Lương, Thưởng - đôi điều muốn nói!

Tết vừa qua, tình cờ đọc được trên Vietnamnet về tiền thưởng: “Một DN ngành CNTT đóng trên địa bàn TPHCM vừa “giật” kỷ lục thưởng Tết năm nay: 240 triệu đồng cho người lao động xuất sắc nhất. Trong khi, có doanh nghiệp thưởng chỉ để... “tượng trưng”: 50 ngàn đồng/người”.

Bài báo đưa tiếp: “Tiền lương bình quân trong DN nhà nước đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, riêng các tổng công ty hạng đặc biệt và tập đoàn kinh tế bình quân đạt 3,9 triệu đồng/người/tháng; Doanh nghiệp dân doanh chỉ đạt mức 1,8 triệu đồng trong khi các DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể mức lương bình quân của các DN ở một số vùng kinh tế trọng điểm như sau: TP. Hồ Chí Minh tiền lương bình quân các DN FDI là 2,65 triệu đồng/người/tháng; DN dân doanh đạt 2,3 triệu đồng/người/tháng; trên địa bàn Hà Nội tiền lương bình quân đạt từ 1,8 triệu-2,6 triệu đồng/ người/tháng, người có tiền lương cao nhất là 75,3 triệu đồng/tháng; DN nhà nước và DN dân doanh đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng”. 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Lương, Thưởng là tiền, nhưng là tiền công; nên nó còn là mồ hôi, cơ bắp, trí tuệ! Chưa đủ, Lương, Thưởng còn là danh dự. lòng tự hào... của mỗi Con Người Lao động nữa (trong đó, Thưởng còn được đánh giá cao hơn Lương: “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”)! Nhưng, Lương là Lương, Thưởng là Thưởng; không nên cũng như không thể lẫn lộn. Và chính vì lẽ này, mà ở phía ngược lại, cũng cần hiểu rằng: Lương, Thưởng thể hiện cái Đức “trọng Hiền Tài” của người Lãnh đạo, Quản lý!

 

Vậy nhưng nhiều khi người ta đã rất “cảm tính” trong quyết định về Lương, Thưởng - không chỉ ở cấp “vi-mô” như cơ quan, doanh nghiệp; mà còn ở cả cấp “vĩ-mô” nữa! Trong bài: “Góp bàn về đạo làm thầy” (dantri.com.vn ngày Thứ Năm, 24/01/2008 - 3:26 PM), tác giả Bạch Tường Minh (Hải Phòng), viết: “... Xã hội cần phải tôn vinh người thầy thực sự chứ không phải chỉ  có hình thức. Tôi có một người thầy hơn bốn mươi năm trong nghề, nhà giáo ưu tú hẳn hoi đã nghỉ hưu mà hưởng lương thấp hơn người con của thầy là sỹ quan quân đội chưa được ba mươi năm phục vụ cũng nghỉ hưu”. Có điều này cần phải nói ngay: Nhà Nước ta đã từng có một quyết sách rất công bằng và hợp lòng Dân: đối với những người công tác hoặc chiến đấu ở chiến trường B, C, K, tùy theo thời gian công tác trực tiếp của từng người mà áp dụng “hệ số tính đổi” phù hợp - đấy chính là khoản Thưởng, thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt; sự biết ơn của xã hội đối với những người con đã hy sinh xương máu cho Độc lập, Thống nhất của Tổ Quốc!.. Còn đã là “Lương”, thì nhất quyết phải trả theo “sức lao động”, theo “giá trị, hiệu quả lao động”! Thật không thể hiểu nổi, khi hai sinh viên sư phạm cùng tốt nghiệp ra tường, cùng làm công việc giảng dậy trên một địa dư; mà em nọ được trả lương gần gấp hai em kia, chỉ vì môi trường công tác của hai em khác nhau, một là dân sự, còn một là quân sự?

 

Lương cần phải “tính đúng, tính đủ”. Một bài viết trên Lao Động bình luận: “Ai cũng thấy sự vô lý khi bộ trưởng lương mỗi tháng cũng chỉ 4,5 triệu đồng”! Về điểm “vô lý” này, tôi cũng đã có lần được phát biểu với ông Đặng Quốc Bảo, lần ông về thăm cơ sở chúng tôi, khi ông còn là Trưởng Ban Khoa Giáo Trung ương: “Mới nghe thì lương giám đốc như tôi chả nhiều nhặn gì so với lương một công nhân trong doanh nghiệp. Nhưng ngoài lương, tôi còn nhiều khoản khác, như đi lại bằng xe ô-tô công, như tiếp khách bằng tiền doanh nghiệp, như đi “tham quan du lịch nước ngoài” bằng “ngân sách” Nhà Nước cấp... Các khoản ngoài lương ấy lại không bị khống chế - nhiều ít tùy tâm người được hưởng! Mà đã tùy, thì rất dễ ... “tiện”, có khí các khoản “tùy tiện” này lớn gấp mấy lần, thậm chí mấy chục lần... lương! Mầm mống của lợi dụng chức quyền để tham ô trục lợi, bắt nguồn chính từ đây!”. Sự “cào bằng” trong thiết chế thang, bậc lương, rõ ràng không đem lại sự “công bằng”. Vậy, tại sao lại không khoán tất cả mọi chi phí hành chính, mọi chế độ về giao thông,... tức mọi thứ “tiền chùa” vào lương người quản lý? Lúc ấy, trong xã hội, sự chênh lệch về lương sẽ rất lớn, nhưng công quỹ sẽ được giảm chi và nạn lãng phí - tham ô sẽ được đẩy lùi;  bởi không lẽ người ta lại tham ô - lãng phí chính đồng lương của họ? Lúc ấy chúng ta sẽ không chỉ thoáng trông thấy một ông Thứ trưởng đi xe ôm đến cơ quan làm việc như báo chí đã đưa, mà sẽ là rất, rất nhiều!... Chắc chắn là như vậy.

