Lực cản của cuộc vận động “Hai không”?

Một thực tế rất dễ nhận ra là có không ít cán bộ quản lý giáo dục đã trở thành những “đại gia” giàu sang, uy quyền “thét ra lửa”. Nguy hại nhất là rất nhiều người coi đó là chuyện đương nhiên, và hầu như không nghĩ đến việc đấu tranh xóa bỏ.

Từ năm học 2006-2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Hai không” nổi tiếng: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD”. Bước sang năm học 2007-2008, cuộc vận động “Hai không” được bổ sung thêm hai nội dung mới: Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu xã hội. Ngành giáo dục (GD) gọi là cuộc vận động “Hai không bốn nội dung” với ý tưởng tiếp tục tinh thần cuộc vận động “Hai không” trước đó. Cũng có một số ý kiến gọi đó là cuộc vận động “Bốn không”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Điều đó cho thấy Bộ GD-ĐT quyết tâm theo đuổi mục tiêu của cuộc vận động “Hai không” nhằm nâng cao chất lượng GD, thực hiện thành công chiến lược con người, đưa GD vượt qua những trì trệ, yếu kém để hội nhập với nền GD tiên tiến của thế giới. Khi đặt vấn đề triển khai cuộc vận động “Hai không”, Bộ GD-ĐT đã xác định được nhiều mặt tồn tại của nền GD, và quyết định chọn một yếu tố để làm khâu đột phá nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GD. Và yếu tố được chọn là “bệnh thành tích”, một căn bệnh trầm kha đã để lại nhiều di chứng nặng nề.

Đây quả thực là một yếu tố tiêu cực nổi cộm, và khi Bộ GD-ĐT chọn nó làm mục tiêu “công kích” tạo “đột phá khẩu”, dư luận xã hội đã rất quan tâm, đồng tình. Có thể nói từ trước đến nay chưa thấy một cuộc vận động nào của ngành GD được dư luận xã hội quan tâm như vậy. Dư luận xã hội là một sự động viên, hỗ trợ to lớn, đồng thời cũng tạo nên một áp lực lên cuộc vận động.

Từ hệ quả của cuộc vận động “Hai không”, dư luận quan tâm nhiều hơn đến hiện tượng học sinh (HS) bỏ học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2007-2008 có 147.000 HS phổ thông bỏ học. Trước hiện tượng này, có một số ý kiến cho rằng “Hai không” là “thủ phạm” chính của hiện tượng HS bỏ học. Tuy nhiên, con số thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trước khi có cuộc vận động, hiện tượng HS bỏ học đã diễn ra, thậm chí có phần trầm trọng hơn sau khi triển khai cuộc vận động. Vì vậy, việc đổ lỗi hoàn toàn cho “Hai không” là không thoả đáng.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận cuộc vận động “Hai không” là một trong những nguyên nhân khiến HS bỏ học (bên cạnh những nguyên nhân cố hữu đã được ngành GD và dư luận đề cập). Theo chúng tôi, việc HS bỏ học là một “tác dụng phụ” không mong muốn của “liều thuốc” “Hai không”, và không vì những tác dụng phụ ấy mà bỏ đi không dùng một bài thuốc quí có thể chữa khỏi căn bệnh trầm kha của ngành GD. Vấn đề là phải làm sao hạn chế tối đa những tác dụng phụ ấy, nhằm tránh những thiệt thòi cho thế hệ tương lai của đất nước.

Từ thực tiễn triển khai cuộc vận động đã cho thấy nhiều căn bệnh cố hữu của ngành GD, nguyên nhân sâu xa của những yếu kém, bất cập mà bệnh thành tích chỉ là biểu hiện bên ngoài. Những căn bệnh ấy chính là lực cản rất lớn của cuộc vận động. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng, việc chữa bệnh thành tích mới chỉ là chữa triệu chứng, cho nên kết quả còn nhiều hạn chế.

Việc chống bệnh thành tích, chống tiêu cực trong thi cử là cách làm “cắt khúc”, làm “từ dưới lên” chứ không phải là một cách làm toàn diện, “từ trên xuống”. Vì vậy, nạn nhân trực tiếp chịu ảnh hưởng là HS, nhất là những HS vùng sâu vùng xa, những HS gia đình khó khăn, không có điều kiện quan tâm, kèm cặp, đầu tư cho con ăn học. Hậu quả là khi triển khai quyết liệt cuộc vận động, các em bị cho ra rìa, tiếp tục sa vào vòng luẩn quẩn: thất học, nghèo đói và dễ sa vào tệ nạn xã hội. Còn những cán bộ quản lý GD, các thầy cô vẫn “ung dung”, vì “mũi nhọn”, “áp lực” của cuộc vận động đâu có dồn lên họ!

Trong xã hội có tiêu cực gì thì trong GD đều có, và lâu nay vẫn “hồn nhiên” tồn tại: chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tội, tham nhũng, quan liêu, vi phạm pháp luật, thiếu dân chủ, vi phạm kỉ cương, vụ lợi… Đây là căn bệnh chủ yếu của các nhà quản lý GD, nhất là những người đứng đầu, Hiệu trưởng các trường, Trưởng phòng, Giám đốc Sở GD-ĐT…

Đơn cử một ví dụ: Ai trong ngành GD cũng biết vị trí Trưởng phòng tổ chức-cán bộ của Phòng-Sở GD-ĐT là một vị trí rất “thơm tho”, “tiền vào như nước” vì nắm quyền điều động, thuyên chuyển giáo viên trong khi nhu cầu này luôn thường trực trong một bộ phận đông đảo giáo viên. Nhiều giáo viên công khai kể chuyện mình đã thuyên chuyển được như thế nào, đưa phong bì cho ai, với những “mức giá” cụ thể. Các giáo viên muốn thuyên chuyển đều phải “tham khảo” những “mức giá” đó. Tiêu cực phổ biến đến mức nếu giáo viên nào không có “quan hệ” mà nộp đơn xin thuyên chuyển đến nơi phù hợp hơn thì bị xem là… “thần kinh có vấn đề”!

