Lạng Sơn:

Mời đương sự làm việc bằng điện thoại, Viện trưởng viện kiểm sát nói đúng, luật sư khẳng định sai

(Dân trí) - Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Ảnh được Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn xác nhận mời đương sự làm việc qua điện thoại là có thật nhưng vị viện trưởng cho rằng hành vi này không vi phạm quy chế nghiệp vụ. Tuy nhiên, luật sư Chu Văn Tiến lại khẳng định đó là cách làm việc sai quy định, có thể gây hệ luỵ nguy hiểm.

Theo Quyết định giải quyết khiếu nại số 903/QĐ-VKS-P1 của VKSND tỉnh Lạng Sơn do bà Hồ Thị Lan Anh - Viện trưởng ký ngày 3/8/2015, cơ quan này nhận được của bà Trần Bích Thuỷ tại số 54 Phùng Hưng - Hàng Bông - Hoàn Kiếm (Hà Nội) về nội dung khiếu nại hành vi của ông Nguyễn Xuân Ảnh, kiểm sát viên, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong buổi làm việc ngày 7/7/2015 với bà Trần Bích Thuỷ và luật sư Nguyễn Hồng Bách, là người được bà Thuỷ có đơn mời tư vấn pháp luật và người đại diện cho bà Thuỷ giải quyết đơn đề nghị ghi ngày 19/6/2015.

Theo Quyết định giải quyết khiếu nại của VKND tỉnh Lạng Sơn, cơ quan này xác nhận có việc kiển sát viên Ảnh đã mời đương sự là bà Thuỷ và luật sư Bách đến làm việc bằng điện thoại. Tuy nhiên, Quyết định do bà Hồ Thi Lan Anh - Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn ký cho rằng cách làm này của kiểm sát viên là đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho đương sự, được đương sự đồng ý nên không vi phạm về quy chế, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Mời đương sự làm việc bằng điện thoại, Viện trưởng viện kiểm sát nói đúng, luật sư khẳng định sai - 1

Luật Sư Chu Văn Tiến: Hành vi gọi điện thoại mời đương sự đến làm việc của Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Ảnh là không đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Trả lời PV báo Dân Trí liên quan đến hành vi triệu tập đương sự đến làm việc bằng hình thức gọi điện thoại của Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Ảnh, Luật Sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) khẳng định đó là hành vi trái pháp luật, thậm chí còn gây nên những hệ luỵ nguy hiểm.

Theo luật sư Tiến, vụ việc của bà Trần Bích Thủy là một vụ việc được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, trong trường hợp này bà Trần Bích Thủy được coi là người bị hại trong vụ án. Theo quy định tại Điều 137 và Điều 133 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2003 thì nguyên tắc khi Kiểm sát viên hay Điều tra viên muốn triệu tập, lấy lời khai người bị hại sẽ đều phải gửi giấy triệu tập đến cho đương sự, nội dung giấy triệu tập còn phải ghi rõ tên, chỗ ở của người bị hại, ngày giờ tháng năm và địa điểm có mặt; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng. Giấy triệu tập phải được giao trực tiếp cho người bị hại hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị hại cư trú hoặc làm việc; và trong mọi trường hợp việc giao giấy triệu tập đều phải được ký nhận.

Dựa vào quy định trên cho thấy, pháp luật đã quy định rất rõ ràng và chặt chẽ đối với việc triệu tập người bị hại đến làm việc, một phần là thể hiện việc tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của đương sự, một phần nữa là để tránh trường hợp cơ quan có thẩm quyền cố tình làm trái quy định. Hành vi “mời” đương sự đến làm việc bằng hình thức gọi điện thoại là trái với quy định của pháp luật về tố tụng.

Hiện nay, ở Việt Nam tình trạng người tiến hành tố tụng (người đại diện cho cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết vụ án) sử dụng điện thoại “mời” đương sự đến làm việc xẩy ra tương đối nhiều, tuy nhiên để “hợp lý hóa” các cuộc gọi đó thì người tiến hành tố tụng sẽ đưa Giấy triệu tập hoặc Giấy mời cho đương sự ký nhận khi đương sự đến làm việc. Đây là một hành động “lách luật” để hồ sơ vụ việc được đầy đủ và không vi phạm thủ tục trong tố tụng.

Mời đương sự làm việc bằng điện thoại, Viện trưởng viện kiểm sát nói đúng, luật sư khẳng định sai - 2

Bà Hồ Thị Lan Anh - Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn chủ trì một cuộc họp (Ảnh: Cổng thông tin VKSND tỉnh Lạng Sơn).

“Trong nhiều trường hợp, việc người tiến hành tố tụng sử dụng phương án gọi điện thoại triệu tập hoặc mời đương sự đến làm việc sẽ rất thuận tiện và đỡ mất thời gian cho cả cơ quan tiến hành tố tụng và đương sự bởi vì việc gửi giấy mời, giấy triệu tập bằng văn bản ít nhất cũng mất từ 1 đến 2 ngày, thậm chí ở những địa phương điều kiện giao thông còn khó khăn có nơi còn mất tới 5 đến 7 ngày giấy mời mới đến được tay đương sự. Việc sử dụng phương pháp gọi điện thoại cho đương sự trong những trường hợp này lại trở nên hiệu quả. Tuy nhiên đây cũng là một con dao hai lưỡi và sẽ gây bất lợi cho người tiến hành tố tụng nếu như đương sự không hợp tác, cụ thể: đương sự sẽ không có mặt theo “lời mời” và nói rằng chưa nhận được bất cứ giấy mời nào từ phía cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến việc người trực tiếp giải quyết có thể sẽ bị khiển trách do không hoàn thành công việc.

Hơn nữa, nếu trường hợp người tiến hành tố tụng lạm dụng cương vị để mời đương sự đến làm việc với động cơ cá nhân khi không hề có giấy triệu tập sẽ gây nên những hệ luỵ rất nguy hiểm, khó lường trước”, luật sư Tiến phân tích.

Từ đó, luật sư Tiến khẳng định: “Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định và không công nhận việc triệu tập đương sự bằng hình thức gọi điện thoại, do đó người tiến hành tố tụng không được dùng phương án gọi điện để thay thế cho việc gửi giấy triệu tập theo đúng quy định của pháp luật.

Do đó trong trường hợp này hành vi gọi điện thoại mời đương sự đến làm việc của Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Ảnh là không đúng với quy định của pháp luật. Chỉ có điều khó hiểu là Quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND tỉnh Lạng Sơn do trực tiếp bà Hồ Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn ký lại khẳng định hành vi gọi điện thoại mời đương sự đến làm việc của Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Ảnh là không vi phạm quy chế nghiệp vụ”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế