Một số phong tục tết của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.

Tết của người Thái

Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An. Đối với người Thái nhiều vùng, thường coi ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Mọi người xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28, già làng hoặc Trưởng thôn, Bản đôn đốc mọi nhà tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29, bắt đầu gói bánh chưng.
 
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro sạch lẫn gạo nếp rồi sàng sẩy sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân thịt hành, đỗ vào bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái tinh tuý nhất của đất trời chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).
Một số phong tục tết của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam - 1
Một số trò chơi dân gian của người Thái ở Con Cuông, Nghệ An
 
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, với sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu. Trong đêm 30 tết quy định của người Thái nhang không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén..., nhà nào có chiêng hay cồng thì mang Chiêng cồng ra đánh và múa hát lăm vông. Người Thái thường có phong tục gọi hồn.
 
Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con cũn lại dựng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
 
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít! Các phụ nữ trong nhà hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà (bình thường họ không được đến khu vực đó!). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà lui vào, để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng 1 tết mà thôi. (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).
 
Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá với các món nướng, lạp, muối chua hay nước khô... Người Kinh mồng 1 kiêng đến nhà nhau sớm, nhưng người Thái thì sáng mồng 1 đó đi nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mồng 1 tết. Tối ngày mồng 1 họ làm lễ tạ ơn. Từ chiều mồng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi, và muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mồng 10 tết hoặc ra rằm tháng giêng mới về. Các trò chơi khá náo nhiệt, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn; khắc luống, đánh trống, cồng chiêng và hát múa lăm vông...

Tết của Người Mông

Tộc Mông gồm nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán). Hiện số dân của họ khoảng 558.000 người, cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An và Thanh Hóa.
Một số phong tục tết của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam - 2
Trò chơi Ô quan ngày Tết vẫn còn được lưu giữ tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An

Người Mông có một hệ lịch riêng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, có lẽ họ tiếp thu cách tính lịch của dân tộc Di (Trung Quốc). Theo đó, Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch của Âm Dương hợp lịch mà ngày nay chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đều ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ.

Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lũ rốn phải làm lễ đóng lũ, cối xay ngụ tháo ra, đưa một tờ giấy bản lớn rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu...

Trước đây người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì cứ gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô.

Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Một số phong tục tết của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam - 3
Tiết mục văn nghệ vui ngày hội của người Thái

Các nhóm Mông có phong tục hơi khác nhau nhưng về đại thể đều rất quan trọng lúc cúng ma nhà bằng lợn và gà sống vào tối 30. Từ mồng 1 trở đi họ mặc quần áo mới, đi hài đi chơi. Ném papao là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích; ngoài ra còn múa khốn, múa ụ, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ...

Đặc biệt, nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hay chậm có con thì mồng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội.
 
Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông như vừa kể trên.

Trên đây là vài nét sưu tầm về phong tục tết của hai dân tộc thiểu số của Việt Nam, có sinh sống tại Nghệ An, để giúp các bạn đọc hiểu và nắm được, để khi giao tiếp không bị lạc hậu.

Phùng Văn Mùi

(Sưu tầm và giới thiệu)