Mất nhà vào tay con ruột
Hơn 90 tuổi, ông bà làm hợp đồng tặng cho tài sản cho con với mong muốn được chăm sóc đến khi qua đời, để rồi trở thành người vô gia cư
Dù có nhiều con cháu nhưng cụ N.V.P (SN 1927; ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chỉ sống thui thủi cùng người vợ 90 tuổi mắc bệnh tâm thần. Lúc ông gần tuổi 90, không thể tự chăm sóc cho mình và vợ, ông gọi con gái là bà N.T.T đến ở cùng.
Nuôi cha mẹ phải có điều kiện
Ngày 13-12-2016, vợ chồng cụ P. ký hợp đồng tặng cho con gái toàn bộ tài sản, bao gồm 685,6 m2 đất và nhà trên đất mà ông bà đang ở. Điều kiện là bà T. phải chăm sóc ông bà đến khi qua đời.
Ngày 12-5-2017, bà T. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gồm 2 giấy chủ quyền đất có diện tích là 477,2 m2 và 96 m2. Bà T. cất một căn nhà để cho thuê trên phần đất 96 m2.
Sau khi được tặng tài sản khoảng 2 tháng, bà T. họp gia đình nói không đủ sức khỏe chăm sóc cha mẹ như đã hứa, đề nghị nhường lại phần đất 477,2 m2 cho vợ chồng anh ruột là N.V.V để gánh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Đề nghị này được cả nhà đồng ý nên ngày 28-7-2017, vợ chồng ông V. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này.
Ở với cha mẹ được 6 tháng, vợ chồng ông V. cho rằng cha mẹ khó tính, nhiều lần xúc phạm nên vợ chồng ông V. sẽ không tiếp tục chăm sóc cha mẹ. Thế nhưng, ông V. cũng không đồng ý trả lại tài sản. Cụ P. khởi kiện, đề nghị tòa hủy một phần hợp đồng tặng cho giữa cụ với bà T. và hủy hợp đồng tặng cho giữa bà T. với ông V.
Ngày 24-11-2020, TAND TP Cà Mau xét xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của cụ P. HĐXX cho rằng vợ chồng cụ P. cho tài sản không ngoài mục đích có người chăm sóc lúc già yếu, dù hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện này nhưng có nhiều nhân chứng xác nhận. Bà T. là người đã nhận lời phụng dưỡng nên được tặng toàn bộ tài sản. Khi không đủ sức khỏe, bà T. đã tự nguyện chuyển giao phần lớn tài sản để ông V. tiếp nối trách nhiệm.
Thế nhưng, ngày 25-3-2021, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm lập luận hợp đồng tặng cho giữa bà T. và ông V. không ghi điều kiện tặng cho, cũng không có biên bản họp gia đình thể hiện điều kiện này. Các nhân chứng trong cuộc họp gia đình có lời khai, tường thuật không khớp nhau về việc ông V. hứa phụng dưỡng cha mẹ suốt đời. Ông V. cũng trình bày có hứa nuôi cha mẹ nhưng không hứa sẽ nuôi suốt đời. Ông cũng không đồng ý trả lại phần đất cho cha mẹ vì phần đất do bà T. cho ông chứ không phải cha mẹ cho. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận kháng cáo của ông V., bác toàn bộ yêu cầu của cụ P.
Trong lý phải có tình
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM), bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau giải quyết chưa thấu tình đạt lý, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của vợ chồng cụ P. Luật quy định rất nhiều về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.
Cụ thể, theo quy định tại điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Theo Luật Người cao tuổi năm 2009, gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi; cá nhân có trách nhiệm kính trọng và giúp đỡ người cao tuổi. Nghiêm cấm các hành vi: Không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi; lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi...
"Các cụ không còn khả năng tự chăm sóc nên mới muốn được nương tựa con cháu, đem hết tài sản cho con cũng nhằm mục đích được chăm sóc, giúp đỡ. Việc bà T. chuyển lại phần đất 447,2 m2 cho ông V. xem như đó là "giá trị công lao mà ông V. chăm sóc cha mẹ". Dù không nói ra nhưng các bên trong gia đình đều hiểu như vậy. Trong các hợp đồng tặng cho không ghi rõ nghĩa vụ nhưng về mặt đạo đức, các con phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, chưa nói đến việc đã nhận tài sản cha mẹ tặng cho thì trách nhiệm càng cao hơn" - luật sư Hồ Nguyên Lễ nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, về đạo đức, ông V. đã trái đạo làm con; về mặt pháp luật, tòa án chấp nhận giao đất là quyền lợi cho ông V. mà phớt lờ nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ là không công bằng, không bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho 2 cụ.
"Một bản án thuyết phục phải thấu tình đạt lý. Dù tòa tuyên theo chứng cứ pháp luật nhưng không hợp đạo lý cũng khó chấp nhận. Cái tình, cái đạo làm người nó ấm áp hơn nhiều so với cái lý lạnh lẽo, dù có đúng luật. Mặt khác, nếu giao đất cho ông V. thì ông V. có quyền chuyển nhượng cho người khác, cuộc sống của vợ chồng cụ P. sẽ ra sao?" - luật sư Hồ Nguyên Lễ băn khoăn.
Thiếu sót về tố tụng
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, trong vụ án này, cấp phúc thẩm còn nhiều thiếu sót về mặt tố tụng. Cụ thể, tòa án không giải thích quyền và nghĩa vụ của người liên quan là bà T. Khi cụ P. yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho giữa cụ và bà T., bà T. đồng ý, đồng thời cũng đồng ý hủy hợp đồng tặng cho giữa bà và ông V. Như vậy, tòa án phải hướng dẫn bà T. thực hiện quyền yêu cầu độc lập về việc "yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho giữa bà T. và ông V." (điều 73 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Ngoài ra, vợ ông P. bị tâm thần, không có khả năng nhận thức (theo kết luận giám định) nhưng TAND tỉnh Cà Mau vẫn xác định cụ bà là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do cụ P. làm người "đại diện theo ủy quyền" là chưa đúng quy định pháp luật. Người mất năng lực hành vi dân sự thì không thể ủy quyền mà phải do người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự.
Chưa kể, HĐXX không đưa những người con khác vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng để giải quyết vụ án thấu tình đạt lý cũng thiếu sót về mặt tố tụng...