Lòng dân luôn công bằng và sáng suốt

Đánh giá một con người, nhất là một nhân vật mà cuộc đời có nhiều uẩn khúc như Phan Thanh Giản, tất nhiên sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau được đưa ra. Song phải cân nhắc kỹ, kẻo bất kính với tiền nhân.

Về phẩm cách cao quý và những công lao của cụ Phan, lòng dân rất công bằng, nhiều nơi thờ phụng ông, có lẽ không cần phải bàn cãi.

Nhưng về cái gọi là "tội" của cụ đối với đất nước, cần phải có một thái độ khách quan và cẩn thận. Đối với Phan Thanh Giản, không thể nào chủ quan nói là những tư liệu hiện có về ông đã đầy đủ và xác thực.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: buihoangtam.khdt@gmail.com.

Câu nói: "Phan, Lâm mại quốc. Triều đình khí dân" được một số người viện dẫn một cách hùng hồn cho thái độ lên án của nhân dân đối vối Phan Thanh Giản và triều đình nhà Nguyễn, đến nay vẫn không rõ xuất xứ cụ thể. Nếu là câu đề cờ của Trương Định khi khởi nghĩa thì tại sao trong những tác phẩm của những tác giả đương thời, không thấy ghi chép lại? Nhất là trong tác phẩm của Nguyễn Thông, người đã viết tương đối đầy đủ về Trương Định, Hồ Huân Nghiệp?

"Mại quốc" ư? Ông đã thu lợi được gì?

Chỉ thấy sự ngậm ngùi thương cảm của Nguyễn Đình Chiểu trong thơ điếu Phan Thanh Giản:

"Minh tinh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ rày mặc gió thu".

Trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", Nguyễn Đình Chiểu đề cao Trương Định và Phan Thanh Giản:

"Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh

Ý người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước".

Cũng cần nên nhớ là trong đời cụ Nguyễn Đình Chiểu chỉ viết thơ điếu cho có ba người thôi, đó là Trương Định, Phan Thanh Giản và Phan Tòng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có hai bài thơ điếu cụ Phan Thanh Giản, một bằng chữ Hán, một bằng quốc âm.

Bài điếu văn của Phạm Phú Thứ có câu: "Lòng yêu nước sâu kín của ngài đối với nước nhà đáng khóc lên được... Có bao nhiêu người hiểu biết tình thế thật sự của nước nhà?...".

Ba tỉnh miền Đông đã mất vào tay Pháp trước đó, đâu phải đợi Phan Thanh Giản ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 để dâng đất cho giặc. Nếu là tội tự ý của Phan Thanh Giản, thì sao triều đình không bắt tội ông, mà lại cử ông làm tổng đốc Vĩnh Long và giao phó cho ông trọng trách giao thiệp với Pháp?

Việc để mất ba tỉnh miền Tây, với cương vị là Vĩnh Long - An Giang - Hà Tiên Kinh lược sứ, nhìn chung, trách nhiệm nặng nề nhất thuộc về Phan Thanh Giản. Song trút toàn bộ tội lỗi cho một cụ già tuổi đã ngoài bảy mươi, trong hoàn cảnh ba tỉnh miền Tây hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của đất nước, e rằng không thực sự hợp tình hợp lý. Theo Đại Nam thực lục, năm 1866, khi giặc đe dọa chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, triều đình đã thấy "thế đất cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó" nên "xin tư cho quan Kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui".

Về việc Phan Thanh Giản đầu hàng, trao thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi hạ lệnh cho các thành An Giang, Hà Tiên cũng phải nộp thành, tính xác thực của những tư liệu này (nhất là những tài liệu của người Pháp) cũng cần nên xem xét kỹ. Biết đâu đó là âm mưu của những kẻ xâm lược, hay những huênh hoang của chúng nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu của dân ta!

Phan Thanh Giản từng nói: "Lá cờ ba sắc (cờ Pháp) không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống", sao ông lại có thể bán nước được chứ? Hai con ông, Phan Tôn và Phan Liêm, đã phất cờ khởi nghĩa sau khi ông mất, thất bại, giặc dụ làm việc cho chúng, đã trả lời: "Người tôi trung không thờ hai chúa, người gái trinh không lấy hai chồng" và bị đày biệt xứ. Một người cha bán nước, sao có được những người con như thế?

Cụ Phan, cũng như triều Nguyễn lúc đó, đã có những sai lầm, hạn chế. Nhưng phải xét trong hoàn cảnh lúc đó của đất nước ta, và rộng hơn, của các nước láng giềng, của thế giới, mới có những nhìn nhận xác đáng. Thực tiễn cho thấy rằng, trừ Nhật Bản, hầu hết các nước xung quanh ta, dù trong tình trạng thuộc địa hay nửa thuộc địa, đến sau Thế chiến lần thứ hai, mới giành được độc lập.

Một điều chắc chắn, lòng dân luôn công bằng và sáng suốt. Chính vì vậy, cụ Phan Thanh Giản sẽ không bị chìm khuất trong dòng chảy của lịch sử dân tộc ta, dù dòng chảy ấy quanh co và lắm ghềnh thác.

Nguyễn Phước Huy
(8 Mạc Đĩnh Chi, Quận I, TP.HCM)

LTS Dân trí - Trong tất cả các tội thì bán nước là một trọng tội, ngàn đời bị nguyền rủa bởi mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đều phải trả bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Những kẻ cam tâm bán nước cho ngoại bang dù thời nào cũng đều chịu sự khinh bỉ, căm giận và không bao giờ được nhân dân tha thứ.

Do đó, vấn đề mấu chốt đối với Phan Thanh Giản là trả lời câu hỏi: Ông có phải là kẻ bán nước hay không? Nếu là kẻ cam tâm bán nước, không lý do gì có thể biện minh cho ông. Ngược lại, nếu ông không phải là kẻ mại quốc, cần phải thanh minh và trả lại những giá trị đích thực cho ông. Có lẽ chính vì thế mà cuộc tranh luận về ông đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.