụng một diện tích đất khoảng 1.170m2 để làm muối. Đến năm 1979, tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) động viên các hộ dân “hiến” phần đất để thành lập Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Gành Hào (trong đó có đất của ông Rẹt).
Vào năm 1989, do cơ chế không phù hợp tình hình thực tế nên Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Gành Hào bị giải thể. Trong đó có diện tích đất được xây dựng một số hạng mục phục vụ cho hoạt động Xí nghiệp, một số diện tích đất trong quy hoạch vẫn còn để trống không sử dụng (trong đó có phần đất của ông Rẹt).
Sau khi Xí nghiệp bị giải thể, một số hộ dân là chủ cũ tận dụng đất còn trống để ở. Phần đất khoảng 480m2 của ông Bùi Văn Rẹt được ông Lê Hưởng sử dụng. Đến năm 1993, ông Rẹt làm giấy ủy quyền chính thức để lại phần đất này cho ông Hưởng.
Đến năm 1999, do cần đất để xây dựng trường học và bố trí chỗ ở cho một số hộ dân nên UBND thị trấn Gành Hào lấy phần đất 480m2 của ông Lê Hưởng. Ngày 27/4/1999, UBND thị trấn Gành Hào lập biên bản “về việc mượn đất tư nhân làm quỹ đất UBND thị trấn Gành Hào để di dời 6 hộ dân trong khu vực trường cấp IB để xây dựng phòng học”.
Trong biên bản nêu rõ: “Căn cứ cuộc họp Ban chấp hành ngày 27/3/1999 bàn và thống nhất: Do nhu cầu xây dựng 6 phòng học trường cấp IB, hiện nay phải di dời 6 hộ đang ở trong khu vực chuẩn bị xây dựng phải giải tỏa. Để ổn định cho tiến độ thi công công trình được tốt, nay UBND thị trấn Gành Hào tạm mượn thửa đất của ông Lê Hưởng tọa lạc tại khu vực IV, diện tích ngang 20m, dài 24m (tổng 480m2) nằm ở phía Đông Nam khu vực trường cấp IB. Sau này UBND thị trấn Gành Hào sẽ tạo điều kiện đền bù hoặc hoán đổi trả lại mặt bằng hoặc giá trị tương đương cho ông Lê Hưởng”. Biên bản do ông Phạm Văn Minh (Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào), ông Lê Sỹ Trọng Bằng (Chánh văn phòng Đảng ủy), ông Nguyễn Ngọc Thuận (Cán bộ địa chính) và ông Lê Hưởng cùng ký tên xác nhận.
Tuy nhiên, kể từ khi mượn đất cho đến nay đã hơn 17 năm, nhưng ông Lê Hưởng chưa nhận được bất cứ sự đền bù hay hoán đổi mặt bằng nào như trong biên bản đã được lập. Trước thiệt thòi của mình, ông Lê Hưởng có đơn yêu cầu gửi đến UBND thị trấn Gành Hào, UBND huyện Đông Hải đề nghị xem xét giải quyết bồi thường phần đất 480m2 mà UBND thị trấn Gành Hào đã mượn của ông từ năm 1999.
Ngày 26/1/2016, ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải mới ký văn bản trả lời đơn yêu cầu của ông Lê Hưởng, với nội dung: “Không thừa nhận biên bản lập ngày 27/4/1999 về việc mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào; Không thừa nhận yêu cầu bồi thường 480m2 đất của ông Lê Hưởng”.
UBND huyện Đông Hải cho rằng, phần đất 480m2 là quỹ đất do Nhà nước quản lý, trong quá trình ông Lê Hưởng sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và Nhà nước không thừa nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Hưởng trên phần đất này nên UBND thị trấn Gành Hào tự ý lập biên ngày 24/7/1999 mượn đất của ông Lê Hưởng là trái quy định pháp luật. Và yêu cầu bồi thường của ông Lê Hưởng là không đủ điều kiện giải quyết. UBND huyện chỉ chấp thuận hỗ trợ công thành quả lao động phần đất cho ông Lê Hưởng 62,4 triệu đồng.
Đến ngày 16/3/2017, UBND huyện Đông Hải tiếp tục có Quyết định số 1037 (do ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện ký) về việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường phần đất mà UBND thị trấn Gành Hào đã mượn của ông Lê Hưởng. Trong quyết định này, UBND huyện Đông Hải xác định, việc UBND thị trấn Gành Hào lập biên bản ngày 27/4/1999 mượn đất của ông Lê Hưởng là trái quy định pháp luật về đất đai, nên biên bản không có giá trị pháp lý.
Mặc dù xác định hành vi nêu trên của UBND thị trấn Gành Hào là sai, nhưng UBND huyện Đông Hải vẫn “quyết tâm” bác đơn khiếu nại với lý do yêu cầu của ông Lê Hưởng là không đủ cơ sở để giải quyết.
Trong khi đó, ông Lê Hưởng cho biết, việc UBND huyện Đông Hải cho rằng ông tự chiếm đất nên không bồi thường là không thỏa đáng. Ông Hưởng khẳng định, phần đất 480m2 là đất gốc của ông Bùi Văn Rẹt đã ủy quyền cho lại ông. Từ cơ sở đó nên UBND thị trấn Gành Hào mới lập biên bản mượn phần đất này của ông. “Hộ gia đình tôi và các hộ lân cận cũng giống nhau về hình thức thì tại sao tôi không được giải quyết. Các hộ lân cận thì được giải quyết bồi thường thỏa đáng, thậm chí còn được cấp quyền sử dụng đất không thu tiền”, ông Hưởng bức xúc.
Qua sự việc, nhiều vấn đề “tréo ngoe” ở đây là trong khi biên bản mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào có nêu rõ căn cứ cuộc họp Ban chấp hành ngày 27/3/1999, còn UBND huyện Đông Hải lại cho rằng trong cuộc họp tháng 3/1999 của UBND thị trấn Gành Hào lại không bàn gì việc đổi đất với ông Lê Hưởng và trong các kỳ họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Gành Hào chưa lần nào chỉ đạo mượn đất hoặc thỏa thuận với ông Hưởng để đổi đất (?!).
Một vấn đề đặt ra nữa là ông Phạm Văn Minh (Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào thời điểm ký biên bản năm 1999) khi làm việc với UBND huyện Đông Hải thì lý giải “do phần đất thuộc Nhà nước quản lý chưa xác định kỹ nên làm biên bản nhầm” và biên bản được lập do chính ông ký là không phù hợp. Trong khi đó, UBND huyện Đông Hải cho rằng, biên bản ngày 24/7/1999 của UBND thị trấn Gành Hào là trái quy định pháp luật nên biên bản không có giá trị pháp lý. Vậy nhưng trách nhiệm của những cán bộ đã ký biên bản thì vẫn chưa thấy nói đến.
Người ký biên bản mượn đất thì nói nhầm, còn cơ quan quản lý cấp trên thì cho rằng biên bản trái pháp luật nên không giải quyết, chỉ có người dân là chịu thiệt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.
Huỳnh Hải