Bài 9:
Luật sư kiến nghị đình chỉ vụ án người dân bị khởi tố tội Lạm quyền tại Hải Dương
(Dân trí) - “Chủ thể của tội phạm Lạm quyền chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Điều 277 BLHS đã định nghĩa rõ ràng: “Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Căn cứ vào định nghĩa trên, ông Tình, một người dân bình thường đang điều trị bệnh tâm thần không thể nào lạm quyền được”, luật sư Nguyễn Quang Hùng phân tích.
Không chức tước hay địa vị trong công ty, thế nhưng anh Phạm Văn Tình bỗng dưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Sau loạt bài điều tra của Dân trí, TAND huyện Nam Sách đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKSND huyện Nam Sách điều tra bổ sung.
Sau khi nhận định đây là vụ án phức tạp, TAND huyện Nam sách đã chính thức có Thông báo số 01/2016/TB-TA do thẩm phán Vũ Thanh Tuấn ký ban hành ngày 29/6/2016 cho biết: Ngày 4/5/2016, TAND huyện Nam Sách thụ lý hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm với bị can Phạm Văn Tình (SN 1972), trú tại khi 1, Bích Nhôi, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn - Hải Dương) bị VKSND huyện Nam Sách truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
TAND huyện Nam Sách nhận định: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét thấy cần thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được. Vì vậy, ngày 27/6/2016, TAND huyện Nam Sách đã có Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho VKSND huyện Nam Sách.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương gửi công văn đề nghị Bộ Công an xác minh làm rõ vụ việc ông Phạm Văn Tình là một người dân kêu cứu khi bị Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) khởi tố về tội Lạm quyền.
Luật sư Nguyễn Quang Hùnng: "Tôi xin kính đề nghị Tòa Án nhân dân huyện Nam Sách xem xét lại toàn bộ vụ việc và tiến hành Đình chỉ vụ án, đồng thời thẩm tra, xác minh giải quyết việc oan sai theo đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền lợi và danh dự của công dân ông Phạm Văn Tình”.
Nhìn nhận toàn bộ sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự thì: "Trong trường hợp vụ án do… Tòa án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng… Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra".
Với quy định này, thời hạn điều tra của cơ quan điều tra chỉ có 1 tháng (30 ngày), sau đó, phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) để xem xét lại việc truy tố (tùy thuộc vào kết quả điều tra bổ sung có làm thay đổi nội dung cáo trạng đã truy tố hay không).
Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng… kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra một trong những quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKS có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 1 Điều 166). Như vậy, thời hạn dành cho VKS giải quyết hồ sơ được điều tra bổ sung tối đa (đối với tội phạm ít nghiêm trọng) cũng là 30 ngày.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án, Điều 176 cũng quy định: Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
Như vậy, theo quy định này thì thời hạn tối đa để mở phiên tòa là 45 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận lại hồ sơ do VKS chuyển sang”.
Anh Phạm Văn Tình kêu oan sau khi bị quy kết phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Bày tỏ quan điểm về việc ông Phạm Văn Tình bị khởi tố tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, luật sư Hùng phân tích: “Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Điều 277 Bộ luật Hình sự đã định nghĩa rõ ràng: “Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Căn cứ vào định nghĩa trên, Ông Tình không thể thỏa mãn yêu cầu về chủ thể.
Thứ nhất, ông Tình làm việc cùng Đội kiểm tra liên ngành của Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn, Hải Dương căn cứ theo Hợp đồng số 01/HĐDS giữa văn phòng HĐND - UBND huyện Kinh Môn và Công ty Cổ phần Đông Hải 27/7(sau đây gọi tắt là Công ty Đông Hải; Quyết định của giám đốc Công ty Đông Hải ngày 11/6/2010. Trách nhiệm của ông Tình khi tham gia cùng đội liên ngành là điều khuyển phương tiện tuần tra - kiểm soát trên sông, áp tải, trông giữ và bảo quản phương tiện vi phạm. Ông Tình chỉ có trách nhiệm phối hợp, trợ giúp Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, bơm hút cát, sỏi lòng sông. Ông Tình không thể có đủ tư cách, thẩm quyền để chỉ đạo, điều hành việc xử phạt vi phạm cũng như thu bất cứ một khoản tiền tiền phạt gì.