 

Lương còn phải trả đúng việc nữa! Làm việc gì, trả Lương việc ấy đã đành; việc chỉ cần mức lương này, thì không thể trả mức lương kia. Thí dụ: có người đã nhận xét: ở các nước, cảnh sát giao thông đường phố chỉ là cấp ”sỹ”, cấp “úy”; chứ không nhiều “thiếu tá”, “trung tá” như ở ta!

 

Lương phải đủ “tái sản xuất sức lao động”. Dantri.com.vn (Thứ Hai, 19/11/2007 - 10:24AM) đăng bài “Lương có đủ sống?”: “Tiền lương phải đảm bảo cho người lao động những nhu cầu tối thiểu nhất về ăn, mặc, ở, giải trí. Thế nhưng, với cách tính lương hiện nay, chỉ ăn và mặc đã “khấu trừ” gần hết. Nhu cầu ở và giải trí thì vẫn còn “ở nơi đâu xa lắm”. Chúng ta “tăng lương” mấy năm nay, thực chất chỉ mới “bù trượt giá”, không hơn không kém!  Lý giải về vấn đề này, các nhà “nghiên cứu cải cách tiền lương” thường viện cớ: không có nguồn! Đã nhiều người nói rồi: nguồn ở chính sự lãng phí, tham ô trong bộ máy công quyền; ở chính nền hành chính cồng kềnh chưa cải cách được bao nhiêu! Và còn cả ở vấn đề này: cần sắp xếp lại một số “tổ chức xã hội” chi bằng ngân sách quốc gia, mà hoạt động mang tính hình thức, ít hiệu quả. Ví dụ, Hội chi bằng 38% ngân sách Văn phòng Chính phủ, gấp 2,9 lần Văn phòng Chủ tịch nước! Có tổ chức  “Liên minh” chi ngân sách là 62.840.000đ, bằng 1,4 lần ngân sách của Văn phòng Chủ tịch nước! Song, người hội viên được “hưởng” những gì về đầu vào, đầu ra của sản phẩm, về dự báo thị trường...? (Nguồn: Báo tuổi Trẻ Chủ Nhật, 09/12/2007, 07:00 (GMT+7).

                  

Lương-hưu cũng phải được đối xử như Lương, bởi nó cũng chính là Lương, là giá trị sức lao động quá khứ, là “khoản lương trích để dành” của người lao động; chứ không phải “tiền trợ cấp xã hội”! Đã là Lương, thì không thể, cùng một “cấp bậc”, người về hưu sau lại có lương hưu cao hơn người về hưu trước – tiền hậu bất nhất. Dịp Tết vừa rồi, anh bạn tôi đến thăm “thủ trưởng” cũ của mình, nguyên “giám đốc một sở” (hai chục năm trước gọi là Trưởng Ty), được ông cho biết, “Lương hưu” của ông hiện nhận là một triệu sáu, tức “thua” lương hưu một giám đốc doanh ngiệp quốc doanh dưới quyền quản lý của ông là anh, tới sáu trăm ngàn đồng! Còn bản thân anh, lại thua lương hưu của người trưởng phòng kinh doanh chính ngay doanh nghiệp cũ mà anh từng quản lý (năng lực sản xuất kinh doanh hầu như không thay đổi, nếu như không muốn nói là đã sút kém!), chỉ vì anh này nghỉ hưu sau anh bạn tôi gần chục năm! Những thí dụ như thế có rất nhiều và còn vô lý hơn rất nhiều!

 

Lương, Thưởng còn là “công cụ giáo dục” cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển - bởi nó góp phần quyết định việc khuyến khích lao động, cải tiến công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm và tăng năng xuất lao động! Cho nên, hoàn toàn có thể nói: trân trọng với việc trả Lương, Thưởng chính là trân trọng sức lao động, con người lao động! Đó là quan điểm đúng đắn, trước sau như một, nhằm mục tiêu thu hút, khuyến khích và sử dụng nhân tài - điều mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang và mãi mãi đề cao!  

 

Trần Huy Thuận
(thuanhuytran@gmail.com)

 

LTS Dân trí - Chúng ta thường nói: con người là vốn quý nhất, bởi con người vừa là chủ thể của quan hệ sản xuất vừa là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất - yếu tố duy nhất biết sáng tạo, vì vậy đầu tư cho con người nói chung, chăm lo đời sống và tạo điều kiện tốt nhất cho con người làm việc phải được đặt lên vị trí ưu tiên đầu tư. Vậy mà việc xây dựng và thực hiện chế độ lương lại không đúng với quan điểm đúng đắn vừa nói, còn nhiều bất hợp lý, làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội.

 

Chủ trương cải cách cơ bản tiền lương đã có từ lâu, nhưng việc xây dựng đề án cải cách tiền lương kéo dài mãi mà chưa trở thành hiện thực, phải chăng vì chưa có điều kiện khả thi như  một số người nói (?) Không biết cuối năm nay, theo kế hoạch phấn đấu thì nước ta sẽ vượt qua cái ngưỡng của nước  đang phát triển có mức thu nhập thấp, thì khi đó đề án cải cách tiền lương có trở thành hiện thực hay không? Điều ấy chắc không chỉ phụ thuộc vào tổng số quỹ lương cho phép mà còn phụ thuộc vào việc cải cách tổ chức để làm gọn nhẹ bộ máy các cơ quan hành chính, công quyền cũng như các cơ quan, đoàn thể vẫn được nhà nước “bao cấp”.