Môi trường sư phạm không phải là một “ốc đảo”...

Tôi đã đọc bài <a href=" http://www1.dantri.com.vn/diendandantri/2007/12/209434.vip">“Buồn lòng về đạo đức người thầy”</a>. Tác giả bài đó đặt ra câu hỏi: “Đến bao giờ thì môi trường sư phạm mới thật sự an toàn và trong sáng?...” Tôi xin phép được trả lời rằng: Môi trường sư phạm chỉ thật sự an toàn và trong sáng khi và chỉ khi xã hội thật sự an toàn và trong sáng.

Là một người đứng trên bục giảng, tôi thật sự rất đau lòng khi chứng kiến những câu chuyện cần lên án của những kẻ không còn đáng được gọi là người chứ chưa nói đến chữ "thầy" gây ra. Không có gì đáng để ngụy biện cho những hành vi đồi bại và bất nhân ấy. Nhưng nhìn toàn diện, chúng ta cũng cần phải xem xét một chút về nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này. 

 

Trước hết, hãy nhìn vào thực trạng học sinh thời nay. Tôi xin lấy ví dụ cụ thể. Trường THPT nơi tôi giảng dạy thi tuyển sinh vào lớp 10 ba môn văn, toán, hoá, trong đó văn và toán tính điểm hệ số 2, tổng điểm đầu vào là 8 điểm, tức là 1,6 điểm/môn. Vậy thử hỏi giáo viên chúng tôi phải dạy cái gì và dạy như thế nào cho một thế hệ học sinh dốt toàn diện như vậy?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chẳng những thế, hiện tượng học sinh vô lễ với thầy cô, mải chơi, tham gia vào các tệ nạn xã hội ngày càng diễn ra phổ biến và trầm trọng hơn. Trước kia, các bậc túc nho có thể an tâm với triết lí "an bần lạc đạo", còn bây giờ, chúng tôi vẫn nghèo so với mức sống của xã hội, nhưng lại không thể vui với nghề được nữa.

 

Vui sao được khi phải nghe những câu nói "lễ phép" của học sinh, ví dụ: "Em chổng mông chào thầy ạ", hoặc khi tuyên bố ghi tên học sinh vào sổ đầu bài thì lập tức học sinh đó nói: "Sợ cái con... gì".

 

Chưa hết, có nơi nào học sinh đã bị đình chỉ học lại xông vào trong lớp chửi mắng và có ý định hành hung giáo viên. Vậy thử hỏi chúng tôi phải làm gì với cái nghề cao quý mà mình đã chọn? 

 

Cả xã hội đang đổ xô cặp mắt nhìn vào nhà trường. Chúng ta nói rất nhiều đến căn bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng trước khi đoạn phim của thầy giáo Đỗ Việt Khoa được công bố thì như một quy ước, giáo viên chúng tôi vẫn được nhận chỉ thị rằng, điểm tổng kết của học sinh trong một lớp phải đạt ít nhất 60% trên trung bình mới được vào sổ điểm. Vậy thử hỏi với đầu vào như đã nói ở trên thì chúng tôi phải làm gì? Cả nước đang chuẩn bị cho việc phổ cập THPT, nhưng với tình trạng này, ngành giáo dục sẽ sản sinh ra những con người, những thế hệ như thế nào? 

 

Chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đang đi xuống? Nhưng tại sao có những giáo viên dạy hoá không viết nổi một phương trình phản ứng, không đọc nổi tên của một chất hoá học lại có thể tốt nghiệp, và được kí hợp đồng giảng dạy? Đào tạo ồ ạt, chương trình thiếu sát thực, đạo đức, nếp sống của sinh viên không được quan tâm, chưa kể đến những tiêu cực từ việc chạy vào đại học lẫn thi cử, tốt nghiệp... Những điều này có nên được coi là một trong những nguyên nhân chính? 

 

Với 1 đôi điều trăn trở trên đây, tôi không có tham vọng thay đổi vấn nạn của giáo dục, chỉ mong mỗi chúng ta khi nhìn nhận hoặc đánh giá một vấn đề nào đó thì hãy xem xét một cách toàn diện và khách quan. Xin chân thành cảm ơn!

 

Phạm Hà Anh

(phamhanh07@gmail.com)

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây của giáo viên Phạm Hà Anh, chúng ta không khỏi giật mình về thảm trạng giáo dục không có thể ngờ tới! Ai cũng biết rằng chất lượng giáo dục của chúng ta còn thấp, nhưng không thể ngờ được rằng có nơi nó thấp kém toàn diện đến như vậy. Đúng là một môi trường sư phạm… buồn đến xót xa!

 

Không biết các vị lãnh đạo ngành giáo dục có biết và đánh giá đúng mức những thảm trạng mà giáo viên Phạm Hà Anh phản ảnh trong bài báo này?

 

Nếu thực trạng nêu trên là có thật thì ngành giáo dục cần kịp thời chấn chỉnh. Không thể để kéo dài tình trạng thầy không đủ trình độ dạy; trò không đủ trình độ học; càng không thể để học sinh ngang nhiên vô lễ với thầy. Phải có những biện pháp quyết liệt và nghiêm minh đối với những trò vô lễ cũng như đối với những giáo viên không còn đủ tư cách làm thầy.

 

Thật ra môi trường sư phạm không phải là một “ốc đảo” và luôn chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Nhưng nếu nhà trường được quản lý có nền nếp, dân chủ và công bằng, xây dựng được đội ngũ giáo viên vừa có trình độ chuyên môn vững vàng vừa có lương tâm nghề nghiệp, thì chắc chắn nhà trường sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, phát huy những mặt tốt đẹp và loại trừ những ảnh hưởng xấu.