Lao động của giáo viên và những bất hợp lí

(Dân trí) - Nhiều người, sáng đi dạy, vội về nấu cơm, ăn xong, vội ngồi soạn bài để chiều có giáo án đi dạy. Tối về, lại quay lại điệp khúc trên, thức đến 1-2 giờ sáng để có giáo án đi dạy vào ngày mai.

Hiện nay, lao động của GV vẫn đang tồn tại những bất cập lớn, mặc dù Công đoàn ngành Giáo dục đã có ý kiến đề nghị, nhưng xem ra, sự "chuyển động" theo chiều hướng tích cực chưa nhiều. đã đến lúc cần có sự điều chỉnh để các nhà giáo chân chính đỡ thiệt thòi, phần nào động viên họ cố gắng để họ tận tâm với nghề, tận nghĩa với đời, như có lần Bộ trưởng GD&ĐT đã căn dặn.

Giáo viên tiểu học và dạy hai buổi/ngày

Chuyện xảy ra tại một trường tiểu học huyện (xin giấu tên): Tất cả GV đồng loạt kiến nghị với hiệu trưởng không dạy buổi thứ 2 trong ngày. Tại cuộc họp này, lãnh đạo nhà trường được nghe GV "phơi bày gan ruột" với bao hoàn cảnh éo le. Nhiều người, sáng đi dạy, vội về nấu cơm, ăn xong, vội ngồi soạn bài để chiều có giáo án đi dạy. Tối về, lại quay lại điệp khúc trên, thức đến 1-2 giờ sáng để có giáo án đi dạy vào ngày mai. Nhiều người không có thời gian đưa đón con đi học phải ỷ lại cho chồng, có người đành thuê hàng xóm.

Có GV vừa trình bày hoàn cảnh của mình vừa khóc, bởi ông chồng không sao chịu được cảnh ở gần vợ mà cứ như "chồng Nam, vợ Bắc". Mà công việc của các thầy cô ngày càng đòi hỏi cao: Ban giám hiệu nhà trường, thanh tra huyện liên tục kiểm tra đột xuất; thiếu giáo án, thiếu đồ dùng dạy học sẽ bị lập biên bản, sau đó là viết bản kiểm điểm gửi lên phòng GD, bị nhà trường cắt tiên tiến...

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chúng ta không thể nào chấp nhận việc GV lên lớp mà không có giáo án, không sử dụng đồ dùng dạy học (nếu thế hàng trăm triệu bạc mua thiết bị, đồ dùng dạy học trở nên vô nghĩa, chất lượng GD sẽ đi về đâu). Nhưng GV dạy 2 buổi/ ngày, cả ngày đến trường, thời gian đâu để soạn 7-8 tiết giáo án, chấm mấy chục bài của HS, chuẩn bị 5-6 bộ đồ dùng dạy học. Họ ấm ức, họ khóc là vì vậy. Thực ra thì việc GV phản ứng không dạy 2 buổi/ngày xảy ra ở nhiều trường, nhiều huyện. Có điều, do hiệu trưởng nhà trường khéo động viên, do bị ép buộc mà họ vẫn cứ phải làm.

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta thực hiện việc hỗ trợ dạy 2 buổi/ngày với mức thu: 20.000 đồng/HS/tháng (miễn giảm cho hộ nghèo, chính sách). Bình quân mỗi buổi dạy của GV chỉ khoảng 20.000 đồng, cá biệt có trường chỉ được10.000đồng/ buổi. Hiện nay, theo Thông tư 35, những trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, được biên chế 1,5/GV/lớp, tăng 0,35 GV/ lớp, nhưng không hiểu sao vẫn chưa áp dụng Thông tư này. Mà có được tăng biên chế GV đi chăng nữa, cũng chỉ tháo gỡ được 35% khó khăn của GV.

Hơn thế, theo quy định của Chính phủ về chế độ làm việc 40 giờ/tuần, ngoài 5 buổi lên lớp, GV tiểu học phải đi sinh hoạt chuyên môn một buổi (bằng 4 giờ). Như vậy, trong khi các ngành khác nghỉ thứ 7, GV phải đi làm thêm nửa ngày mà không có bất cứ chế độ nào. Nếu căn cứ Luật Lao động, thì GV tiểu học đang chịu quá nhiều thiệt thòi (làm thêm quá giờ quy định, trả lương không đảm bảo, hoặc không trả tiền làm thêm giờ).

Giáo viên trung học và việc đi làm ngày thứ 7

Cũng theo quy định về làm việc 5 ngày/tuần (nghỉ ngày thứ 7), thì GV (THCS, THPT) phải đi làm ngày thứ 7 và được bố trí nghỉ bù vào ngày khác trong tuần. Nếu xét về mặt cơ học đơn thuần thì thấy cũng hợp lí. Tuy nhiên, xét kĩ thấy, quyền lợi của CB, GV bị thiệt thòi. Thứ nhất, việc nghỉ ngày thứ 7 khác xa nghỉ vào các ngày khác trong tuần. Nghỉ liền 2 ngày thứ 7 và chủ nhật, người lao động có điều kiện thăm gia đình, bạn bè ở xa, hoặc đi tham quan, du lịch, hoặc bố trí làm một công việc khác trong gia đình tiện lợi hơn. Nghỉ vào ngày khác, trong khi vợ (chồng) không được nghỉ, gia đình có muốn sum họp, nghỉ ngơi cùng nhau không thực hiện được.

Đối với cán bộ quản lí, thực chất là họ phải làm việc 6 ngày/tuần. Không một ông hiệu trưởng nào, khi công việc trường lớp bề bộn mà ung dung nghỉ ngơi ở nhà. Dù có ở nhà chăng nữa cũng không thể yên tâm khi ở trường còn bao công việc cần mình giải quyết. Nói cách khác là thân thể ở nhà mà tinh thần ở trường. Như thế không thể gọi là nghỉ.

Mặt khác, HS phải đi học vào ngày thứ 7, cũng chịu thiệt thòi. Các em không được đi chơi cùng bố mẹ, không được hoạt động ngoại khoá, hay tham gia các hoạt động xã hội khác. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã đề nghị, cho HS ta nghỉ ngày thứ 7".

Rõ ràng chế độ lao động của GV hiện nay đang còn nhiều bất cập, thiết tưởng một sự công bằng cho GV với các lao động ngành khác là một đòi hỏi chính đáng.

Minh Tuý
(Khối 6, Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hoá)