Mùa Xuân lên chùa và nét văn hóa

Ngày Xuân lên chùa để lòng lắng lại sau một năm vất vả nhọc nhằn, để mà ước vọng cho một năm mới nhiều thành công.

Việt Nam là đất nước nhiều đình, đền, chùa miếu mạo. Người Việt Nam bao giờ cũng chú trọng đến lĩnh vực tâm linh. Ngày đầu năm họ thường lên chùa, lên đình, đền để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc.

Chùa, đền và đình tuy có những chức năng khác nhau nhưng đều gắn bó và quen thuộc với người dân Việt Nam. Đình được sử dụng để làm nơi hội họp của làng xã, thờ Thành Hoàng. Lễ lớn của làng sẽ được tổ chức ở đình. Những người có công lớn với làng, xã hoặc gắn bó với một địa danh nhất định nào đó sẽ được phong Thánh và thờ ở đền. Còn lại, Chùa là nơi để thờ Phật và tu tập của các tăng ni Phật tử.
 
Ngày Xuân vào đền Quán Thánh (Ảnh Đ.T)
Ngày Xuân vào đền Quán Thánh (Ảnh Đ.T)

Nét văn hóa của người Việt bao giờ cũng tôn kính thần linh, tôn kính tổ tiên, những người đã giúp họ khai sơn phá thạch, giữ gìn bờ cõi vượt qua khó khăn giặc giã.

Ngày Xuân lên chùa để lòng lắng lại sau một năm vất vả nhọc nhằn, để mà ước vọng cho một năm mới nhiều thành công.

Phật giáo đã gắn bó với dân tộc từ rất sớm. Chính nhiều vương triều phong kiến Việt Nam đều lấy đạo Phật làm quốc đạo. Từ bi hỉ xả phù hợp với nét tâm lý của người Việt Nam ta. Ở hiền gặp lành âu cũng là lời dạy cho con cháu biết làm ăn tử tế, biết tu nhân tích đức để mà truyền lại cho các thế hệ.

Câu đối: Tổ tông công đức muôn đời thịnh; Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh là nói về nét đẹp truyền thống của người Việt từ ngàn năm nay và có nguồn gốc chính từ lời dạy tu nhân tích đức. Đạo Phật xây dựng cõi Niết bàn ngay trên trần thế chứ không phải ở đâu xa.

Cuộc đời âu cũng là những kiếp luân hồi như trong đạo Phật. Ở đây không hề có yếu tố thần linh duy tâm. Con người sinh ra tồn tại và chết hòa nhập vào cây cỏ đất trời nhưng những yếu tố vật chất thì vẫn còn trường tồn. Trong quan niệm của phật giáo bánh xe luân xa vẫn cứ vận động và gặp duyên sẽ trở thành hiện hữu.

Ở quê thường ngày Tết đều tụ tập ở sân đình. Làng nào cũng có đình như là biểu tượng của một vùng quê. Tiếc rằng một thời gian dài chúng ta quan niệm chưa đúng về đình chùa miếu mạo, nhiều vùng quê những đình làng rất đẹp đã bị dẹp bỏ mà không thể nào có thể lấy lại được.

Hà Nội dày đặc những chùa chiền, miếu mạo. Không biết có nơi đâu như Hà Nội mà phong phú chùa chiền, trang trọng đền miếu đến vậy.

Hàng năm nhiều đền chùa đông đúc những người từ tối 30 và sáng mồng một. Ta bắt gặp gương mặt mùa xuân trên mỗi nụ cười. Đành rằng một năm họ vừa trải qua những thăng trầm, gian khó. Gian khó đến từ thiên nhiên, khi ông trời bày đặt ra để thử thách lòng người. Họ đến Tổ đình Phúc Khánh, Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ hay đền Quán Thánh, nơi linh thiêng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến...

Chùa và miếu như đan xem vào nhau thỏa lòng lựa chọn của người dân về nơi xuất hành đầu xuân của mình. Nơi này là sức khỏe, tiền tài, nơi kia là danh vọng có thần linh che chở... tất cả đều như xuất phát từ nhu cầu của cõi lòng mình.

Đầu năm đi lễ chùa để lòng mỗi người đều hướng thiện. Tuy nhiên mấy năm gần đây những nét văn hóa đó bị biến tướng ít nhiều. Sự lộn xộn, chen chúc, vàng tiền nhét khắp mọi nơi, hòm công đức ban thờ nào cũng có đã làm xấu đi hình ảnh của một ngôi đền linh thiêng.

Lễ hội khai ấn đền Trần năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, song dư luận vẫn còn bức xúc khi nghi thức đó đã bị biến tướng đi ít nhiều. Nhiều nhà văn hóa, nhà sử học đã lên tiếng góp ý hòng giữ lại những nét đẹp vốn có. Thật ra Nam Định hay Thái Bình là nơi phát tích của triều Trần vẫn còn ghi đậm nét trong lịch sử. Tuy nhiên hai địa phương ấy giờ cũng song trùng làm lễ “khai ấn” gây cảm giác của sự ganh đua.

Mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa của tụ tập lòng người và mùa của những ước vọng, hãy để những ước vọng đẹp đó bay xa.

Theo: Đ.T (Vietnamnet)