Hà Tĩnh:
Mỏi mòn chờ… Bằng Tổ quốc ghi công
Nhiều gia đình có thân nhân là liệt sỹ ở xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang bức xúc trước việc hơn 10 năm qua, họ bị rơi vào cảnh “mất cả chì lẫn chài” trong việc cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công khi nộp Bằng cũ với mong muốn được cấp lại Bằng mới, nhưng rồi không những không có Bằng mới mà khi muốn “xin” lại Bằng cũ cũng không được…
Ông Trần Minh Châu.
Mất cả chì lẫn chài
Là một trong những gia đình đang bức xúc về vấn đề trên, ông Trần Minh Châu (76 tuổi) phản ánh với Báo PLVN: “Tôi có em trai là Trần Minh Huấn (SN 1951), hy sinh tại chiến trường phía Nam và được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Năm 2003, theo chủ trương cấp đổi Bằng Tổ quốc công, tôi nộp lại Bằng cũ cho ông Đặng Quang Tứ - cán bộ chính sách xã với mong muốn được cấp mới để thờ tự cho đàng hoàng, trang trọng. Thế nhưng, sau khi nộp Bằng Tổ quốc ghi công cũ thì chờ mãi cho đến nay vẫn không thấy Bằng mới đâu. Tôi nhiều lần lên xã hỏi thì xã nói không có, tôi gặp ông Tứ nói là nếu không có Bằng mới thì cho xin lại Bằng cũ để thờ nhưng cũng được trả lời phải chờ… Nhưng mãi cho đến nay hơn 10 năm rồi Bằng mới không có mà Bằng cũ cũng không xin lại được”.
Giấy xác nhận thu bằng cũ của gia đình ông Châu.
Tương tự, bà Đinh Thị Liên (82 tuổi) có em là liệt sỹ Trần Văn Đệ nghẹn ngào kể: “Em trai tôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường phía Nam và được công nhận là liệt sỹ. Nghe chủ trương cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, gia đình tôi mừng quá vội nộp Bằng cũ cho xã với mong muốn có Bằng mới, thế nhưng cho đến nay vẫn không có. Hàng năm, vào ngày 27/7, gia đình tôi đều hỏi xã về việc tại sao không có Bằng mới. Sau khi nghe xã nói không có thì gia đình xin lại Bằng cũ nhưng vẫn không được. Cán bộ chính sách xã có hứa sẽ trả Bằng cũ nhưng rồi cũng chỉ là “hứa suông” khiến gia đình chờ “dài cổ” vẫn không được lại Bằng cũ của em tôi. Tôi thì cũng “gần đất xa trời” rồi nhưng trước khi qua đời chỉ có tâm nguyện được nhận lại tấm bằng cho em mình…”.
Anh Đinh Sỹ Khoa có anh trai là liệt sỹ Đinh Sỹ Ước nói: “Cũng như các hộ khác trong xã, theo chủ trương, gia đình tôi nộp lại Bằng cho ông Tứ. Theo tôi nhớ, thời bấy giờ ông là Xã đội phó. Sau đó nhiều năm sau không thấy có Bằng mới thì tôi hỏi ông này để xin lại Bằng cũ. Thế nhưng năm này qua năm khác ông này hứa trả Bằng cũ rồi nhưng lại không thấy…”.
Theo người dân nơi đây, không chỉ riêng 3 gia đình trên mà nhiều gia đình chính sách của địa phương này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bà Liên “dài cổ” chờ xin lại Bằng Tổ ghi công của em mình.
Nguyên nhân do đâu?
Liên hệ với phía chính quyền xã, ông Nguyễn Trọng Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thanh đã cử ông Đặng Quang Tứ - Xã đội phó làm việc với phóng viên. Là người trực tiếp phụ trách vấn đề trên, trao đổi với PLVN, ông Tứ cho hay: “Hình như thời điểm đó là năm 2005 thì phải, lúc đó chỉ lập danh sách đề nghị cấp đổi là 53 trường hợp, trong đó thu 12 Bằng cũ (tức có chứng lý) của các hộ, có rách nát hồ sơ. Đến năm 2009 thì làm hồ sơ kèm theo danh sách đề nghị đã lưu trước đó. Hiện tại, 12 Bằng cũ đó đang nằm ở Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Thọ, tôi nhớ tôi đã lên phòng để ghi số bằng nữa mà…”.
Liên hệ với đại diện huyện Đức Thọ, qua điện thoại, bà Cù Thị Hiệp - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Thọ cho biết: “Việc cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công thì chúng tôi làm thường xuyên, trước đây thực hiện Nghị định 54 cũng làm, giờ thực hiện Nghị định 31 chúng tôi cũng triển khai thường xuyên. Còn việc đó (ý là việc Bằng cũ của các hộ dân đang nằm ở huyện) thì sẽ cho kiểm tra lại, còn cấp đổi thì vẫn bình thường, người dân cứ đến gặp công chức xã để được hướng dẫn làm thủ tục…”.
Tiếp đó, ngày 23/7, phóng viên nhiều lần liên hệ để được làm rõ thêm thông tin nhưng bà Hiệp không hồi âm lại, nhắn tin cũng không trả lời (dù phóng viên đã xưng danh, nêu vấn đề, danh sách các liệt sỹ nhờ kiểm tra hồ sơ giúp vì sắp đến ngày 27/7). Thật khó hiểu!?
Ông Đinh Sỹ Khoa đang trao đổi với phóng viên .
Thiết nghĩ, đâu là nguyên nhân, cấp nào tắc trách để dẫn đến sự việc trên, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc làm rõ, đồng thời sớm có cách xử lý để tránh tình trạng các gia đình chính sách mòn mỏi chờ tấm Bằng Tổ quốc ghi công, trong khi Đảng, Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình có công với cách mạng.
Theo Phan Quyên
Pháp luật Việt Nam