Đội ngũ cán bộ trí thức miền núi:

Lượng đã ổn, cần bổ sung thêm chất

Nhờ có nghị quyết TW2 khoá VIII về Giáo dục & Đào tạo, đã thổi luồng gió mới vào sự nghiệp giáo dục miền núi, cùng với chủ trương “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài và chính sách luân chuyển cán bộ của Đảng.

Đội ngũ trí thức ở miền núi đã có sự tăng lên rõ nét về lượng. Bộ mặt miền núi đã có sự khởi sắc, nhưng xét về chất thì còn nhiều điều.... trăn trở”

Lượng đã tăng nhiều

Trong hơn 20 năm đổi mới, nhất là từ khi có nghị quyết TW2 khoá VIII về giáo dục đào tạo để “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài”. Đội ngũ cán bộ trí thức ở miền núi nói chung, Huyện Con Cuông nói riêng, đã được tăng lên đáng kể. Trong đó có hai ngành là giáo dục và y tế, số có trình độ đại học và trên đại học hàng năm bổ sung về các huyện miền núi nhiều hơn. Thông qua nhiều hình thức đào tạo như: Học tại chức, học từ xa; Học chuyên tu ... Đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp từ xã đến huyện cũng đang ngày càng được chuẩn hoá, hầu hết đã có trình độ chính trị, trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; Một ít cán bộ chủ trì cấp xã đã có trình độ đại học.

Cán bộ các ngành cấp huyện hầu hết đã có trình độ cao cấp chính trị và đại học theo chuyên ngành. Sự bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, đang làm cho sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng tại các huyện miền núi ngày càng khởi sắc. Nhờ được đào tạo về chuyên môn, nên sự nắm bắt công việc và điều hành bộ máy được trôi chảy hơn. Công tác tổ chức cán bộ cũng dễ bố trí sắp xếp hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ tại huyện Con Cuông đã có trên 10 thạc sỹ và chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và hàng trăm cán bộ có trình độ đại học, tại 13/13 xã, thị trấn các đồng chí cán bộ chủ trì đã có ít nhất một bằng là trung cấp chính trị.

Trong số đội ngũ trí thức của huyện, rất nhiều người trong số này là con em dân tộc thiểu số. Chính nhờ sự tăng cường “chất xám” mà Kinh tế con cuông ngày càng phát triển, trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nếu như hơn mười năm trước diện tích rẫy là cả ngàn ha , thì nay cơ bản đã không còn; Diện tích lúa nước năm 2010, đã có trên 1.700 ha, tăng gấp hai lần mười năm trước đây.

Trên diện tích cây trồng các loại đã cơ cấu gần 100% giống mới có năng suất cao, năng suất lúa nước tại Con Cuông cao hơn hoặc bằng năng suất lúa của các huyện miền xuôi; Năng suất ngô luôn đạt cao hơn các huyện; Chăn nuôi cũng đã có bước phát triển, chú trọng chăn nuôi hàng hoá không còn thả rông như trước đây. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 34,5%, Con Cuông ra khỏi danh sách các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% của cả nước.

Lượng đã ổn, cần bổ sung thêm chất - 1

Cán bộ phòng nông nghiệp đang hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống mới tại Môn Sơn

Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ nét, số học sinh giỏi huyện, Tỉnh và có cả học sinh giỏi quốc gia. Số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng, vào trường chuyên Phan Bội Châu... năm sau cao gấp hai, gấp ba lần năm trước. Các tập quán lạc hậu đã được ngăn chặn và đẩy lùi, bà con ốm đau biết đi viện, không còn bói toán, khài cúng như trước đây; Đời sống văn hoá tại các cộng đồng dân cư đang ngày càng khởi sắc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trăn trở về chất

Bên cạnh sự tăng nhanh về lượng, làm chuyển biến kinh tế - xã hội của huyện nhà, nhưng so với tiềm năng và lợi thế cả về tài nguyên và địa hình, địa lý thì sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi nói chung, Con Cuông nói riêng là chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác được những lợi thế như du lịch sinh thái, khai thác khoáng sản, nhất là phát triển kinh tế rừng... có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ nói chung, trí thức ở huyện nói riêng chưa đủ trình độ cả về chuyên môn và quản lý.

Việc luân chuyển cán bộ đã cho thấy nhiều mặt tích cực nhưng qua thực tiễn cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc tăng cường cán bộ thường có thời hạn, chưa nói đến lạ nước, lạ cái. Bên cạnh đó, vì nghĩa vụ phải đi, nên họ thường làm việc theo kiểu làm sao cho trên không chê dưới không trách để “mãn hạn” mà về.
 
Mặt khác hầu hết cán bộ trí thức ở địa bàn đều chủ yếu được đào tạo theo hệ tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa, đào tạo qua cử tuyển, nên chất lượng chưa đạt “chuẩn”. Không ít cán bộ có trình độ đại học nhưng không đáp ứng được yêu cầu công tác. Có người được đào tạo cao hơn, khi về vẫn không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, khi tỉnh kiểm tra xếp loại năng lực yếu.
 
Do vậy, để có thể thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Con Cuông nói riêng hay sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, bên cạnh sự phát triển ồ ạt về lượng như hiện nay, còn rất cần có sự đầu tư, kiểm tra để nâng cao về chất cho các cán bộ chuyên môn, quản lý. Có như vậy thì Việt Nam mới sớm phát triển ngang với các nước trong khu vực.

Phùng Văn Mùi