Thứ hai, tại thời điểm diễn ra sự việc, ông Tình đang trong thời gian tạm đình chỉ công tác để điều trị bệnh động kinh tái phát. Giám đốc Công ty Đông Hải đã có Quyết định tạm đình chỉ công việc của tôi kể từ ngày 24/6/2010. Như vậy, ngày 09/7/2010 ông Tình không có mặt tại nơi xảy ra sự việc, trong thời gian này ông Tình nghỉ việc nên không có trách nhiệm thực hiện công việc của Công ty Đông Hải 27/7 phân công phối hợp với đội kiểm tra liên ngành của UBND huyện Kinh. Sự việc xảy ra sau ngày đình chỉ công tác, ông Tình không được nắm rõ.
Việc anh Phạm Văn Tình phải điều trị bệnh tâm thần mất 55% khả năng lao động được Hội đồng giám định Y khoa Trung ương kết luận.
Thứ ba, sau khi ông Tình nhận được quyết định tạm đình chỉ công tác để điều trị bệnh tại nhà nhưng các dấu hiệu bệnh ngày càng nặng thêm. Đến ngày 01/7/2010, ông Tình rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh và được gia đình đưa đi cấp cứu tại phòng khám đa khoa Mạo Khê - Đông Triều, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội điều trị tới ngày 06/7/2010 thì được gia đình xin điều trị ngoại trú tại nhà. Việc cấp cứu và chữa trị đều có Phiếu sao hồ sơ bệnh án và Giấy ra viện của bệnh nhân chứng minh. Theo Phiếu sao Hồ sơ bệnh án, ông Tình được chuẩn đoán là: “đau đầu mạch máu (theo dõi cơn động kinh sau tai biến máu não)”, khi được đưa vào viện thì có các hiện tượng “đau đầu dữ dội, co giật toàn thân, sùi bọt mép, mất ý thức.”
Sau khi được xin về điều trị tại nhà, dù hết co giật nhưng thể trạng và ý thức điều khuyển hành vi của ông Tình vẫn chưa được phục hồi, không thể minh mẫn như người bình thường. Vì vậy, sau chưa tới 3 ngày xuất viện, vào thời điểm xảy ra sự việc, ông Tình không thể trong tình trạng tỉnh táo, sáng suốt, đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đây là bằng chứng hết sức rõ ràng chứng minh ông Tình ngoại phạm.
Do vậy, Ông Tình không thể đảm bảo về yếu tố chủ thể của tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ như Kết luận điều tra của Công an huyện Nam Sách.và Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân huyện Nam Sách.
Về hành vi khách quan, theo như Bản Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra và Truy tố của Viện kiểm sát thì vào ngày 09/7/2010, Phạm Văn Cơ sau khi bắt được chủ tàu HD- 0639 đang có hành vi hút cát trái phép lòng sông Kinh Thầy đã điện thoại cho ông Tình xin ý kiến về việc xử phạt, ông Tình đã có hành vi: “không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đã có hành động, lời nói yêu cầu ông Nguyễn Đức Diệp, sinh năm 1952 ở Thanh Niên, Cộng Hòa, Kim Thành, Hải Dương phải miễn cưỡng nộp cho Cơ, Tình, Ninh số tiền 5.000.000đ”
Có sự bất hợp lý trong khẳng định trên khi ông Phạm Văn Cơ - Cán bộ hạt giao thông huyện Kinh Môn, người được triệu tập vào đội liên ngành thời điểm đó, người có trách nhiệm, thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm lại phải hỏi ý kiến và nghe theo sự điều hành của ông Tình - người không hề có thẩm quyền gì trong việc xử phạt, đã nghỉ việc, đang điều trị bệnh tại nhà. Mà phải nói thêm rằng nếu có đi làm thì ông Tình chỉ có trách nhiệm phối hợp với Đội liên ngành trong việc điều khuyển phương tiện tuần tra, kiểm soát trên sông, áp tải, trông giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, không hề có thẩm quyền gì trong việc xử phạt.
