Lương tri bị đánh cắp
Một người đàn ông đi xe máy tại vòng xoay ngã năm An Dương Vương, TPHCM bị hai tên cướp giật túi xách. Ông giữ chặt túi nên hai bên giằng co một lúc, biết không giật được nên hai tên cướp tẩu thoát. Không may, túi xách bị xé toạc và tiền bên trong rơi hết...
Ngay lập tức, nhiều người đi đường xông vào lượm, một cảnh hỗn loạn xảy ra và sau đó còn lại một mình nạn nhân chơ vơ với chiếc xe máy giữa đường. Ông đã chống chọi được với hai tên cướp, nhưng bất lực nhìn những người không phải là kẻ cướp “cướp” hết số tiền của mình.
Vụ cướp này gợi lên nỗi chua xót trong lòng người, rất đáng suy ngẫm. Người đi đường bị cướp công khai, giữa chốn đông người, nhưng không ai ra tay giúp đỡ; người lợi dụng cơ hội, ùa vào cướp tiền của nạn nhân.
Công tâm mà nói, nếu như có ai đó bị kẻ cướp làm xổ tiền ra đường hay tình cờ bị rơi của cải giữa đường, chắc chắn cũng có một kết quả tương tự vì người tốt chưa nhiều. Đối với vụ cướp nói trên, những người đi trên đường không thực hiện hành vi cướp bóc, nhưng chính họ lại lấy tiền của nạn nhân. Việc làm của họ có khác gì hành vi của kẻ cướp, nhưng họ vẫn tự cho mình là người lương thiện, không vi phạm pháp luật, không gây hại cho ai. Họ không chủ động đánh cắp của ai, nhưng họ sẵn sàng đánh cắp khi có cơ hội. Người tử tế thực sự cảm thấy xấu hổ và lo lắng vì đạo đức xã hội của một bộ phận người dân xuống cấp một cách đáng lo ngại.
Cướp giật là một tệ nạn, nhưng loại tệ nạn khủng khiếp hơn là con người bất chấp đạo lý, công bằng, lòng trung thực chỉ vì đồng tiền và những lợi ích lớn, nhỏ. Hành vi cướp giật có thể bị (và phải bị) xử lý, nhưng hành vi chà đạp đạo đức thì không thể. Nó tồn tại trong lòng xã hội, trong mỗi con người. Nó rất khó nhận diện vì nó đa diện. Một vụ cướp và một nhóm hôi của trên đường là chuyện được nhiều người chứng kiến, còn biết bao nhiêu trò lợi dụng cơ hội để hôi của khác còn tham lam hơn, tàn nhẫn hơn, nhưng không ai biết.
Một xã hội mà con người sẵn sàng lao vào cướp tiền khi người khác lâm nạn thì chưa phải là một xã hội văn minh. Một khi lương tri bị đánh cắp thì mất mát không chỉ là của cải, mà còn nhiều thứ lớn lao hơn.
Báo Lao Động