Miền Trung hỏi Hà Nội có mưa không?
Làm sao để tránh thiệt hại cho dân khi bão lũ bất ngờ? Bài toán ấy lâu rồi vẫn chưa có lời giải?!... Khuya lắm rồi, ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi.... miền Trung ơi, sống chung với bão lũ lâu rồi cũng thành quen, không thấy khổ nữa, nhưng sao vẫn thấy thương quê mình!
Chiều qua, trước phòng dựng phim, Sỹ Hùng- Phó phòng Thời sự (Đài PTTH Quảng Bình) quần ống xắn, ống xả, mặt tái nhợt, vừa nhai lương khô, vừa run.
Hùng vừa ở vùng rốn lũ trở về, ăn lương khô cho đỡ đói để vào dựng tin cho kịp giờ lên sóng. Thấy mình, Hùng cười như mếu: "Nước lũ lên nhanh lắm, may mà về kịp".
Chiều tối, Duy Toàn gọi về: "Em đi theo trực thăng cứu hộ, không biết vùng nào, trắng xóa cả. Bà con mình ở vùng bị nước lũ cô lập có vớt được mỳ tôm mà ăn không chị hè?".
Sáng nay ra chợ, cá rẻ như cho. Lũ vào, dân trở tay không kịp, cá nuôi ở các ao hồ trôi hết. Buông lưới ra đường phố ngập nước cũng kéo được cá.
Chị bán cá kể: Em họ chị ở Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), sinh đúng ngày lụt lớn. Không có gì để ăn nên cũng không có sữa cho con bú. Người anh trai thương em và cháu, dầm mình cả ngày trong nước bạc, chiều tối mới xin được một tô cơm nguội. Về tới nơi thì em và cháu đã đói lả. May mà còn kịp...
Về tới nhà, em họ mình gọi điện, giọng nó ngập ngừng, rầu rĩ: "Chị có tiền... cho em mượn... 1 triệu đồng em gửi vào trường cho cháu. Em định cân con heo, lấy tiền gửi cho cháu đóng học phí tháng này nhưng heo, gà nhà em trôi hết cả rồi".
Trưa xem ti vi, đồng nghiệp mình quay cảnh một chị nông dân ở Quảng Tiên (Quảng Trạch) vừa vốc từng nắm thóc giống bị ẩm mốc vì ngâm lâu ngày trong nước lũ vừa buồn rầu nói: Mùa tới không biết lấy gì để gieo.
Chiều, nhận được tin nhắn của bạn: "Xin được chia buồn với em, với đồng bào quê em đang phải sống cùng cực trong lũ lụt". Tự dưng nước mắt mình trào ra. Không thương quê làm sao được, lũ lụt cứ triền miên, dân chưa kịp no đủ đã lại mất nhà, mất của, mất cả người thân.
Sau 3 ngày lũ lụt, Quảng Bình có 28 người chết, 17 người bị thương, hàng trăm gia đình bị mất nhà cửa, trâu bò, tài sản...Tài sản có thể làm lại được nhưng nỗi đau mất người thân thì nhức nhối tâm can.
Vẫn biết miền Trung là "khúc ruột"... Miền Trung đau thì cả nước đau. Cũng như ngày xưa miền Trung vì miền Nam ruột thịt mà "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc xương". Dân tộc mình là thế, nhân dân mình là thế "Rằng qua lận đận mới hiểu tận lòng nhau"!
Nhưng sao mỗi lần nhận hàng cứu trợ người dân quê mình lại thấy chạnh lòng (mình đã từng phỏng vấn nhiều người, họ nói như thế). Chợt nghĩ: Giá miền Trung đừng bão lụt triền miên thì dân mình ở một số vùng quê đâu đến nỗi không tự mình thoát khỏi đói nghèo mà vươn lên cho bằng chị bằng em.
Sau lũ lụt là bao nhọc nhằn vất vả để ổn định cuộc sống, là bao nhiêu nỗi lo cánh cánh bên lòng: sách vở cho con đến trường, giống má cho vụ mùa tới, thuốc men để phòng dịch bệnh...
Lại nhớ những ca từ trong ca khúc "Về miền Trung" của nhạc sĩ An Thuyên: "Đường về miền Trung giông bão lắt lay, ngọn đèn xóm vắng vẫn thức thâu đêm, mẹ ngồi khâu áo mai con đến trường, mẹ ngồi câu hát bụi bay giọt thương....". Có lẽ chỉ có những ai sinh ra, lớn lên ở miền Trung mới thấm đẫm trong nỗi nhớ những hình ảnh ấy.
Hôm qua, đứa bạn ở Hà Nội gọi vào: "Bão lụt nhà có sao không"? Mình trả lời xong hỏi lại: "Hà Nội có mưa không?". Nó cười: "Hà Nội đúng nghĩa mùa thu, nắng vàng, lá vàng, gió heo may...".
Người Hà Nội mong mùa thu về để ngắm nắng vàng, bâng khuâng cùng gió heo may. Miền Trung quê mình, mùa thu về thì lo bão lũ. Nhưng cũng mừng, rứa (thế) là Hà Nội không sao. Hà Nội vẫn tổ chức được đại lễ. Phải rứa chứ, nghìn năm có một mà!
Thầy mình, một nhà sử học có tiếng ở miền Trung kể: Lần đầu tiên nhìn thấy di tích Hoàng thành Thăng Long, thầy và các giáo sư bàng hoàng xúc động. Nhiều người đã khóc. Ông cha đã để lại cho chúng ta và con cháu chúng ta một di sản văn hóa huy hoàng được cả thế giới ngưỡng mộ.
Hà Nội ơi, mưa sẽ thuận, gió sẽ hòa để Hà Nội tổ chức thành công đại lễ như một sự tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần cả dân tộc. Miền Trung bão lũ quen rồi, giờ sống chung với nó. Mà nếu có giống như ai đó nói đùa: Miền Trung gánh bão cho Hà Nội đẹp trời mừng đại lễ thì người miền Trung sẽ không chần chừ, vì Hà Nội là "trái tim của cả nước", là niềm tự hào của cả dân tộc.
Quảng Bình cũng đã kịp gửi những người con ưu tú nhất, đó là những người anh hùng, mẹ Việt Nam anh hùng ra Thủ đô dự Đại lễ. Nếu có nhắn gửi gì thì là thủ đô hãy vì cả nước, làm cho thế giới biết văn hóa Việt, tâm hồn Việt không chỉ là trầm tích. Và đừng lãng phí vì miền Trung còn bão lũ, dân mình nhiều nơi còn thiếu đói.
Làm sao để tránh thiệt hại cho dân khi bão lũ bất ngờ? Bài toán ấy lâu rồi vẫn chưa có lời giải?!...Khuya lắm rồi, ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi.... miền Trung ơi, sống chung với bão lũ lâu rồi cũng thành quen, không thấy khổ nữa, nhưng sao vẫn thấy thương quê mình!
Theo Bee.net.vn