Quyết định Huỷ bỏ biện pháp tạm giam với anh Phạm Văn Tình do ông Nguyễn Hoàng Dương - Viện trưởng VKSND huyện Nam Sách ký (hiện ông Nguyễn Hoàng Dương đã được bổ nhiệm giữ cương vị Viện phó VKSND tỉnh Hải Dương).
Ngày 11/12/2015, thượng tá Lê Minh Khang - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách ký Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can Phạm Văn Tình sang tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Cùng đó, Trung tá Đào Đình Đại - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách ký Quyết định phục hồi điều tra bị can với anh Phạm Văn Tình về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
VKSND huyện Nam Sách truy tố bị can Phạm Văn Tình do ông Nguyễn Văn Núi - Viện phó VKSND huyện Nam Sách ký (Ông Nguyễn Văn Núi là kiểm sát viên vụ khởi tố bị can Phạm Văn Tình trước khi được bổ nhiệm cương vị viện phó).
Sẽ hợp lý hơn nếu ông Cơ gọi điện cho ông Tình để hỏi về việc kéo tàu vi phạm về bãi. Thời điểm nhận cuộc gọi, ông Tình vẫn trong trạng thái tính thần không được minh mẫn. Hơn nữa đây là cuộc gọi hỏi về mức tiền kéo tàu bình thường, không có chút lời nói đe dọa nào, sự việc cũng được ông Diệp chủ tàu xác nhận sau này. Cơ quan điều tra cũng không hề thu thập được chứng cứ nào về nội dung cuộc nói chuyện ngoài lời khai của những người liên quan. Chỉ có vài lời nói qua điện thoại khi tinh thần không được tỉnh táo mà Cơ quan điều tra chụp mũ là hành vi lạm quyền, vượt quá quyền hạn thì thật sự không thuyết phục.
Về ý chí chủ quan, ông Phạm Văn Tình chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của người có hành vi vi phạm hành chính. Thời điểm nhận được cuộc gọi, ông Tình không hề biết ông Diệp là ai và chưa từng tiếp xúc. Vì thời điểm đó vẫn đang chữa bệnh, cơ thể mệt mỏi nên khi ông Cơ (người mới tham gia vào Đội liên ngành) chưa rõ về phí thuê kéo tàu vi phạm về bãi nên tôi đã trả lời mức phí là 5.000.000 đ để anh Cơ tham khảo. Việc làm đó chỉ là cung cấp thông tin cho ông Cơ. Còn thời điểm đó ông Tình đã không còn trách nhiệm trong việc phối hợp với Đội liên ngành”.
Từ những phân tích trên, luật sư Nguyễn Quang Hùng kiến nghị: “Với tất cả những vấn đề nêu trên, tôi xin khẳng định rằng ông Tình không phạm tội ““Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Ông Tình bị oan. Việc cơ quan điều tra kết luận và Viện kiểm sát truy tố là không có căn cứ. Sau khi tại ngoại, ông Tình được gia đình điều trị động kinh có rối loạn tâm thần tại Bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh từ ngày 29/12/2010 đến ngày 20/1/2011. Nhưng di chứng để lại sau khi được tại ngoại là vô cùng nặng nề đối với một bệnh nhận như ông Tình.
Hiện tại, sức khỏe ông Tình không tốt. Tôi xin kính đề nghị Tòa Án nhân dân huyện Nam Sách xem xét lại toàn bộ vụ việc và tiến hành Đình chỉ vụ án, đồng thời thẩm tra, xác minh giải quyết việc oan sai theo đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền lợi và danh dự của công dân ông Phạm Văn Tình”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế