Lối ấy bây giờ

(Dân trí) - Đó là lời của bài hát: “Em chọn lối này” của nhạc sĩ An Thuyên sáng tác vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi anh còn là chiến sĩ lên giúp đồng bào huyện Tương Dương ( Nghệ An) mở đường.

“Lối ấy bàn chân anh đã đi

Mở con đường ấm no bản em

Đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi

Xua tan mọi đói nghèo tăm tối...”

Những ca từ Trong bài hát em chọn lối này của nhạc sĩ An Thuyên sáng tác vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi anh còn là chiến sĩ lên giúp đồng bào huyện Tương Dương (Nghệ An) mở đường.

Đến bây giờ lên Tương Dương thấy phố huyện đông vui nhộn nhịp, có thuỷ điện Bản Vẽ; Khe Bố sắp thắp sáng cả núi rừng, có những con đường lớn được mở rộng thênh thang. Và vui hơn bởi cuộc sống của nhân dân ngày càng no đủ, hạnh phúc hơn…
Lối ấy bây giờ - 1
Cung đường Quốc lộ 7 qua rừng săng lẻ tại huyện Tương Dương. Đây cũng là khu rừng bậc nhất Việt Nam về cây săng lẻ quý hiếm... (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nằm về phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, Tương Dương thuộc huyện núi cao Biên giới đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 21 xã, Thị trấn. Có diện tích tự nhiên 281.129 ha, trong đó trên 80% diện tích là rừng núi. Có trên 17.000 hộ dân với trên 67.000 khẩu. Trong Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhờ thụ hưởng các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế miền núi của Đảng và Nhà nước và nội lực của nhân dân, làm cho Tương Dương có nhiều khởi sắc đi lên.

Hàng năm, sau tết, khi những chum rượu cần vừa cạn, cây lúa, cây ngô vừa xanh ruộng, xanh nương, đồng bào các dân tộc Tương Dương lại tay cuốc, tay dao đi phát núi mở đường giao thông, cứ mỗi năm mở tuyến giao thông về một xã hay một bản, để đến bây giờ đường giao thông đã đến được trung tâm các xã trong huyện.

Bây giờ ô tô có thể từ huyện đi lên Nga Mi, sang Bình Chuẩn (huyện Con Cuông) sang Quỳ Hợp, đi về trong ngày, không còn cảnh xe lai vượt núi mạo hiểm như trước. Đường vào các thôn bản cũng được mở rộng hơn, nhiều nơi được bê tông hoá. Tuyến giao thông đường thuỷ ngược Nậm Nơn, Nậm Mộ cũng phát triển.

Muốn vào Hữu Dương, Hữu Khuông hay lên Luân Mai, Nhôn Mai… bất cứ lúc nào cũng có thuyền phục vụ, chưa nói đến đi thuyền chúng ta còn được thưởng ngoạn cảnh sơn thuỷ hữu tình của non nước Tương Dương đẹp hùng vĩ. Sự đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, lấy giao thông làm khâu đột phá, để Tương Dương trở thành huyện có hệ thống giao thông tốt nhất trong các huyện miền núi Nghệ An.

Huyện đang chuẩn bị khởi công tuyến giao thông từ Bãi Xa đi Tùng Hương; Khai thông tuyến giao thông đi cửa khẩu Tam Hợp với nước bạn Lào được thông thương, để Tương Dương tiến nhanh trên con đường phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Ngày xưa lên Mường Xủng (Mường Xủng là tên gọi cũ của Tương Dương. Theo nghĩa tiếng Thái thì Mường Xủng có nghĩa là Mường cao hay vùng cao) đồng nghĩa với đi dễ khó về.

Nay lên Mường Xủng có thuỷ điện Bản Vẽ, thuỷ điện Khe Bố, mỏ than Khe Bố và nhiều công trình, nhà máy đang mọc lên hứa hẹn một vùng kinh tế mới sắp trổi dậy. Nhất là nguồn thuỷ điện, không chỉ cung cấp đủ điện cho toàn tỉnh mà còn hoà vào lưới điện quốc gia cung cấp cho cả nước và xuất khẩu sang nước bạn Lào….

Dừng chân ở thị trấn Hoà Bình, trung tâm kinh tế - xã hội của huyện, cảnh người mua bán tập nập hơn cả đô thị miền xuôi, nhất là các mặt hàng nông, lâm đặc sản sạch và rẻ. Phát huy thế mạnh của huyện miền núi, sự đầu tư phát triển chăn nuôi đang là thế mạnh của huyện. Tương Dương chú trọng chăn nuôi đàn trâu, bò hàng hoá, tăng mạnh đàn gia súc, gia cầm nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Lối ấy bây giờ - 2
Tuyệt phẩm trên dòng Nậm Nơn. Dòng Nậm Nơn - nơi công trình thủy điện Bản Vẽ đã phát điện nay nó đang trở thành dòng sông hấp dẫn về du lịch tại huyện Tương Dương (Ảnh: Nguyễn Duy) 

Cùng với việc tận dụng triệt để đất bằng sản xuất, chú trọng việc đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi từng bước tự túc lương thực tại chỗ, góp phần giữ vững an ninh lương thực. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, thế mạnh của rừng được phát huy. Tương Dương có 55.949 ha rừng sản xuất; có 63.657 ha rừng phòng hộ; 32.833 ha rừng đặc dụng đang được quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý.

Khu rừng săng lẻ nguyên sinh với hàng trăm ha, đang là tiềm năng lớn của du lịch sinh thái, sắp được các nhà đầu tư vào để mở tuyến du lịch mới, tạo nguồn thu lớn, bền vững cho huyện nhà, để năm qua giá trị sản xuất tăng thêm của huyện là 16,7%, nằm trong tốp đầu của tỉnh, đang chứng minh rằng Tương Dương có cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm cho sự tăng trưởng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đang giảm mạnh, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Lên Tương Dương thăm mấy anh bạn đồng nghiệp, ngủ lại phòng khách của vùng biên ải, mà ngỡ như đang nằm trong khách sạn sao ở thành phố. Thị trấn Hoà Bình ngày náo nhiệt là thế, đêm về lại tĩnh mịch và không khí trong lành đến lạ. Lâu ngày gặp nhau với chén rượu vơi lại đầy và tình người ấm áp khiến chúng tôi say nghĩa, say tình, chìm trong giấc ngủ say.

Nếu không có chiếc radio của ai đó mở to bài hát “em chọn lối này” những ca từ gần gũi quen thuộc: “Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối/này này ơi, nhưng em chọn lối này, em chọn lối này thôi”. Lối em chọn và tất cả 67 ngàn dân đồng bào các dân tộc Tương Dương chọn là con đường đi theo Đảng Bác Hồ, là sự đồng tâm hiệp lực, để thi đua sản xuất nhằm: “Xua đi mọi đói nghèo tăm tối... đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi”. Thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Phùng Văn Mùi