Mùa hè, càng lo game bạo lực!
Cùng với sự phát triển nhanh của internet trong những năm gần đây, game đã trở thành “người ban đồng hành” của giới trẻ. Cũng như các trò chơi giải trí khác, game có thể mang lại những giây phút thư giãn, nhưng nếu sa đà vào game bạo lực thì hậu quả thật khó lường.
Thời gian gần đây, sự phát triển của các loại hình game không lành mạnh, nhất là game bạo lực đã và đang có những tác động tiêu cực đến bản thân người chơi đồng thời gây ra không ít hệ lụy đối với xã hội. Bị tiêm nhiễm từ những trò chơi bắn phá, chém giết trong những game mang tính bạo lực, không ít thanh thiếu niên đã tự biến mình thành những sát thủ “máu lạnh” ở ngoài đời.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Đáng lo là lứa tuổi “nghiện” game bạo lực đang có xu hướng được “trẻ hóa”. Với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, bốc đồng, thích cảm giác mới lạ, những trò chơi mang tính bạo lực đang tạo ra sức hút lớn đối với một bộ phận giới trẻ, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Ở lứa tuổi này, việc khám phá và được hành động một cách tự do để tự khẳng định mình trong mắt mọi người xung quanh trở thành mong muốn và nhu cầu của nhiều người. Điều này giải thích vì sao nhiều game thủ trẻ tuổi thích hóa thân thành các “anh hùng” hay “siêu nhân” trong các trò chơi mang tính bạo lực. Hậu quả là do kỹ năng sống chưa có độ “chín”, khi bị chìm đắm trọng một thế giới ảo đầy bạo lực, nhiều em bị rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt. Nguy hiểm hơn, một số game thủ trẻ tuổi đã áp dụng chính những kỹ năng đã “luyện” được từ các trò chơi bạo lực vào thực tế.
Trong vài năm qua, liên tiếp những vụ án kinh hoàng xuất phát từ ảnh hưởng, tác động của game bạo lực đã gây phẫn nộ, bức xúc, hoang mang trong dư luận. Trong năm 2008, người dân huyện Quỳ Châu (Nghệ An) hẳn vẫn chưa quên vụ án đau lòng mà nguyên nhân là từ “nghiện” game. Vì không có tiền để chơi game, tên Nguyễn Khánh Cường đã nảy sinh thú tính giết chết người em ruột của mình là Nguyễn Khánh Thoại (lúc đó mới chỉ 6 tuổi). Khi bị phát hiện, hắn đã dùng dao chém nhiều nhát vào người mẹ đẻ của mình là Nguyên Thị Vân khiến bà bị trọng thương và hôn mê tại chỗ. Cũng trong năm 2008, một vụ án kinh hoàng đã xảy ra ở huyện Thường Tín – Hà Tây (cũ). Hung thủ là tên Nguyễn Đình Cử (14 tuổi). Cử là kẻ “nghiện” game nặng. Để có tiền chơi game, Cử đã có kế hoạch dùng thuốc chuột đầu độc cả nhà người chú họ để chiếm đoạt tài sản trong két sắt. Nhưng do mua phải thuốc chuột dởm nên kế hoạch không thành. Cùng quẫn, hắn đã táo tợn bắt cóc em Tuấn Anh (4 tuổi, là em họ của Cử) để tống tiền. Hắn yêu cầu bố của Tuấn Anh phải nộp 30 triệu tiền chuộc. Nhưng khi chưa nhận được tiền, hắn đã ra tay sát hại dã man Tuấn Anh, giấu trong đống gạch hoang, sau đó tiếp tục đi chơi game bình thường. Trong năm 2009, một số vụ án nghiêm trọng có nguyên nhân từ game bạo lực cũng đã diễn ra. Ở Đồng Nai, ngày 7/5/2009, do không có tiền chơi game, Nguyễn Bích Huyền (đang là học sinh lớp 8) đã giết hại cháu là Nguyễn Thị Ngọc Anh để lấy đôi bông tai. Sau đó, hắn bình thản bỏ xác cháu Anh vào túi ni lông rồi cho vào ngăn tủ. Trước đó một ngày, tại thành phố Hải Dương, ngày 6/5/2009, tên Nguyễn Viết Thành (đang là học sinh lớp 12), vì cãi cọ, mâu thuẫn, đã dùng dao chém chết cha đẻ của mình là ông Nguyễn Viết Yên, sau đó chặt xác cha ra làm ba khúc rồi vứt xuống con sông gần nhà để phi tang. Sau khi thực hiện xong hành vi thú tính, Thành vẫn tiếp tục đến lớp ngồi học, vẫn tiếp tục lên mạng chơi game. Những vụ án nghiêm trọng, kinh hoàng nêu trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa sút đạo đức, nhân cách mà nguyên nhân xuất phát từ những tác động xấu của game và game bạo lực.
Phần lớn các game nói chung, game bạo lực nói riêng hiện nay đều được lưu hành trên internet. Thông tư 02 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định trẻ em dưới 14 tuổi vào quán internet chơi game, truy cập mạng phải có người lớn đi kèm, hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa có tính khả thi. “Thượng đế” của các quán internet phần lớn đang ở độ tuổi vị thành niên. Trong khi đó, các chủ quán vì mục đích lợi nhuận đã phớt lờ quy định này, không có động thái kiểm tra độ tuổi người chơi. Các trò chơi cũng được phân chia tương ứng với các độ tuổi khác nhau. Nhưng do tiêu chí phân chia còn mập mờ, chưa rõ ràng nên trên thực tế, những trò chơi chém giết đầy tính bạo lực của “người lớn” vẫn được giới trẻ ưa thích lựa chọn và được thỏa sức chơi mà không có sự can thiệp của chủ quán. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, những chế tài đủ sức răn đe nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác hại và nguy cơ tiềm ẩn từ game bạo lực. Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan có thẩm quyền phát huy hiệu quả, các gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến thời gian học tập, vui chơi, giải trí của con em mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có những biện pháp giáo dục phù hợp đối với những “tín đồ” của game bạo lực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ths. Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
LTS Dân trí - Tác hại nhiều mặt của game bạo lực đã được báo động tại các cuộc họp Quốc hội, hội thảo cũng như các báo, đài đề cập rất nhiều, nhưng tình hình vẫn chưa thuyên giảm. Bài viết trên đây một lần nữa nêu lên nhiều dẫn chứng cho thấy nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra những năm gần đây do lứa tuổi học sinh gây nên đều có nguyên nhân từ tệ nạn chơi game bạo lực.
Đã đến lúc mọi gia đình phải quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý con em mình, nhất là trong dịp hè này, tạo điều kiện cho các em được vui chơi giải trí lành mạnh, không để các em sa đà vào những trò chơi điện tử kích động bạo lực, vừa ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe, vừa tốn tiền và lãng phi thời gian vô ích.
Bô Thông tin và Truyền thông cũng như các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tích cực và hiệu quả hơn, nhằm ngăn chặn những quán Internet kinh doanh và thu lợi bất chính từ các trò chơi điện tử kích động bạo lực, gây tác hại rất lớn đối với thanh thiếu niên.