Mù mờ… giá thị trường
Có chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang “có vấn đề” trong cách thức điều hành giá thị trường. Khi thị trường chưa hề có thế cạnh tranh thì giá đã được thả nổi.
Việc định giá lại nằm hoàn toàn trong tay các doanh nghiệp (DN) Nhà nước là những DN độc quyền. Giá lại được hình thành trong một môi trường còn thiếu sự minh bạch và thậm chí, lại thiếu cả sự giám sát của Nhà nước.
Giá xăng dầu được thả nổi khi mà 90% thị phần xăng dầu cả nước nằm trong tay 4/11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong đó, Petrolimex chiếm tới 60% thị phần. Kể từ ngày 16/9/2008, thời điểm chuyển toàn bộ mặt hàng xăng dầu theo thị trường thì đa số các động thái điều chỉnh giá đều được khởi động từ Petrolimex.
Nói cách khác, DN này muốn giảm giá bao nhiêu thì các DN khác mới giảm theo với mức tương đương. Vô hình trung, thả nổi thị trường xăng dầu cho 11 DN thực chất đã biến thành “thả nổi giá” vào tay Petrolimex. Nhà nước đã “vô tình” chuyển vai trò điều hành giá vào tay 1 DN có vị thế thống lĩnh.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Sau 3 lần giảm giá, ông Vương Thái Dũng hé mở, xăng chỉ lãi có 100-200đ/lít, nghĩa là còn không đủ lãi 1.000đ/lít để trích trả nợ cho ngân sách. Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ điều hành trong nước nhấn mạnh, thực ra, với giá xăng đó, DN không hề có lãi.
Trước đó, khi giá dầu thô thế giới trung bình là 139USD/thùng, Thứ trưởng Trần Xuân Hà của Bộ Tài chính công bố, với giá 19.000đ/lít, xăng lãi 4.000đ/lít và dầu lãi 2.000đ/lít. Giờ, giá thế giới giảm tới 50%, còn giá trong nước chỉ giảm hơn 18% thì không hiểu, khoảng trống lợi nhuận kia đã được phân bổ giữa thuế - lãi như thế nào?
Một bên là sự chênh lệch về giá rõ như ban ngày trên thị trường, một bên là các phát ngôn “rất nhiều kiểu” của các lãnh đạo DN và quan chức cấp cao của các Bộ, ngành, thị trường xăng dầu thực sự rối rắm và bùng nhùng. Kéo theo đó, mặc dù giá xăng giảm nhiều lần nhưng các DN vận tải vẫn im lìm giữ giá.
Thiếu sự cạnh tranh cùng với những phát ngôn cảm tính, thiếu căn cứ và thiếu trách nhiệm sẽ càng làm cho cơ chế thị trường bị méo mó. Ngành xăng dầu cần được sắp xếp sao cho có vài ba công ty tương đương nhau về thị phần trên thị trường để tạo sự cạnh tranh, giảm bớt tính độc quyền của DN.
Bài học từ ngành viễn thông đã cho thấy, khi chỉ có Vinaphone và Mobiphone, giá cước viễn thông cao ngất ngưởng, nhưng từ sau khi có hãng Vietel và nhiều hãng khác ra đời, giá cước đã giảm liên tục.
Khi chuyển sang tự do hóa những mặt hàng nhạy cảm, một cơ chế giám sát và điều hành của Nhà nước phải được tính toán cẩn trọng chứ không thể đơn thuần là đưa ra một lộ trình thô sơ về mặt thời gian như ngành xăng dầu hiện nay.
Phạm Huyền
Theo An ninh Thủ đô
LTS Dân trí - Sự lên xuống của giá cả trên thị trường có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các “thượng đế nghèo” là người dân, nhất là trong thời buổi lam phát thì sự ảnh hưởng đó thật là to lớn tới hầu bao của các bà nội trợ!
Không cần lý giải vòng vo gì nhiều, cứ lấy “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” thì cái thực tiễn điều chỉnh giá xăng dầu gây nên sự “bất thuận” trong lòng dân: lúc lên thì tăng một bước nhảy vọt, còn lúc xuống rón rén từng nấc nhỏ giọt có…500 đồng! Thế là các doanh nghiệp tiêu thụ xăng dầu cứ làm ngơ không cần tính vào giá thành sản phẩm. Cuối cùng, những “thượng đế nghèo” vẫn phải mua mọi thứ với giá đã “định hình” từ lúc giá xăng dầu tăng vọt.
Cứ xem tình hình thực tế như vậy thì không thể không đồng tình với ý kiến đề xuất của tác giả bài viết trên đây: Phải chấm dứt độc quyền trong kinh doanh xăng dầu cũng như những mặt hàng thiết yếu đối với đời sống nhân dân. Mặt khác, nhà nước cần phát huy tốt hơn vai trò giám sát và điều tiết giá cả trên thị trường.