Đây là một “mảng tối” rất lớn mà việc bóc gỡ hết sức khó khăn. Một thực tế rất dễ nhận ra là có không ít cán bộ quản lý GD đã trở thành những “đại gia” giàu sang, uy quyền “thét ra lửa”. Nguy hại nhất là rất nhiều người coi đó là chuyện đương nhiên, và hầu như không nghĩ đến việc đấu tranh xóa bỏ.

Các nhà quản lý GD biến chất rất giỏi “biến hóa”, luôn “chấp hành” đầy đủ, nghiêm túc qui định của cấp trên. Trước đây, cấp trên lơi lỏng thì “thả”, bây giờ Bộ triển khai cuộc vận động “Hai không” thì “siết chặt”, nói chung luôn đóng vai “năng nổ, mẫn cán”, hết lòng “vì tương lai con em chúng ta”. Thật khó phân biệt những nhà quản lý GD chân chính, có tâm huyết với những kẻ cơ hội, luôn đặt mục tiêu “giữ ghế”, “thăng chức” lên hàng đầu.

Vì mất lòng tin vào đội ngũ cán bộ quản lý, cho nên sự chuyển biến của đội ngũ giáo viên trước cuộc vận động “Hai không” cũng rất chậm chạp, thậm chí một bộ phận không chuyển biến, chỉ thiên về đối phó. Sự trì trệ, yếu kém của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như không ít giáo viên đang là một tồn tại rất lớn mà ngành GD chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Thực tế là những người làm việc trong ngành GD đều có mức thu nhập (bằng lương) thấp, nếu không nói là rất thấp. Xin đơn cử như tác giả bài viết này có trình độ cử nhân sư phạm, đi dạy đã 10 năm, song lương mỗi tháng hiện tại chưa mua nổi 160 kg gạo, còn những giáo viên mới ra trường thì lương quá thấp. Do đó đã có một điều luật “bất thành văn” là phải để cho cán bộ quản lý GD và giáo viên xoay xở bằng cách nào đó, dù chính đáng (hợp pháp) hay không.

Nguy hại nhất là những thói xấu, những suy nghĩ lệch lạc đã “thâm căn cố đế” trong không ít giáo viên, trở nên bình thường, phổ biến và cái tốt bị coi là lập dị hay “ngớ ngẩn”. Trong tình hình như thế (và đã kéo dài nhiều năm) thì rất khó để cho các nhà quản lí GD, đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý với sự nghiệp “trồng người”.

Việc kêu gọi lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo là một việc hay nên làm, trước đây công đoàn ngành GD đã có cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” và hiện nhiều trường vẫn treo câu khẩu hiệu “Tất cả vì HS thân yêu”. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần biểu dương những tấm gương sáng, hết lòng vì sự nghiệp GD trong ngành GD và trong nhân dân. Tuy nhiên, đối với Bộ chủ quản thì điều quan trọng là có những giải pháp vĩ mô về cơ chế, chính sách đúng đắn, đồng bộ, mạnh mẽ để xoay chuyển tình hình, thu hút nhân tài, khuyến khích sự không ngừng nâng cao trình độ và trau dồi nghề nghiệp, nỗ lực cống hiến sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tạo nên một môi trường GD trong sáng, trung thực, nhân văn.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Hoạt động yếu kém của bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào đều có nguyên nhân chủ quan giữ vị trí hết sức quan trọng, đấy là sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý. Nói riêng ngành GD, cũng nằm trong quy luật chung đó, mặc dù chúng ta vẫn hết sức trân trọng đội ngũ thầy cô giáo, nhiều người thật sự có tài và có tâm, nhưng cơ chế quản lý còn những khiếm khuyết, chưa bảo đảm tính chuẩn mực trong việc tuyển dụng giáo viên cũng như đề bạt, cất nhắc cán bộ quản lý, thậm chí còn để xảy ra những tiêu cực phổ biến như tác giả bài báo đã nêu.
 
Chính điều đó đã làm triệt tiêu động lực phấn đấu của đội ngũ giáo viên. Và đấy cũng là lực cản quan trọng làm hạn chế kết quả của cuộc vận động “Hai không”. Hiện tượng “làm láo báo cáo hay” vẫn còn còn tồn tại trong cuộc vận động này.

Đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong ngành GD, đương nhiên cần những giải pháp đồng bộ: đổi mới về cơ bản cơ chế, chính sách cho phù hợp và xứng đáng với vị trí của nghề “trồng người”; đồng thời tiếp tục kiên trì đẩy mạnh cuộc vận động “Hai không”, lập lại kỷ cương và môi trường sư phạm lành mạnh, chuẩn mực. Chỉ có như vậy thì ngành GD mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của mình trong sự nghiệp “trồng người’, yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập vào nền văn minh của nhân loại trong thời đại ngày nay.