Lớp chọn cũng phải “sạch”

Thường thì người ta chỉ nói đến “rau sạch”, “thịt sạch” “sữa sạch”, “hoa quả sạch”. Nhưng trong thời gian gần đây, trong môi trường học đường đang xuất hiện khái niệm: “lớp chọn sạch”.

Nhiều người đặt câu hỏi: “như thế nào là lớp chọn sạch?”. Và khi thừa nhận có “lớp chọn sạch” nghĩa là còn có lớp chọn… chưa “sạch”?!

Nhằm nâng cao chất lượng mũi nhọn, nhất là đối với bậc THPT, nhiều  trường dù công khai hay không công khai đều có các lớp chọn  theo khối lớp với các ban: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong các lớp chọn, nhà trường thường bố trí những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy. Sự “cạnh tranh” trong môi trường lớp chọn ở một chừng mực nào đó là động lực để học sinh có thêm ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng.

Để được vào học trong các lớp chọn, học sinh thường phải có kết quả học tập cao, lấy từ trên xuống trong kỳ thi chuyển cấp hoặc khảo sát chất lượng đầu năm. Học sinh đủ điều kiện vào học lớp chọn bằng năng lực thực của mình được gọi là “lớp chọn sạch”.

Lớp chọn cũng phải “sạch” - 1
Lớp chọn cũng cần phải… sạch

Do những ưu điểm nổi bật của lớp chọn mà nhiều bậc phụ huynh học sinh rất muốn con em mình được vào học trong môi trường lớp chọn. Từ đó, tìm đủ mọi cách để con mình có “chân” trong các lớp chọn.

Về phía nhà trường, vì một lý do nào đó trong mối quan hệ xã giao… (nhất là đối với những phụ huynh đi đầu trong phong trào tự nguyện “xã hội hóa giáo dục”) nên đã “linh động” xếp một số học sinh chưa đủ điều kiện “chuẩn” vào học lớp chọn.

Nằm trong dạng ưu tiên “phần mềm” này còn có không ít con em của giáo viên trong trường. Một số trường hợp khác lại “lọt” vào lớp chọn theo con “đường vòng” qua các mối “quan hệ”.

Sau một học kỳ hoặc một năm học, kết quả xếp loại học lực của học sinh được “đẹp hóa” để có thể khiến cho một học sinh chuyển từ lớp bình thường sang lớp chọn. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng xáo trộn về mặt tổ chức, sỹ số các lớp trong dịp đầu học kỳ, năm học.

Việc để cho các học sinh dù không đủ năng lực vẫn được vào học lớp chọn là không công bằng. Một mặt tạo tâm lý ức chế đối với những học sinh khác có điểm thi, lực học tương đương.

Mặt khác đối với những học sinh chưa đủ “chuẩn”, khi học tập trong môi trường lớp chọn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận khối lượng kiến thức thường có phần “nặng” hơn so với các lớp bình thường . Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện chung.

Tình trạng tồn tại những lớp chọn chưa “sạch”, xét đến cùng không phải là lỗi của bản thân học sinh, chủ yếu là do sự kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh vào con em và sự “cả nể’ vì những lý do “tế nhị” khác nhau từ phía nhà trường.

Thiết nghĩ, trong khi ngành giáo dục đang từng bước nỗ lực hướng đến mục tiêu dạy thực, học thực, chất lượng thực, việc minh bạch hóa chất lượng đầu vào của học sinh lớp chọn là điều hết sức cần thiết. Bởi, hơn bất cứ nơi nào, môi trường học đường luôn cần sự trong sạch.

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Lớp chọn chỉ phát huy hiệu quả khi trình độ học sinh phải khá đồng đều để giáo viên áp dụng cách dạy với yêu cầu cao hơn các lớp bình thường, đòi hỏi học sinh phải tiếp thu những kiến thức mở rộng và sâu hơn, đồng thời biết vận dụng sáng tạo những kiến thức đó, do đó phải làm nhiều bài tập hơn và phải dành thời gian tự học, tự đào sâu suy nghĩ trên nền kiến thức được học ở lớp.

Vì vậy, những học sinh không có đủ trình độ mà được “chiếu cố” cho vào lớp chọn thì không có lợi cho chính học sinh đó vì  bị đuối sức sẽ mất tự tin, sinh ra nản; mặt khác còn làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập chung của lớp.

Qua sự phân tích như vậy, phụ huynh có con em chưa đủ trình độ học lớp chọn thì không nên cố xin vào lớp chọn làm gì, vì lợi bất cập hại. Mặt khác, nhà trường cũng nên công tâm chọn đúng những học sinh đạt chuẩn vào lớp chọn.