Bạn đọc viết:

Lớp trẻ đang dần quay lưng lại với nghề dạy học

(Dân trí) - Từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng những câu nói tôn vinh nghề dạy học như "Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư", "nghề dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý"... Thế nhưng hãy xem thực tế hiện nay ra sao.

Lớp trẻ đang dần quay lưng lại với nghề dạy học - 1
Cuộc sống của giáo viên vùng cao vô cùng khó khăn, vất vả.               
 
Hiện nay, lớp trẻ đang dần quay lưng lại với nghề dạy học. Câu nói: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm dường như là nỗi ám ảnh. Mỗi khi đặt bút đăng ký dự thi vào một ngành Sư phạm của một trường đại học – cao đẳng nào đó, các em học sinh sẽ không khỏi boăn khoăn, suy xét. Phải chăng nghề sư phạm có một cái tội lớn, đó là “nghèo”?

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đưa ra những chủ trương, chính sách để thu hút sinh viên theo ngành sư phạm như: chính sách học bổng, miễn học phí cho những ai theo học ngành sư phạm, cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ngân hàng để trang trải kinh phí học hành… Tuy nhiên, chừng đó có lẽ cũng không đủ để “níu chân” những học sinh mặn mà hơn với nghề sư phạm (nhất là những học sinh giỏi THPT).

Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận để lý giải điều này. Tuy nhiên trong bài viết này, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số điểm giải thích như sau:

Trước hết, không chỉ dừng lại ở quan điểm từ xưa đến nay đối với ngành sư phạm, mà thực tế đào tạo sinh viên ngành sư phạm hiện nay còn có khá nhiều bất cập. Khâu tuyển sinh hiện nay còn khá tràn lan, thiếu sự tính toán, khảo sát. Chương trình đào tạo các ngành sư phạm còn mang nặng lý thuyết, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của ngành giáo dục nước nhà.

Mặt khác, sau khi ra trường, sinh viên phải đối mặt với thực tế ngặt nghèo là: thiếu việc làm. Hiện nay, số lượng giáo viên ở hầu hết các môn học không ở trong tình trạng thiếu thốn như các năm trước đây. Từ đó, nhu cầu giáo viên của các trường ngày càng hạn hẹp, thậm chí là không có. Vì vậy, sau 4 năm học tập, sinh viên khi ra trường thường thấy “mờ mịt” về tương lai của mình. Một bộ phận trong số này đã buộc phải làm việc trái ngành nghề.

Nói nghề sư phạm là nghề cao quý nhưng thực tế giá trị mà nghề đó mang lại liệu có cao quý? Đa số giáo viên hiện nay vẫn than phiền về chế độ tiền lương, phụ cấp của họ. Khi đồng lương vẫn quá eo hẹp, mà giá cả ngày càng tăng khiến nhiều giáo viên không yên tâm công tác, phải “tìm kế sinh nhai” đủ đường để lo cho cuộc sống.
 
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lựa chọn ngành nghề của các em học sinh cũng như các quý phụ huynh hiện nay. Nhất là trong thời điểm hiện nay, đa số các em thích lựa chọn những ngành nghề có thu nhập cao để đáp ứng cho cuộc sống và nhu cầu của họ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho sự phát triển. Cùng với chủ trương, mục đích đó, việc đề cao vai trò, vị trí của người giáo viên cũng hết sức quan trọng trong công cuộc Đổi mới của đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng.

Ngành giáo dục cần có những chế tài, giải pháp có hiệu quả để thu hút  học sinh lựa chọn, yêu thích ngành sư phạm. Chương trình đào tạo cần sát thực tế, cơ chế tuyển sinh cần phù hợp với nhu cầu của xã hội. Tránh việc đào tạo tràn lan, không có kế hoạch.
 
Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên các ngành sư phạm như: tăng lương và đảm bảo các nguồn phụ cấp khác cho đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo…), để đảm bảo công tác an sinh, tâm lý cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác. Có như thế chất lượng giáo dục nước nhà mới được nâng cao và phát triển bền vững.
 
Lương Văn Hà
(trường THPT Thực hành Cao Nguyên, số 567- Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk)